Bài: TS. Lê Thị Tuyết – Bảo tàng LSQG
Kết hôn luôn là dịp cát lễ, vì vậy trang phục cưới dùng trong hôn lễ thường rất được coi trọng. Lịch sử hỷ phục của người Việt cũng rất thú vị.
Trong lịch sử phát triển của loài người, trang phục xuất hiện như một nhu cầu thiết yếu để sinh tồn chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Trải qua thời gian, trang phục đã trở thành ngôn ngữ biểu đạt nhiều góc cạnh của cuộc sống. Trong đó, hỷ phục là một trang phục đặc biệt đánh dấu bước đường trưởng thành trong vòng đời mỗi người. Ở bất kỳ thời đại nào, kết hôn luôn là một dịp cát lễ, vì vậy, trong nhiều nền văn hóa, trang phục cưới dùng trong hôn lễ thường rất được coi trọng.
Nhiều nguồn sử liệu cho thấy, ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, cư dân Việt cổ không chỉ sáng tạo nhiều loại trang phục phong phú, mà còn đa dạng về trang sức, mũ và kiểu tóc… Phổ biến nhất là dạng áo tế lễ 2 tà cho nam, đầu đội mũ lông chim trang trí trên trống đồng, và trang phục nam, nữ được mô phỏng trên cán những chiếc dao găm bao gồm: áo nhiều lớp, váy quấn, cạp váy và chiếc xế (dải dây thắt lưng) điệu đà vắt từ eo xuống đến chân… Tóc búi cao hoặc cắt ngắn để xõa, vấn khăn và đeo nhiều đồ trang sức bằng đồng, đá quý như khuyên tai tròn, vòng tay, lục lạc…
Mặc dù hôn lễ không được mô tả trên đồ đồng Đông Sơn, nhưng từ trang phục lễ hội chúng ta có thể hình dung được trang phục trong hôn sự của người Việt cổ. Tiếp tục truyền thống văn hóa thời đại Vua Hùng, lễ phục cưới hỏi thời xưa ít nhiều có sự khác biệt. Nhưng dù là ở đâu, dù quý tộc hay bình dân thì nét nổi bật của hỷ phục là cầu kỳ, sang trọng, sắc màu tươi sáng và mang đậm triết lý âm dương. Nguyên tắc phối màu đều tuân thủ đồng nhất là cặp màu tương phản nhau về độ “sáng-sẫm” hay tư duy “có đôi có cặp” thể hiện trên cả áo, váy và quần… Cô dâu miền Bắc thường mặc áo nhiều lớp “mớ bảy, mớ ba”. Ngoài cùng là chiếc áo the thâm, bên trong là cặp áo có màu hồng và xanh, hoặc vàng và hồ thủy, tiếp đến là áo cánh trắng, và trong cùng là chiếc yếm đào, mặc váy sồi đen hoặc váy lĩnh, đeo thắt lưng, tóc để đuôi gà, đầu vấn khăn nhung đen, trên khăn có đính bướm vàng hoặc bạc. Đặc biệt trong lễ vu quy, cô dâu mang theo chiếc nón ba tầm như một vật làm duyên, chân đi guốc hở gót. Đồ trang sức phổ biến là khuyên tai, nhẫn và xuyến vàng đeo nơi cổ tay…
Ở miền Trung cô dâu cũng mặc áo nhiều lớp, nhưng trong cùng là áo màu đỏ hoặc hồng điều, ở giữa là áo the hay vân thưa màu xanh chàm, áo ngoài cũng bằng the hay vân thưa màu đen. Tóc chải lật, búi sau gáy, cổ đeo kiềng hoặc chuỗi hạt, tay đeo xuyến hoặc lắc vàng…
Còn ở Đàng trong, giáo sĩ Christoforo Borri đến Thuận Hoá những năm 1618-1622 mô tả trong dịp Tết hay lễ cưới, cô dâu Huế “mặc tới 5 hay 6 váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân (…). Còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả là một tấm voan rất mịn và mỏng làm cho người ta nhìn thấy tất cả màu sắc sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng…” Đàn ông cũng được ông mô tả mỗi khi “ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hòa, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình”. Và kiểu y phục tươi đẹp, sang trọng này đã trở thành nếp sống của người dân xứ Huế cho đến tận ngày nay.
Do thời tiết nắng nóng nên các cô dâu miền Nam ít mặc áo nhiều lớp, chủ yếu là áo dài gấm, quần lĩnh đen, đi hài thêu. Tóc chải lật, búi gọn và gài lược bằng đồi mồi, vàng, bạc hoặc cài trâm, đầu trâm có trang trí bướm bằng vàng hoặc bạc… Trang phục chú rể đơn giản hơn, thường thì đầu đội khăn lượt đen, mặc quần lụa trắng, áo đoạn hay áo gấm đen may theo kiểu áo dài, cài cúc chéo bên ngực. Có nơi chú rể còn mặc áo cặp gồm một chiếc áo dài trắng trong cùng, bên ngoài là chiếc áo đoạn kép lót nhiễu hoặc áo gấm màu lam, chân đi giày Gia Định. Trong lúc lễ tơ hồng, lễ gia tiên hay lễ lạy cha mẹ hai bên chú rể còn khoác thêm bên ngoài chiếc áo thụng lam…
Về sau này, cùng với sự giao thoa văn hóa, trang phục cưới ở nước ta gần như du nhập hoàn toàn từ châu Âu, nhưng lễ nghi thì vẫn không có nhiều thay đổi. Ngày cô dâu, chú rể khoác lên mình chiếc áo cưới, cuộc đời họ đã bước sang trang mới của sự trưởng thành, làm chủ gia đình nhỏ với nghĩa vụ và trách nhiệm lớn lao đối với gia tộc và xã hội. Và đó cũng chính là một quy luật, là một sự tiếp nối của vòng đời mỗi người và mỗi thế hệ.