Hai Le Cao
Trước kia, khi còn là chàng trai độc thân, tôi luôn dành thời gian cho những đam mê cá nhân. Còn hiện tại, khi đã có gia đình, tôi bị công việc cuốn theo guồng quay của sự bận rộn cơm áo. Thời gian 24 giờ trong ngày trôi nhanh một cách chóng mặt. Cách mà tôi cân bằng cuộc sống, nạp lại năng lượng chính là khám phá thế giới thiên nhiên hoang dã.
Chuyến đi lần này của tôi và một người bạn đồng hành là hành trình vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Bà. Mặc dù đã vào rừng nhiều lần nhưng với tôi lần nào cũng như mới, luôn háo hức và tràn đầy cảm xúc.
Vườn Quốc gia Cát Bà cách thành phố Hải Phòng khoảng 45km về phía đông nam, cách thành phố Hạ Long 25km về phía nam, nằm trên hòn đảo lớn nhất của quần đảo Cát Bà được kéo dài tạo thành hình cánh cung. Các hòn đảo có độ cao phổ biến từ 100 đến 150m so với mặt nước biển, nơi cao nhất là đỉnh Cao Vọng 331m.
Chúng tôi may mắn được anh Hoàn – một người bản địa có kinh nghiệm đi rừng, sinh sống lâu năm trên đảo dẫn đường. Những tán cân dương sỉ khổng lồ dần hiện lên hai bên đường đi, đúng với đặc tính của khu rừng nhiệt đới. Rừng già chào đón chúng tôi bằng thứ không khí mát lạnh và mùi hương cây cỏ thật dễ chịu. Sau gần 4 tháng trời phải quanh quẩn trong nhà do đại dịch Covid-19, giờ phút được sống giữa thiên nhiên trong lành mà kì vĩ quý giá biết bao! Những gốc đa cổ thụ gần nghìn năm tuổi đứng sừng sững, kiên cường với bộ rễ ăn sâu vào những vách đá tai mèo sắc nhọn. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp những cây đa với tư thế ôm chặt một cây to đã chết mục. Hỏi ra mới biết cây đa này được giới kiểm lâm gọi với cái tên “Cây đa bóp cổ“. Khi đứng cạnh một cây khác, chúng sẽ dùng bộ rễ của mình bám chặt, quấn quanh lấy thân cây và hút sạch chất dinh dưỡng của cây đó, đến khi phát triển lớn mạnh thì cây bị cuốn cũng dần chết.
Như những bước dạo chơi khám phá thế giới đầy bí ẩn của một đứa trẻ, tôi tò mò ngắm nhìn các hình thù kỳ quái đầy ngẫu hứng của tạo hoá: gốc cây có hình tựa chú hươu cao cổ với những vết vằn vện được tạo ra từ nấm mốc, những chiếc nấm với họa tiết, đường vân đều tăm tắp như đóa hoa vươn mình đón nắng rực rỡ. Và, còn có cả một thế giới côn trùng đa dạng ngay dưới những tán cây, bụi cỏ. Những chú ốc sên đang mải miết đi kiếm giọt nước mát lành từ cơn mưa còn vương trên lá. Hai cha con nhà bọ gậy đang nằm im bất động, ngụy trang trên một thân gỗ để tận hưởng không gian yên ả dưới vòm cây.
Càng vào sâu vùng lõi địa hình càng thay đổi, phong phú và hoang sơ. Điểm nhấn của hành trình là khi chúng tôi được tới một vùng nước ngọt tự nhiên giữa rừng có tên Ao Ếch. Có lẽ do đây là địa bàn sinh sống của ếch, ễnh ương, chão chuộc… nên được đặt tên như vậy. Cách xa vài trăm mét mà tôi đã nghe tiếng ếch râm ran. Mùa khô, ếch cũng kêu, mùa mưa, ếch càng kêu to. Hàng vạn con ếch “hợp tấu”, cùng với tiếng quạ, bìm bịp, tiếng chim thánh thót thành bản nhạc không lời của rừng xanh. Tôi chìm trong thứâm thanh rộn ràng đó và tận hưởng những làn gió mang theo hơi nước mát lạnh. Mùa này, lòng ao nhiều nước nguồn chảy từ những khe đá xuống, từ đáy ao, hàng nghìn cây Và Nước vươn lên tạo nên khung cảnh như ở rừng ngập nước. Đây cũng là loài cây chỉ sinh sống ở Vườn Quốc gia Cát Bà, có độ cao từ 5 đến 10m với lớp vỏ xù xì.