Thắng Trần
Nếu phải chọn một trang phục hiện thân cho phong trào nữ quyền thì không thể không nhắc đến chiếc váy nữ. Nó là hiện thân của người phụ nữ với nhân cách đa chiều, cổ điển mà quyến rũ, truyền thống mà cá tính, hiện đại nhưng rất đỗi dịu dàng.
Thuở xa xưa ở phương tây, chiếc váy chịu ảnh hưởng lớn của Thiên Chúa Giáo và tầng lớp quý tộc nên việc để lộ các bộ phận cơ thể là điều cấm kị. Chiếc váy của phụ nữ châu Âu bấy giờ còn đậm tính quy cách, phần eo bị bó chặt bằng corset đến khó thở và chân váy phủ kín toàn bộ phần thân dưới đến sát mặt đất. Chiếc váy bó buộc cử động và di chuyển của người phụ nữ cũng như thực tế rằng vai trò của họ bị hạn chế trong gia đình. Những phụ nữ cấp tiến đã dấy lên phong trào đòi dân chủ giới từ giữa thế kỷ 19, tuy nhiên trang phục chưa phải là điểm nhấn cho tiếng nói chính trị. Những chiếc váy vẫn còn mang nhiều tiểu tiết và ít thực tiễn. Ngoài áo blouse trắng và nơ ngực biểu trưng của phong trào đòi quyền bầu cử, thì chiếc corset vẫn được sử dụng để tạo vùng eo thuôn gọn và nổi bật phần ngực.
Thế nhưng, đầu thế kỷ 20 lại chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục của tiến bộ nữ quyền, thể hiện rất rõ ở chiếc váy nữ. Bộ suit hai mảnh của Coco Chanel đã làm khuynh đảo thế giới thời trang với áo jacket vải tweed và chiếc váy ngắn đến đầu gối, để lộ phần chân dưới mà trước đó vẫn là điều cấm kỵ. Chanel truyền cảm hứng cho những phụ nữ đang tiến sâu hơn vào những lĩnh vực mà trước giờ chủ yếu dành cho nam giới. Ở Mỹ, váy dài với corset được thay thế bằng những bộ váy lửng của “những cô nàng đời mới” (flappers), thoải mái tiệc tùng như nàng Daisy trong tiểu thuyết Đại Gia Gatsby của F. Scott Fitzgerald, tượng đài xa hoa chông chênh trước bờ vực đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933.
Cùng với sự tiến bộ nhanh chóng của phong trào nữ quyền là tiếng nói mạnh mẽ và dứt khoát của thời trang nữ những năm 1960 – 1970. Thời trang nữ chuyển mình từ phong cách nữ tính sang cá tính. Yves Saint Laurent, Ralph Lauren, Christian Dior gây chấn động khi lần đầu tiên thiết kế âu phục cho phái nữ mang cảm hứng âu phục cổ điển của phái mạnh. Với những tín đồ trung thành với chiếc váy nữ thì chiếc mini-dress (váy ngắn ngang hoặc trên đầu gối) diện bởi minh tinh màn ảnh Diana Rigg và siêu mẫu Twiggy mới là mốt thịnh hành. Chiếc mini-dress trở thành biểu tượng của sự giải phóng phụ nữ khỏi những bó buộc và rào cản, đặc biệt là vận động đi lại. Ngay cả khi phiên bản “dài hơn” của mini-dress là chiếc midi-dress được tung ra thì nó cũng chỉ như con thuyền nhỏ trước làn sóng khổng lồ của đại dương. Lần đầu tiên trong lịch sử, độ dài của gấu váy trở thành vấn đề nóng về nữ quyền.
Vậy phong trào phụ nữ hiện đại thể hiện thông điệp gì qua chiếc váy nữ? Thông điệp ấy không còn phụ thuộc vào độ dài ngắn của gấu váy nữa. Chiếc váy mini giờ đã hòa các họa tiết mạnh mẽ thể thao của nam giới, rồi mang những khẩu ngữ thể hiện quan điểm thời đại. Đó là thể hiện tình đoàn kết với những nhóm người yếu thế và bị bạo hành. Hẳn là bạn không thể quên dấu ấn của phong trào #MeToo những năm gần đây khi nhiều phụ nữ đồng loạt lên tiếng về quấy rối và xâm hại tình dục nơi công sở. Thoạt tiên khẩu hiệu ấy xuất hiện trên những chiếc váy Saint Laurent và Dior của sàn catwalk, rồi xu hướng “lộ nội y” của làn sóng nữ quyền những năm 1980 đang thịnh hành trở lại. Kế đó là những nữ chính trị gia, đệ nhất phu nhân như Michelle Obama gây xôn xao dư luận khi mặc những bộ đầm với cánh tay trần, thách thức quan điểm của giới tinh hoa cũng như thiết kế nhà nghề về trang phục “chuẩn chỉnh” của một đệ nhất phu nhân.
Chiếc váy nữ sẽ còn biến hóa như thế nào trong tương lai? Câu trả lời nằm ở hành trình của người phụ nữ hiện đại. Nếu thế kỷ hai mươi người phụ nữ quyết tâm nâng gấu cho chiếc váy nữ, ngày nay họ không chỉ quan tâm đến bình đẳng giới mà còn năng động trong phong trào sắc tộc, phong trào môi trường, phong trào dân chủ, sức khỏe và bảo vệ người tiêu dùng. Những cú huých thúc đẩy tiến bộ xã hội ấy sẽ là nhân tố không thể thiếu trong thời trang bởi thời trang là biến chuyển, là tiếp sức mạnh để phụ nữ khẳng định rằng “Tôi quan tâm đến con người, tôi quan tâm đến sự tiến bộ của toàn nhân loại”.