Tạp chí Heritage tổng hợp

Cuộc sống hiện đại với nhiều mối bận tâm sẽ dễ dàng cuốn con người vào vòng xoáy vô định của mê cung vật chất. Những khoảnh khắc vui vẻ khi sở hữu trang sức sang trọng, quần áo sành điệu, túi xách cao cấp… sẽ khiến bạn hài lòng trong bao lâu? Những thứ đó thực sự khiến bản thân bạn có giá trị?

Nếu bạn chưa có câu trả lời thì đừng nên bỏ qua bài viết về chủ đề phong cách sống minimalism sau đây. Cùng tìm hiểu lý do vì sao lối sống tối giản giờ đây đã trở thành “kim chỉ nam” cho nhiều bạn trẻ Việt Nam và trên thế giới.

phong-cach-song-toi-gian-minimalism-khong-chi-the-hien-trong-loi-sinh-hoat-ma-con-o-noi-that-viec-sap-xep-do-dac

Phong cách sống tối giản minimalism không chỉ thể hiện trong lối sinh hoạt mà còn ở nội thất, việc sắp xếp đồ đạc
(Nguồn: Unsplash)

1. Nguồn gốc và sự ra đời

Trường phái tối giản được (minimalism) sản sinh sau Thế chiến thứ hai. Lúc bấy giờ, người ta biết đến phong cách tối giản là một trường phái mỹ thuật, trong đó, ưu tiên các yếu tố đơn giản và hài hòa. Nguồn gốc của chủ nghĩa minimalism xuất phát từ những tác phẩm nghệ thuật thuộc trào lưu này ở các nước phương Tây và đặc biệt nở rộ vào những năm đầu thập niên 1960 ở New York (Mỹ).

Trước kia, minimalism chỉ là những tác phẩm nghệ thuật gồm vài đường nét cơ bản thì giờ đã trở thành triết lý và phong cách sống hiện đại. Bên cạnh đó, Triết lý Thiền Tông cho rằng không quá ràng buộc với vật chất cũng sẽ mang đến sự thanh thản và thoải mái trong đời sống tinh thần.

nguoi-nhat-ban-goi-phong-cach-song-minimalism-la-danshari

Người Nhật Bản gọi phong cách sống minimalism là Danshari
(Nguồn: Unsplash)

Do đó, đây cũng là phong cách sống đang được người Nhật ưa chuộng và gọi là Danshari. Tương truyền rằng, người dân Nhật Bản vào thời Edo đã bị giới hạn bởi các luật lệ ngăn chặn sự khoe khoang vật chất và tài sản.

Ngoài luật lệ ngăn cấm thì điều kiện địa lý của Nhật Bản cũng là nguyên nhân khiến người dân nước này lựa chọn lối sống tối giản. Vì thường xuyên gặp động đất và xảy ra thương vong do đồ đạc rơi vỡ, người Nhật Bản buộc phải tối thiểu hóa nội thất và tập trung hơn vào các đồ đạc có tính ứng dụng cao.

Theo thời gian, Danshari đã trở thành một nếp văn hóa phong cách sống và là biểu tượng cho đời sống sinh hoạt của người Nhật. Trong tiếng Nhật, Danshari là cụm từ kết hợp của 3 từ: Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ) và Ri (rời xa).

2. Sống tối giản có phải chỉ đơn giản là tối thiểu hóa đồ đạc?

Đây có lẽ là điều mà những “lính mới” trong chặng đường gia nhập vào lối sống tối giản băn khoăn. Trong một quyển sách Nhật Bản của tác giả Sasaki Fumio có tựa đề “Bokutachini, moumonohahitsuyounai”, đại khái dịch là “Chúng ta không cần đồ đạc (Lối sống tối giản của người Nhật)”.

toi-gian-tu-quan-ao-theo-phong-cach-minimalism

Tối giản tủ quần áo theo phong cách minimalism
(Nguồn: Unsplash)

Theo tác giả, những người theo đuổi sự tối giản sẽ chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết và tận dụng những món đồ đa năng để đơn giản hoá không gian sống. Như vậy, họ sẽ nhẹ nhõm, tập trung tối đa vào những việc quan trọng hơn mà cuộc sống vẫn hạnh phúc và đủ đầy.

