Bài: Chi Hoa
Ảnh: Ryan Deboodt (do Oxalis cung cấp), Victor Phạm
Trong số các hang động thuộc hệ thống hang tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Hang Va là một trong những phát hiện hiếm có. Hang động này được đội nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu hang động Anh khám phá vào năm 2012, trong một cuộc thám hiểm các hang động ở tỉnh Quảng Bình. Nằm gần lối ra của Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới, Hang Va ẩn chứa trong mình một trong những cấu tạo địa chất hiếm nhất từng được khám phá ở châu Á.
Theo nhận định của đội Nghiên cứu Hang động Anh, rất có thể Hang Va và Hang Sơn Đoòng có liên kết thủy văn với nhau qua những khe nhỏ trong hang. Bằng chứng là tại đây, họ nhận thấy nguồn nước tương tự như ở Hang Sơn Đoòng, đồng thời đã tìm thấy cùng một loài cá màu trắng sinh sống ở cả hai hang động này. Một giả thiết được đặt ra là hàng triệu năm về trước, khu vực này của Hang Va đã từng thông với Hang Sơn Đoòng, trước khi bị những khối đá sụp xuống dần lấp mất. Giả thiết này vẫn còn đang nằm trong vòng bí ẩn chưa tìm được lời giải.
Lối vào của Hang Va nằm sâu trong vùng lõi của Vườn quốc gia. Từ cửa hang, để chạm tới dòng sông ngầm bên trong cần phải trèo xuống một con dốc trơn trượt với sự hỗ trợ của thiết bị an toàn như hệ thống dây, đai lưng… Men ngược dòng nước vào khoảng 1km, lòng sông được tách làm hai nhánh tuyệt đẹp với những dòng thác đổ xuống từ trần hang. Cách đó không xa, dòng sông ngầm cắt ngang một nhánh khác có vị trí cao hơn.
Để chinh phục nhánh hang phía trên, đoàn thám hiểm lại một lần nữa phải sử dụng dây thừng để trèo men lên vách đá cheo leo. Một thế giới hang động dần mở ra trước mắt, với những hồ nước lớn và con đập khổng lồ được tạo thành từ quá trình lắng đọng canxi cacbonat. Chính tại nơi đây, những cấu tạo địa chất đặc biệt đã làm ngỡ ngàng những người thám hiểm và các nhà nghiên cứu.
Trong lòng các con đập là vô số những cột măng đá mang hình nón độc đáo đứng liên tiếp nhau. Điều khiến cho nơi đây trở nên đặc biệt là những măng đá dường như “mọc lên” từ dưới nước. Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Anh, Mỹ và Việt Nam, ngoại trừ Hang Va, gần như không nơi nào trên thế giới có thể tìm thấy cấu tạo hang động đặc biệt này.
Các cột măng đá được đặt tên là Tháp Nón hay Tháp nhũ Hình Nón và được cho là hình thành dưới nước nhờ những mảng canxit mỏng trên bề mặt nước chìm xuống đáy hồ. Qua hàng nghìn năm, những mảng canxit này xếp chồng lên nhau và tạo ra những tháp hình dạng kì lạ như chúng ta có thể nhìn thấy hôm nay. Có hàng trăm cột tháp với kích thước đồng đều ở khu vực này, và có những tháp cao tới hơn 2m. Nếu không tận mắt chứng kiến, có lẽ khó có thể hình dung hang động này lại tồn tại thực sự, mà chỉ có thể là ở một thế giới huyền bí nào khác.
Một tạo vật hiếm hoi bắt gặp trong những hang động thông thường cũng được tìm thấy ở Hang Va. Trên trần của hang động rộng lớn này là những nhũ đá dạng cành lấp lánh tựa như pha lê. Chúng được tạo ra do nước dưới áp suất được phun qua các kẽ nứt của thành hang động. Có vẻ như những luồng gió trong hang đã góp phần tạo hình cho những nhũ đá mỏng manh này, khiến chúng có hình dạng như những cành cây mọc theo nhiều hướng.
Hiện nay, Hang Va đã được đưa vào khai thác du lịch cùng với những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ tạo vật quý giá của thiên nhiên này. Dù là ở thời điểm nào, chỉ có 8 người được phép vào trong hang mỗi lần. Các du khách được yêu cầu đi trên một con đường nhỏ và không chạm vào nhũ đá để hạn chế những tác động dù nhỏ nhất tới nơi đây.
Hang Va là hang động đặc biệt nằm ở trung tâm của khu Di sản Thế giới – Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Nơi đây sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho những trái tim ưa mạo hiểm, từ băng rừng, lội sông, cho tới cắm trại qua đêm ở giữa chốn thiên nhiên hoang sơ, để rồi được chứng kiến một trong những điều kì diệu nhất của thiên nhiên.