Bài: Phan Cẩm Thượng
Ảnh: Bá Ngọc, Trần Hiếu

Một vài viên quan Tây, thời Thực dân, mò vào làng xã, rất ngạc nhiên khi lý trưởng bẩm báo về một ông to nào đó, đêm qua vừa chén cả một con lợn, và hình như ngài còn đòi lấy vợ nữa. Hồi lâu sau, tay quan Tây mới rõ đó là con hổ dữ vừa tấn công làng này. Họ không thể hiểu sự kính trọng của dân bản xứ đối với hổ, cũng không hiểu đó là một tín ngưỡng rất lâu đời. Việc này sau được nhắc đến trong các nghiên cứu về văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam xưa.

Đối với người phương Đông cổ xưa và người Việt nói riêng, thần Hổ là một thế lực trong cả tự nhiên (thực tế) và đời sống tâm linh. Đó là thần đất, thần bảo hộ, tượng trưng cho các thế lực trên mặt đất, đối lập với con Rồng là tượng trưng cho các thế lực trên trời. Trong tự nhiên, hổ sinh sống từ Ấn Độ đến Đông Á, trải suốt từ Siberia tới các đảo ở Indonesia, một địa bản rất rộng, khi rừng, đầm hồ còn nhiều, hổ là chúa tể trong tự nhiên, tương tự như sư tử ở suốt từ Trung Á đến châu Phi.

Hổ thuộc họ mèo, bơi giỏi, trèo cao, sống độc thân và ăn tất cả các loại động vật từ ếch nhái đến trâu bò, hươu nai, tấn công cả các loài mãnh thú khác như gấu. Ở gần dân cư, thì hổ cũng liên tục tấn công làng xã, giết, bắt trâu bò, lợn, dê, cừu, chó… sự việc này diễn ra phổ biến và liên tục trong suốt hàng ngàn năm lịch sử nông nghiệp, nên tự nhiên hình thành sự sợ hãi bản năng đối với thú nuôi trong nhà, mỗi khi đánh hơi thấy hổ tới gần. Hổ cách làng 30 dặm, chó có thể biết, chạy và sủa cuống quýt, rồi rúc vào gầm giường nằm im.

Mỗi dặm xưa, được tính bằng khoảng cách để một con bò từ xa, nom thấy bằng con bê, dặm được tính tùy thời khoảng từ 400m đến 446m, hoặc bằng 500m. Như vậy chó có thể đánh hơi thấy hổ từ khoảng cách ít nhất 13km. Sau đó đến lợn có thể đánh hơi thấy hổ từ khoảng 5 – 7km, chúng rít lên, rồi ngựa, khi hổ đến 3km, thì rúc đầu vào bụi, đá chân sau liên tiếp. Khi hổ mò vào đến làng thì không còn tiếng động nào. Chính vì, sự cảm nhận của vật nuôi mà người ta biết được hổ đang đi đến đâu, ở khoảng nào, không kể sự báo động của hươu nai, chim chóc. Thậm chí, cho chó ngửi phân hổ là chúng im thin thít. Ngược lại thì hổ cũng có khả năng đánh hơi hơn cả chó. Thực tế thì hổ cũng sợ người, chỉ tấn công người bất đắc dĩ.

Cái khoảng cách 30 dặm cổ mà người xưa biết về sự di chuyển của hổ, có lẽ là lý do người ta gọi hổ là ông Ba mươi. Cũng còn có thể, hổ thường đến làng vào đêm tận nguyệt, đêm 30, khi đó trời tối nhất, trăng chưa lên, lại là ngày lên chùa của dân chúng, nên kỵ sát sinh, hoặc ý nghĩa khác, vốn 30 là số biểu trưng cho sự to lớn. Tại sao 30 lại là to, xưa khi nấu cơm, người ta dùng các loại nồi đồng, từ nhỏ đến to, gọi là nồi ba, nồi năm, nồi bẩy, nồi mười. Nấu cơm cho thợ, nấu cỗ thi thoảng dùng đến nồi mười, còn khao làng, cưới lớn thì dùng loại nồi to gấp ba nồi mười.

Nồi ba tức là nấu được ba đấu gạo, loại thông thường cho một gia đình, từ 5 – 7 người. 30 cũng có ý nghĩa là cuộc đời, chữ Thế là cuộc đời có ý nghĩa về số đếm là 30 năm, đây là tuổi thọ của người xưa, tính từ thời Đường hắt về quá khứ (khoảng thế kỷ 7 sau CN). Sau này, thì người ta cho rằng tam thập nhi lập – tức là 30 tuổi thì người đàn ông trưởng thành hoàn toàn. Như vậy gọi hổ là ông Ba mươi tức là một đấng hoàn hảo. Thời Nguyễn, bắt được hổ thì được quan thưởng cho 30 quan tiền, đồng thời cũng phạt 30 roi (phạt tượng trưng, vì xúc phạm thần hổ). Đêm 30 người ta cúng thần hổ.

Hồ còn được gọi là ông Dần, ông Hùm, ông Cọp, ông Kễnh, ông Ngái trong tiếng Việt, còn trong các ngôn ngữ sắc tộc phía Bắc nước ta, gọi là Tài ngào, trong tiếng Hán gọi là Hổ. Thành ngữ “Vuốt râu hùm” nói về sự dám đùa bỡn với quyền lực, “Cưỡi lưng hổ” nói về cái thế cùng đường, phải hành động theo đó.

Tín ngưỡng thờ thần Hổ, theo các tiểu thuyết và thần tích thì có từ thời Văn Lang. Hổ được coi là hóa thân của Phạm Nhĩ, một người nhà trời có sức mạnh như thiên lôi. Hổ được coi là thần cây chiên đàn, một thứ mộc tinh lâu đời, còn gọi là Xương Cuồng (ý nói rất bạo ngược). Trên các đồ đồng Đông Sơn có khắc hình hổ. Hổ được làm thành phù điêu, tượng để gầm bàn thờ trong các miếu, đền, cây hương.

Tranh dân gian có Thần hổ, gồm tranh Ngũ hổ. Hổ vàng trung tâm, hổ đỏ phương Nam, hổ đen phương Bắc, hổ xanh phương Đông, hổ trắng phương Tây. Lại có tranh lẻ từng hổ từng màu, cho bốn phương và trung tâm theo thuyết ngũ hành. Ngũ hổ trấn bốn phương và trung tâm, hai bên có hai chòm sao Đại hùng tinh và Tiểu hùng tinh, cùng cờ phướn, kiếm tượng trưng cho võ công. Người ta mua tranh Ngũ hổ về dán gầm bàn thờ, hoặc dán ở miếu thờ thần hổ, miếu thổ thần, thổ địa với niềm tin tâm linh mãnh liệt.