Một phong cách sống tối giản nghĩa là bạn cần trang bị những thiết bị đầy đủ trong nhà nhằm phục vụ các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Thay vì tìm cách vứt bỏ đồ đạc, bạn có thể chọn mua những sản phẩm đa năng, làm được nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Chẳng hạn như mua máy giặt kèm chức năng sấy khô…

Các nghiên cứu cũng cho rằng một không gian lộn xộn dễ tạo ra những căng thẳng không đáng có. Chính vì vậy, sống tối giản không phải là phải dè xẻn, tiết kiệm hết mực mà là lựa chọn những nội thất đa tác vụ, cách làm việc có thể giảm tối đa thời gian và sức lực.

song-toi-gian-khong-don-thuan-la-vut-bo-het-do-dac-ma-con-tap-trung-nhung-dieu-mang-den-gia-tri-tinh-than

Sống tối giản không đơn thuần là vứt bỏ hết đồ đạc, mà còn tập trung những điều mang đến giá trị tinh thần
(Nguồn: Unsplash)

Không chỉ “thanh lọc” các vật dụng trong nhà, phong cách sống minimalism còn xuất phát từ trong suy nghĩ và tiềm thức của mỗi người. Chúng ta nên chú trọng quan tâm đến chất hơn lượng, chủ động thu nạp những thông tin tích cực, loại bỏ mối quan hệ độc hại và thực hiện những công việc giải trí mang giá trị nhân văn, sức khỏe hơn là sử dụng mạng xã hội nhiều…

Khi tâm trí bạn tối giản, bạn mới thực sự là người theo lối sống tối giản. Tối giản không phải trở về thời nguyên thủy, hãy tập trung giản lược tâm trí và chú trọng vào những sản phẩm mang đến giá trị. Có như vậy, sống tối giản mới đi đúng hướng.

3. Đích đến của việc sống tối giản

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, triết lý này góp phần giúp ta xây dựng phong cách sống minimalism lành mạnh, tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn để tận hưởng trọn vẹn cuộc sống tự do và hạnh phúc. Điểm đến là ngừng chạy theo những điều hào nhoáng, phù phiếm và ngăn chặn tính FOMO (Fear of missing out – Hội chứng sợ bỏ lỡ).

Cốt lõi của lối sống tối giản là giúp chúng ta tập trung tạo ra giá trị cho chính cuộc sống của mình. Bởi con người có xu hướng mua sắm thật nhiều đồ đạc để cảm thấy bản thân có giá trị.

trao-luu-song-toi-gian-len-ngoi-voi-the-he-gen-y-va-gen-z-phong-cach-song-minimalism

Trào lưu sống tối giản lên ngôi với thế hệ gen Y và gen Z
(Nguồn: Pondo)

Khi tâm hồn bạn an tĩnh, cuộc sống ngăn nắp và lành mạnh, bạn sẽ chuyển sự tập trung từ những thứ không cần thiết sang những điều quan trọng. Đó là khi bạn khám phá những chân lý, những ý niệm mới mẻ và thú vị về mục đích sống.

Phong cách sống tối giản sẽ giúp bạn nhận ra những ý nghĩa của cuộc sống và có định hướng rõ ràng cho cuộc đời mình. Từ đó, tiếp thêm nguồn cảm hứng để bạn hiện thực hóa hoài bão và mục tiêu sống của chính mình.

“Less is More” – tối giản cuộc sống để tối đa giá trị sống. Như vậy, phong cách sống minimalism không chỉ là phong cách trang trí nội thất và kiến trúc mà còn là phong cách sống của chủ nhân ngôi nhà đó. Nhịp độ cuộc sống ngày càng nhanh và tấp nập thì một không gian sống thoáng đãng là điều mong ước của mọi người.

Bài viết và hình ảnh được tổng hợp bởi Tạp chí Heritage.

Bài viết liên quan: