Bài: Giáo sư Trịnh Sinh
Ảnh: Lê Bích

Làng Diềm còn có tên là làng Viêm Xá thuộc phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh là ngôi làng nổi tiếng đất Kinh Bắc. Đây chính là quê hương của các làn điệu dân ca Quan họ mà UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại từ năm 2009.

Các liền chị trong trang phục biểu diễn Quan họ

Từ quê hương làng Diềm, những làn điệu dân ca đã lan toả tạo nên 49 làng Quan họ có trước năm 1945, và nay đã có hơn 300 làng Quan họ mới (làng Quan họ thực hành) trên khắp tỉnh Bắc Ninh. Sức truyền cảm của các câu dân ca Quan họ theo dọc con sông Cầu thơ mộng tràn về các làng cổ của xứ Kinh Bắc xưa rồi tràn khắp đồng bằng Bắc Bộ, khắp đất nước và cả những nơi có người Việt sinh sống xa quê hương. Tự thân các làn điệu Quan họ đã có sức truyền cảm lớn. Cùng với cây đa, giếng nước, mái đình, các câu Quan họ như là một thứ căn cước, giống như tiếng Việt để mọi người Việt còn nhớ đến mảnh đất đã sinh ra, để còn đoàn kết trong tình nghĩa đồng bào.

Về làng Diềm nghe câu Quan họ, mới cảm nhận hết được cái hay của những làn điệu dân ca qua chất giọng mượt mà của các liền anh, liền chị, má lúm đồng tiền, chít khăn mỏ quạ, áo dài nâu, yếm thắm vừa hát vừa đi mời trầu du khách. Các nhà khoa học thống kê có tới 324 bài hát Quan họ cổ, trong số đó làng Diềm còn lưu giữ khá nhiều. Cái hay của Quan họ chính là các làn điệu đã được kết tinh và giao hoà với nhiều làn điệu dân ca các miền đất nước như hát ca trù, hát lý miền trung, thậm chí cả hát chèo… Lời của Quan họ lại được trau chuốt qua nhiều thế hệ, nhiều nghệ sĩ dân gian vô danh nên lại càng dễ say lòng người. Có khi, những câu hát thể hiện khuôn phép khi ca ngợi Thành Hoàng làng, có khi là lối hát đối đáp phóng khoáng, ứng khẩu giữa hai nhóm Quan họ, mang tính hóm hỉnh, thông minh, lại được người người nghe cùng tham gia gọt dũa ca từ, càng có sức sống, lan toả. Nhiều bài Quan họ cổ đã đi cùng năm tháng như: Cây trúc xinh, Xe chỉ luồn kim, Ngồi tựa mạn thuyền, Trèo lên Quán dốc, Ba sáu thứ chim, Tình bằng có cái trống cơm…đã làm xao xuyến bao lớp người.

Về làng Diềm, không chỉ được nghe câu quan họ, mà du khách còn được xem một Bảo vật quốc gia mới được nhà nước xếp hạng năm 2020. Đó là Cửa võng đình Diềm. Đây thực sự là một báu vật, được làm từ gỗ sơn son thiếp vàng, niên đại cách đây hơn 300 năm. Cửa võng cao 7m, rộng 3,9m kéo dài từ thượng lương xuống nền đình, trang trí khắp 5 tầng với kỹ thuật chạm bong, chạm nổi, chạm lộng tinh xảo với hình tượng tứ linh: long, ly, quy, phượng… Nhưng có lẽ, người xưa dồn tâm sức vào việc khắc hoạ chính mình một cách sinh động. Đó là hình tượng ông lão ngồi đánh cờ, cô gái ngồi vắt vẻo trên lưng rồng, voi và người quản tượng đóng khố, chít khăn, tay và chân dang rộng, nét mặt hân hoan. Đặc biệt, có một bức tượng hiếm thấy trong nghệ thuật tạo hình cổ đại là bức tượng ngựa rất đẹp được mô tả hiện thực bên cạnh người giám mã có khăn đội đầu, tay nắm bờm ngựa.

Mảng chạm khắc gỗ trên cửa võng đình Diềm

Làng Diềm phía đông bắc giáp làng Hữu Chấp, phía Tây giáp làng Xuân Đồng, phía tây bắc và đông bắc là con sông Ngũ Huyện Khê chảy vòng rồi nhập với sông Cầu soi bóng núi Kim Sơn tạo nên phong cảnh hữu tình. Đây cũng là ngôi làng có hai Di tích Quốc gia. Một là đình Diềm, được xây vào thời vua Lê Hy Tông, ngoài kiến trúc đẹp còn có cảnh quan hữu tình, tụ sơn tụ thuỷ, nằm ở chân núi Kim Sơn ven sông Cầu thơ mộng. Hai là đền Vua Bà – Thuỷ tổ Quan họ. Ngoài ra, làng còn có đền Cùng – giếng Ngọc nước trong và không bao giờ cạn, cũng là nơi thờ Mẫu Thượng ngàn và hai bà chúa Giếng. Tương truyền, ở giếng Ngọc có ba cụ cá thần chính là hóa thân của hai nàng công chúa Ngọc Dung và Thủy Tiên cùng một nàng hầu đi theo.

 Nếu đến làng Diềm, du khách nên đi vào dịp lễ hội đền Vua Bà vào mùng 6 tháng 2 Âm lịch, thời điểm tập trung nhiều giọng ca Quan họ các làng đổ về so tài.

Hiếm có một ngôi làng nào lại hội tụ đủ chất hào hoa, phong nhã, đậm chất Kinh Bắc như làng Diềm. Đó cũng là lý do mà nơi đây cuốn hút du khách mọi miền.