Hữu Vi
Thời Tây Sơn (1778 – 1802) gắn liền với tên tuổi vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789 đại phá quân Thanh, hoàng đế Quang Trung đã tập trung phục hồi đất nước, ổn định xã hội và ra sức phát triển văn hóa dân tộc. Bởi vậy, tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng giai đoạn này đã để lại cho hậu thế những di sản văn hóa đặc sắc, những kiệt tác nghệ thuật độc đáo mang dấu ấn thời đại rất rõ nét. Tiêu biểu trong đó là chiếc trống đồng Cảnh Thịnh, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Trống đồng Cảnh Thịnh được đúc theo kỹ thuật khuôn sáp, nặng 32kg, cao 37,4cm, đường kính khoảng 49cm. Mặt trống cong vồng hình chỏm cầu, tâm mặt trống đúc nổi hình vòng tròn kép. Thân trống hình trụ, phình nhẹ ở giữa và chia thành ba phần đều nhau, ngăn cách bằng hai đường gờ nổi hình sống trâu. Tương ứng với mỗi phần là một băng hoa văn trang trí. Ngoài các đồ án phụ như băng hoa chanh, nhũ đinh, hồi văn chữ T và văn như ý, đề tài trang trí chủ đạo trên trống xuất hiện ở hai băng: băng trên cùng đúc nổi đề tài Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng) mang ý nghĩa biểu trưng cho đất nước thái bình thịnh trị, xã hội an lạc. Băng dưới cùng trang trí hình Long Mã cõng Hà đồ, Thần Quy chở Lạc thư. Hà đồ (Tiên thiên bát quái đồ) và Lạc thư (Hậu thiên bát quái đồ) là hai biểu tượng khởi nguyên của Kinh Dịch – tư tưởng triết học của người Á Đông về quy luật của sự biến đổi. Nó được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như vũ trụ, thiên văn, địa lý, phong thủy, nhân mệnh, quản lý xã hội… Cũng ở băng hoa văn này còn có hình Thao Thiết. Đồ án Thao Thiết xuất hiện trong nghệ thuật cổ Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Theo truyền thuyết, Thao Thiết là một con vật ham ăn vô độ, thậm chí có thể ăn cả cơ thể mình. Ban đầu, hình trang trí này nhằm ý nhắc nhở việc ứng xử trong ăn uống, về sau trở thành biểu tượng của sức mạnh quyền uy hoặc sự no đủ, bền vững.
Với hình thức độc đáo và những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là thể hiện sự bảo tồn, phát triển truyền thống đúc và sử dụng trống đồng của người Việt qua hơn hai ngàn năm lịch sử, trống đồng Cảnh Thịnh đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012.