Bài: Trang PS
Ảnh: Vũ Hà
Loạt tranh “Trong cái không có gì không” đánh dấu bước ngoặt chuyển hóa tâm thức của họa sĩ Trần Nhật Thăng. Nếu triển lãm “Miền không” vào hồi tháng 4 năm ngoái của anh khai thác tính chuyển động mà tôi gọi là “sáng tạo như một cơn gió” thì trong giai đoạn này, Trần Nhật Thăng chạm đến cái thấy về bản chất tĩnh lặng trong biến đổi.
“Tính không” vốn là đề tài muôn thuở trong đạo Phật. Sự thật không nằm ở chữ nghĩa mà là nhận biết riêng tư không thông qua ý niệm. Khi ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, đức Phật thấy mọi hình tướng, mọi ý nghĩ hay cảm xúc đều theo nguyên lý vô thường, đến rồi đi, riêng bản chất tĩnh lặng là không bao giờ thay đổi.
“Trong cái không có gì không” giống như một “công án” mà Trần Nhật Thăng tự vấn chính mình và tự trả lời thông qua hội họa. Trong quá trình sáng tác, anh rơi vào bản chất “tính không” mà điều đó lột tả rõ ràng trên những tác phẩm của mình.
Tĩnh là khởi nguồn của mọi chuyển động
“Trong cái không có gì không” chạm sâu vào bản chất tĩnh-lắng vốn là khởi thủy của vạn sự. Mỗi nét cọ của Trần Nhật Thăng không còn nắm giữ tính động hay tính biến đổi nữa mà ẩn sau đó là trạng thái thanh tịnh bao trùm mọi biến chuyển. Trong đó, anh lấy hình ảnh Đức Phật hay nhà tu như ẩn ý cho bản chất an nhiên trước mọi sinh-diệt nơi thế gian.
Những tác phẩm vẽ đơn thuần khoảng không gian như dòng sông, dòng nước, hay đơn giản là một vùng đất bao trùm trong gió đều kích hoạt sự tĩnh lặng bên trong chúng ta, như cách anh vẽ mọi chuyển động trong sự im ắng tâm can. Điều này khiến ta chiêm nghiệm lại những lúc chú tâm nhìn những đợt sóng đại dương hay thả hồn vào những làn gió khẽ đưa cành lá rung rinh… Rõ ràng, mọi chuyển động của sóng, của gió, của cành lá… đều ẩn trong mình trạng thái an nhiên mà không ngôn từ nào có thể diễn tả. Cũng giống như cách anh đơn thuần chú tâm trọn vẹn vào việc vẽ, lúc ấy, bên trong anh sẽ trải nghiệm rõ tột cùng tính ung dung.
Câu trả lời chỉ nằm trong chính mình
Trần Nhật Thăng tự trải nghiệm chiều sâu tĩnh lặng và điều đó được anh lột tả bằng hội họa. Những tác phẩm lúc này đóng vai trò kích hoạt, là ngón tay mà thông qua việc chú tâm ngắm nhìn mình trong sáng, người xem có thể chạm vào khoảng yên ắng bên trong họ. Sự cảm nhận ấy, như đã nhấn mạnh, vượt lên mọi ý niệm về tĩnh lặng, về cái đẹp, về hội họa là gì… Bởi chúng ta không phải là những định nghĩa chật hẹp ấy.
Trong loạt tranh này, Trần Nhật Thăng liên tục mang đến những kích hoạt tĩnh lặng thông qua nhiều hình ảnh vừa quen thuộc vừa sinh động. Ấy là hình ảnh Đức Phật tọa thiền dưới gốc cây bồ đề, lúc nhà tu ngắm nhìn dáng hình thanh thản của Phật tại thời điểm Ngài “nhập diệt”, khi Ngài bước đi hay ngồi trong tư thế ung dung nghiêm trang… Bên cạnh hình ảnh Phật luôn là những biến thiên liên tục của đất trời, hàm ý sự hiện diện trong sáng trải khắp mọi nơi, dù không gian ấy ngập tràn “bão tố”.
Với cái nhìn trực diện vào tâm khảm, hội họa của anh thường mang đến sự chân thành và thẳng thắn. Anh không cố tô vẽ, cũng không nương vào màu sắc hay kỹ thuật để chứng minh mình là họa sĩ. Anh chỉ mượn hội họa như một công cụ để lột tả sự nhận biết. Vì thế, sáng tạo của Trần Nhật Thăng không mắc kẹt vào ý niệm nào. Điều này thật đồng điệu với “tính không” vốn là bản chất mỗi người như Đức Phật đã từng “khai thị”.
Chính trong sự rỗng lặng, nên cái nhìn của họa sĩ trở nên rõ ràng. Đó là nhận biết mọi thứ như nó là, tức không thêm thắt bất cứ quan điểm hay vọng tưởng nào. Cái nhìn của anh trên tranh cũng mang “tính không” như vậy. Trong sáng và uyển chuyển. Không một cực đoan nào về mặt cảm xúc lẫn suy nghĩ. Không một ý niệm đúng-sai, cũng không có bất kỳ nghi ngờ hay tự vấn lòng vòng như khiêu khích hay giễu nhại chính mình và người xem. Anh nhìn và nhìn, vẽ và vẽ. Mọi toan tính bỗng tan ra và hóa thinh không trước thái độ hồn nhiên đó.