Đỗ Đức

Tranh lụa Việt Nam đương đại có thể điểm đến giai đoạn hồi phục và phát triển trong 10 năm qua, với lứa họa sĩ trẻ sung sức, nhiều tìm tòi trong tư duy sáng tác, và có kỹ thuật tốt.

Kể từ khi những tác phẩm kinh điển của danh họa Nguyễn Phan Chánh đánh dấu mốc cho nền móng của chất liệu lụa Việt Nam, tranh lụa đã có nhiều bước thăng trầm dài, có những thời kỳ tưởng như “đứt hơi”. Lớp trẻ ngày nay chuyên lụa cũng vẫn không nhiều, nếu so với lực lượng đông đảo của các họa sĩ sơn dầu, sơn mài hay nghệ thuật thị giác. Tuy nhiên với những nỗ lực lớn của người làm nghề, tính tới thời điểm này, người yêu nghệ thuật tranh lụa có thể vui mừng thấy lại sự khởi sắc của tranh lụa. Triển lãm Tranh Lụa toàn quốc lần thứ 1 (năm 2007) có thể coi là cú huých để các họa sĩ chuyên lụa có đà vọt lên trong sáng tác.

Hoa nở trong mây (Hs.Vũ Đình Tuấn)

Đầu bảng có lẽ là Vũ Đình Tuấn. Vị trí ấy khó ai cạnh tranh được, vì Tuấn đã khẳng định mình rất sớm từ chất liệu này. Lụa của Tuấn có cái tinh vi và chuẩn xác từ kỹ thuật đồ họa gốc. Tuấn dùng kỹ thuật căng lụa lên châssis(khung căng vải vẽ), và giữ nguyên không tháo hoặc bồi như cách làm truyền thống. Thậm chí anh còn lồng hai lớp lụa lên nhau, lớp dưới ánh lên hình mờ thấp thoáng tạo lên cái hư ảo ma mị mà trước đó chưa ai nghĩ đến. Tuấn ưa dùng gam màu trung tính mềm mại nhưng khá đa sắc.

Người vẽ lụa xưa nay ít khi dám dùng nhiều màu. Tranh lụa truyền thống thường chỉ một tông chủ đạo, như cụ Linh Chi có gam vàng ủng nước dưa, hay cụ Nguyễn Phan Chánh thường vẽ bẹt theo mảng ít gợi khối, và màu thì đen bớt trắng gẩy thêm vàng, nâu cổ kính. Tuấn dùng màu trung tính nhưng táo bạo, vì làm chủ được độ và nhịp điệu của sắc, nên màu của Tuấn rất phong phú chuyển làn, nó hợp với phong vị mới trong sáng tác hiện đại là phóng bút theo ý tưởng mà ít nệ thực. Người ta có cảm giác tác giả không cần phác thảo. Lấy một gương mặt làm trụ, rồi từ đó phóng tác những suy tưởng nhiều chiều, từ ca ngợi đến phê phán, cùng một bút pháp hòa lẫn vào nhau, phải xem lâu mới nhận ra. Tranh vẽ tỉ mỉ mà không rối, độ loang mềm mại, độ chênh tinh tế, làm cho mảng màu sắc đanh mà không khô cứng. Tranh Vũ Đình Tuấn như từ một câu chuyện gương mặt người rồi nó phân đi tứ phương tám hướng, những câu chuyện muôn năm không kể hết. Là người làm chủ chất liệu, kỹ thuật siêu phàm, nên tốc độ sáng tác của Tuấn nếu so sánh với lớp đàn anh thì là tên lửa so với cuốc bộ. Ngay cách chọn đề tài khôn khéo mang nhiều tính chủ quan suy tưởng khác xa với lớp đàn anh gò gẫm nệ thực níu chân, nên số lượng tác phẩm của Tuấn trong thời gian ngắn có thể vượt qua số lượng hàng chục họa sĩ lớp trước gom lại.

Nguyệt sáng gương trong (Hs.Bùi Tiến Tuấn)

Sân sáng tác tại TP.HCM có họa sĩ Bùi Tiến Tuấn vẽ lụa cũng nổi tiếng sừng sỏ. Lụa Bùi Tiến Tuấn thường vẽ trên khuôn khổ lớn, rất chú ý đến khoảng trống, và có nét rất riêng. Hình tượng nghệ thuật chính của Tuấn là cơ thể phụ nữ, nhấn vào đường cong và khối hình bắt mắt. Trong tranh của anh, nhiều gương mặt đàn bà trông rất phù thủy, gai góc, nhưng cũng đầy gợi cảm quyến rũ. Người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn phản ánh hơi thở của cuộc sống, với những thay đổi về quan niệm nhân sinh, về nữ giới. Lối vẽ của anh cũng không nệ thực, chỉ cuốn theo cảm xúc nghệ sĩ. Với Bùi Tiến Tuấn cái cần nhấn thì nhấn, cái không cần thì buông lơi, chính phụ rõ ràng. Tranh anh đạt được độ đơn giản đến tinh quái, giản lược chứ không sơ sài. Nét kiệm mà sâu, lấy cái cảm xúc của đường nét và nhấn nhá lên hàng đầu.

Tuy vậy, xem tranh lụa thế hệ mới, cái thường gặp vẫn là thấy nhẹ nhàng, nhiều khi vẫn còn mỏng trong cảm xúc thực mà đậm chất ý chí, nhất là khi nó đã bỏ qua cái thật ngoại hình để đi vào cái sâu xa trong tâm tưởng người vẽ. Đây có thể coi là lối chơi riêng của các họa sĩ đương đại, không câu nệ về đề tài, không ôm cái quá lớn lao. Trong cuối năm 2018 vừa rồi, một triển lãm gây tiếng vang, tập hợp 109 tác phẩm lụa của 23 tác giả thuộc thế hệ sinh từ năm 1970 trở về sau, cũng có thể coi như một cuộc trình làng lần thứ 2 sau hơn 10 năm “hồi sinh” của tranh lụa Việt Nam đương đại. Tranh lụa Việt Nam đã sang trang mới!.