Bài: Hương Quỳnh
Ảnh: Kim Dung

Mùa xuân là mùa của trăm hoa đua nở, là mùa của vạn vật tốt tươi đi cùng những ước vọng đẹp đẽ. Với cư dân có nguồn sống dựa vào nền nông nghiệp, ước vọng mùa xuân chính là mong mỏi cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu để cuộc sống đủ đầy, no ấm. Những ước vọng đó đã được gửi gắm trong nhiều lễ hội truyền thống mà lễ hội Tịch điền (xuống đồng) là một trong những hoạt động văn hóa có bề dày lịch sử và ý nghĩa sâu sắc tại miền quê Việt Nam mỗi dịp xuân sang.

Hình ảnh vua Lê Đại Hành xuống đồng đầu xuân được tái hiện trong lễ Tịch Điền

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại sự kiện vào đầu xuân năm 987, vua Lê Đại Hành đã thực hiện nghi lễ Tịch điền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam để khuyến khích dân chúng sản xuất nông nghiệp, mở mang nông trang, cầu mong mùa màng tươi tốt quanh năm. Các triều đại sau đó như đời nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Nguyễn, các bậc quân vương đều cử hành nghi lễ xuống đồng đầu xuân với tư tưởng trọng nông nghiệp của triều đình. Trải qua hơn 1.000 năm, dù có lúc thăng lúc trầm với những khúc quanh của lịch sử do chiến tranh, nghi lễ tịch điền đến nay vẫn được cư dân nông nghiệp Việt Nam tái hiện trang trọng, giữ nguyên những ước vọng về sự trù phú, no đủ của nhà nông.

Lễ hội Tịch điền đầu năm mới luôn diễn ra trong không khí hân hoan

Cứ vào ngày 7 tháng Giêng, khắp vùng chân núi Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) rộn ràng tiếng trống hội trong không khí hân hoan, nắng ấm ngập tràn. Đây cũng chính là địa danh mà xưa kia vua Lê Đại Hành đã xuống đồng đầu xuân làm nghi lễ tế thần, thực hiện những đường cày đầu tiên trong năm mới, cổ vũ tinh thần của dân chúng để phát triển nông nghiệp nước nhà.  

Trong hàng nghìn lễ hội đầu xuân khắp mọi miền tổ quốc thì lễ hội Tịch điền có ý nghĩa văn hóa rất riêng. Lễ hội này gắn với hình ảnh bậc quân vương lội ruộng đi cày cùng con trâu – người bạn thân thiết của nhà nông. Đằng sau hình ảnh đời thường đó chính là tư tưởng trọng nông hiện diện ở mọi thời đại, cổ vũ tầng lớp nông dân gắn bó ruộng đồng, hăng say sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp cho thóc ngô đầy nhà, đời sống sung túc.

Màn múa rồng khai hội

Lễ hội Tịch điền cũng như các lễ hội khác có phần lễ trang trọng và phần hội tưng bừng. Phần lễ chính là nghi thức dâng hương tế thần Nông, sau đó vị bô lão cao tuổi hóa thân gợi nhớ huyền tích của vị vua xưa khi xuống đồng cày như một lão nông trong ngày đầu năm mới. Theo sau là các lão nông tri điền và tiếp đến là những cô gái ôm thúng hạt giống, có thể là thóc, ngô, lạc… Nhiều năm gần đây, các vị lãnh đạo Nhà nước đã tới dự và tham gia lễ hội Tịch điền trong trang phục của nhà nông, cầm cày đi bừa ngay sau vị bô lão hóa trang thành vua xuống đồng.

Các cư dân nông nghiệp luôn háo hức, mong chờ lễ hội Tịch điền

Phần hội chính là khoảng thời gian được nhiều cư dân mong chờ với nhiều trò chơi, thi đấu náo nhiệt. Một trong những màn thi đấu được chờ đợi nhất và cũng gây nhiều ấn tượng nhất tại lễ hội Tịch điền chính là phần thi vẽ, trang trí lên mình những chú trâu. Thường phần thi này được tổ chức trước nghi lễ xuống đồng vì đây là cách thức để chọn những chú trâu đẹp nhất, đặc sắc nhất xuống đồng cùng “nhà vua”. Từ nhiều ngày trước đó, các chú trâu khỏe mạnh được tuyển chọn khắp các thôn xóm trong vùng và đưa về bãi tập kết để các họa sỹ trang trí bằng những nét vẽ sắc màu trên khắp thân hình chúng. Những chú trâu được trang trí nổi bật, đẹp mắt nhất sẽ được theo chân “vua” và các lão nông xuống đồng cày bừa lần đầu tiên trong năm mới. Chính những người bạn của nhà nông này đã góp phần làm nên một lễ hội văn hóa rực rỡ sắc màu.

Là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời và mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, lễ hội Tịch điền chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của tổ tiên – đó là coi trọng sự phát triển của nông nghiệp và ước mong cuộc sống ấm no qua hoạt động khởi sự nông nghiệp trong mùa xuân mới.