Bài: Chi Hoa
Concept: Nguyễn Minh Ngọc (ZnGemie)
Ảnh: DZ
Miền Tây Nam Bộ chẳng những níu chân khách phương xa bằng vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của chốn sông nước yên bình, mênh mông và trù phú, cây trái sum suê đầy cành cùng những con người chất phác, mến khách, mà còn gây thương nhớ với những món ăn dân dã đậm đà hương vị từ những sản vật phong phú nơi đây. Hãy cùng Heritage khám phá ba món ăn đặc trưng của miền Tây nhé!
Lẩu mắm
Nhắc đến miền sông nước, không thể bỏ qua đặc sản nơi đây là các loại mắm cá và các loại rau dân dã. Từ đó ra đời món lẩu mắm thơm ngon nức lòng thực khách. Mắm cá linh và cá sặc được nêm vào nước hầm xương để làm nước dùng. Thịt ba chỉ cắt miếng vừa ăn, xào với tỏi, ớt phi thơm rồi cho vào nồi lẩu. Ngoài nước dùng ra, món lẩu mắm đặc biệt ở sự phong phú của các loại rau quả ăn kèm: bông điên điển, cọng hoa súng, rau bạc hà, rau đắng, rau nhút, hoa bí, hoa chuối, rau muống thái rối, cà tím, ớt… Khi ăn sẽ cho cá, tôm, mực, cá viên… vào nồi lẩu cùng các loại rau và bún.
Bánh xèo
Bánh xèo vốn là một món đặc sản trong ẩm thực Việt Nam. Mỗi vùng miền lại có cách chế biến bánh xèo khác nhau, mang đến hương vị độc đáo riêng. Khác với bánh xèo miền Trung thường đổ trong khuôn gang, có kích thước chỉ to hơn bàn tay, bánh xèo miền Tây được đổ trong chảo gang lớn nên có kích thước to hơn và vỏ có phần mỏng và giòn hơn. Vỏ bánh được đổ từ hỗn hợp bột gạo và ít bột mì, pha cùng bột nghệ để tạo màu và nước cốt dừa để có vị béo. Nhân bánh phải có giá đỗ, tôm, mực, đậu xanh. Đặc biệt ở Cần Thơ, bánh xèo lại có nhân từ măng, thịt vịt, nấm, đậu xanh. Bánh xèo miền Tây sẽ mất ngon nếu thiếu đi rau và nước chấm. Rau ăn bánh xèo là các loại rau dân dã miền Tây như rau diếp, cải xanh, xà lách, húng quế, dứa, dưa chuột… Nước chấm thường là nước mắm được pha ngọt thêm ít ớt và đồ chua.
Bánh đúc mặn