Bài: Huyền My Trương

Đâu là những thành phố thông minh, biểu tượng cho những tiến bộ công nghệ thần kỳ? London (Anh), Tokyo (Nhật Bản), New York (Mỹ) hay Thượng Hải (Trung Quốc)… hẳn là những cái tên bạn lập tức nghĩ đến, nhưng đó không phải là tất cả.

Thành phố Astana - Kazakhstan.

ASTANA – KAZAKHSTAN

Tờ The Guardian của Anh mô tả Astana là “trạm vũ trụ trên thảo nguyên”, CNN gọi Astana là “thành phố thủ đô kỳ lạ nhất thế giới”. Bầu trời ở Astana được lấp đầy bởi những chiếc kính trong suốt, phản chiếu những ánh đèn đầy màu sắc từ hàng loạt kiến trúc công nghệ cao. Ngay cả vị trí của Astana ở Kazakhstan cũng gợi lên những khuôn mẫu khoa học viễn tưởng quen thuộc ta thường thấy trên các bộ phim “bom tấn”. Một thành phố siêu thực, tràn ngập kiến trúc tương lai, đột nhiên mọc lên từ hư không và đứng sừng sững trước những biến đổi không ngừng của công nghệ.

Mặc dù Astana hiện là nơi sinh sống của hơn một triệu người, mọi thứ đều được quy hoạch với quy mô khổng lồ, tạo nên bầu không khí tương lai bao trùm khắp thành phố. Tòa nhà nổi tiếng nhất là tháp Baiterek cao 105m, hệt như chiếc cúp FIFA World Cup khổng lồ. Một kiến trúc đặc sắc khác là trung tâm giải trí Khan Shatyr trong suốt cao 150m có diện tích bề mặt lớn hơn 10 sân bóng đá, và có một trung tâm mua sắm khổng lồ, cùng với khu nghỉ mát bãi biển trong nhà.

Thành phố Hàng Châu - Trung Quốc.

HÀNG CHÂU – TRUNG QUỐC

Không chỉ có Thượng Hải hay Bắc Kinh vốn đã quá nổi tiếng và luôn nằm trong danh sách những thành phố dẫn đầu về công nghệ, “xứ tỷ dân” còn có một Hàng Châu, thành phố dẫn đầu trong đường đua “tương lai không tiền mặt”. Tại đây, người dân chủ yếu thanh toán dựa trên nhận diện khuôn mặt từ điện thoại thông minh, bằng cách quét mã QR khi họ mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ tại các cửa hàng. Toàn bộ quá trình thường chỉ mất từ 5 đến 45 giây. Hàng Châu đang cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích nghi cao của người dân trong việc ứng dụng công nghệ vào đời sống một cách phổ biến.

Thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

DUBAI (UAE)

Là thành phố đông dân và hiện đại bậc nhất trong Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), giới lãnh đạo thành phố đã khởi động ít nhất 100 dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Đặc biệt, phải kể đến District 2020 (Quận 2020) nhằm tạo nên một thành phố tương lai bền vững, lấy con người làm trung tâm với chuyển đổi và tái sử dụng cơ sở hạ tầng vật lý và công nghệ ảo.

Bên cạnh đó, về mặt giao thông, thành phố của tương lai nằm tại Trung Đông hướng tới việc cắt giảm lượng khí thải và góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn tắc đô thị với Dubai-Abu Dhabi Hyperloop; tuyến tàu điện ngầm dài 151km ước tính lên tới 6 tỷ USD (5,2 tỷ Euro), trong đó, đoạn đầu tiên dài 10km đã được hoàn thành. Kế hoạch tương lai của Dubai là chuyển đổi thành tiểu vương quốc công nghệ, nơi trí tuệ nhân tạo (AI) là công cụ chủ đạo. Dubai sẽ cung cấp cho thế giới ví dụ đầu tiên về một siêu đô thị thông minh, mang tiêu chuẩn “thành phố 15 phút” vào năm 2040. Ở đó, con người có thể tiếp cận mọi loại hình dịch vụ

Thành phố Oslo - Na Uy

OSLO – NA UY

Lý do mà Oslo được kể tên trong danh sách thì nhiều, nhưng ấn tượng đầu tiên về thành phố này là tốc độ đường truyền internet của nó được đánh giá là nhanh nhất thế giới, với tốc độ tải một tập tin bất kỳ đạt 220 Mbps, gấp đôi tốc độ trung bình ở Mỹ (100 Mbps). Nhưng đó không phải là điều duy nhất Oslo tự hào. Với dân số khoảng 670.000 người, thủ đô của Na Uy đang lên kế hoạch cho tất cả các phương tiện trong toàn thành phố sử dụng điện vào năm 2025. Hiện nay, đây chính là thành phố có trạm sạc dành cho ô tô điện nhiều nhất thế giới. Oslo thiết lập một mạng lưới cảm biến hỗ trợ đỗ xe, chăm sóc người già và chiếu sáng thông minh giúp giảm năng lượng tiêu thụ xuống gần 2/3.