Nguyễn Trung

“Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mênh mông…” Câu hát thời xa xưa cứ vang lên trong tôi khi rong ruổi qua những thành phố giáp biên giới ba nước Áo – Slovakia – Hungary. Bởi lẽ con sông Danube (Donau, Dunaj hay Duna trong thứ tiếng của ba nước) cứ khi ẩn khi hiện như một người bạn đồng hành thầm lặng. Chiêm ngưỡng những kinh đô tráng lệ với tầng tầng lớp lớp di tích và phong cảnh thiên nhiên trữ tình bội phần diễm lệ nhờ dòng Danube chảy qua. Việc đi lại giữa thủ đô ba nước láng giềng vô cùng tiện lợi: Có thể đi bằng phà liên thành phố (city-link) giữa thủ đô Áo và thủ đô Slovakia rồi đi tiếp tới thủ đô Hungary hoặc đi tàu qua biên giới Áo – Hung.

Sông Danube chảy qua thủ đô Budapest - Hungary

Ở cửa ngõ vào các thành phố, liên tiếp hiện lên các biển chỉ dẫn với nhiều cái tên gợi những âm vang của thi ca, nhạc họa: Vienna, Munich, Budapest, Bratislava, Praha… Mùa thu, những hàng cây dọc đường ven con sông dài thứ hai châu Âu như những đốm lửa tương phản sắc xanh bầu trời và màu ghi của mặt nước Danube hoen sương mờ.

ới hàng cây màu lửa cháy

Vienna, thành phố mà tên tuổi dường như gắn chặt với dòng sông nổi tiếng, có số bảo tàng, nhà hát và lâu đài nằm dày đặc trong khu trung tâm cổ (Innere Stadt), nơi được xây dựng cách dòng chính Danube một quãng nhằm tránh các trận lụt hàng năm vào những thế kỷ trước. Song vào mùa thu, điều đổi thay nhất là những con đường có hàng cây lá rực vàng hay đỏ, tương phản với sự tĩnh tại của những tòa nhà cổ kính trầm mặc.

Những con đường chạy dọc bờ kênh Donau nằm ở rìa nam dấu vết bức thành cũ, ứng với đường vành đai Ringstrasse bao bọc lấy quận trung tâm Vienna, là tuyến tập trung các công viên của thành phố. Những đại lộ và phố xá yên tĩnh dưới tán cây gợi đến những trang văn của Stefan Zweig đầu thế kỷ 20, khi ông viết “Ngõ hẻm dưới ánh trăng” và “Bức thư của người đàn bà không quen”, những cuộc tình buồn bã nhưng đầy lãng mạn. Những chuyến tàu điện khoan thai trong lòng phố, vừa đủ để chiếc lá phong rụng đậu xuống khung cửa, đẹp tựa nốt ngân của những điệu valse nổi tiếng của nhà soạn nhạc người Áo Johann Strauss II.

Cảnh sắc thu vàng nhìn từ lâu đài Buda tọa lạc trên đồi Castle, Budapest - Hungary

Khi ghé thăm Vienna, du khách thường đến cung điện Hoàng gia Hofburg, bảo tàng hoàng hậu Sisi, các bảo tàng nghệ thuật hay kỹ thuật trứ danh của nước Áo, song nhất định không thể bỏ qua những cung đường rợp bóng cây. Cung điện Schönbrunn ở ngoại vi thành phố, mặc dù có kiến trúc lộng lẫy được mệnh danh là Versailles phía Đông, nhưng ấn tượng nhất chính là khu vườn mênh mông phía sau, với mê cung bằng cây được xén tỉa và những đường dạo rải sỏi tạo hình bàn cờ. Trong nền những rặng cây màu lửa của mùa thu, những bức tượng cẩm thạch trắng nổi bật vẻ nhẹ nhõm thanh thoát như muốn nói: Đây chính là định nghĩa về mùa thu.

Chuyến tàu nối hai kinh đô

Trong lịch sử, Áo và Hungary có liên quan mật thiết, thủ đô hai nước cũng thể hiện mối quan hệ này. Ngày nay, đáp một chuyến tàu hỏa 3 tiếng từ Vienna đi Budapest trong mùa thu chẳng những giúp ta thưởng ngoạn hai kinh đô lừng lẫy mà còn kết nối những ký ức về văn học hay phim ảnh. Du khách nao nao khi tàu băng qua biên giới Áo – Hungary, nơi chuyển tiếp giữa Tây và Đông Âu. Những cánh đồng trải rộng tới chân trời, những làng mạc và thành phố ẩn hiện dọc hành trình song song với sông Danube thơ mộng.

Bupadest đón khách ở ga Keleti, một công trình nằm ở bờ đông Danube, tức phần “Pest” của tên gọi Budapest, đối ngạn với phần phía tây là “Buda”, nơi tập trung các lâu đài và thành phố cổ xưa. Dường như các công trình ở Budapest còn lại từ thời hoàng kim của đế chế Áo – Hung có phần nguy nga cạnh tranh với thủ đô phía Tây của đế chế này. Điểm đặc biệt nhất của Budapest là thành phố nằm ôm trọn hai bờ sông Danube, khoe vẻ yêu kiều lộng lẫy trong tiết trời thu. Quy hoạch của các thời kỳ sau vẫn tôn trọng khu trung tâm lịch sử, để dành cho tòa lâu đài Buda trên ngọn đồi phía Tây có vị trí nổi bật chế ngự đường chân trời thành phố, nhìn xuống cây cầu Xích và đối ngạn là tòa nhà Quốc hội có từ năm 1904.

Hoàng hôn bên lâu đài Bratislava - Slovakia

Ghé bến sương m

Thủ đô của hai nước Slovakia và Áo thuộc vào số hiếm những cặp thủ đô láng giềng gần cận nhau, chỉ cần một tiếng rưỡi đi tàu thủy là từ Vienna tới được Bratislava. Hành trình xuôi dòng Danube trong tiết trời thu êm ả đến nỗi du khách tưởng như mình không hề vượt qua một biên giới hay sự thay đổi nào về địa lý. Hai bờ Danube là những con đường ẩn hiện trong hàng cây xào xạc trước gió, có lúc hơi sương tỏa trên sông như khói. Mặc dù hành trình nối hai thủ đô chỉ chừng 70km giữa lòng châu Âu phát triển lâu đời, nhưng dòng nước mùa thu luôn êm ả gợi cảnh đồng nội nguyên sơ.

Chiếc tàu thủy đáp nhẹ nhàng vào cầu cảng trong làn sương mù bảng lảng. Tôi bước lên bờ, trước mắt tôi là ngọn tháp cây cầu SNP có đỉnh mang hình dáng đĩa bay ấn tượng vươn lên như đang bay trong không trung. Bên kia sông là tòa lâu đài cổ mang tên thành phố kiêu hãnh trên mỏm đồi như chứng nhân của bao lớp sóng thăng trầm chảy qua đây. Khác với vẻ náo nhiệt của thành Vienna hay đường bệ của Budapest, khu phố cổ Bratislava nhỏ xinh xen kẽ với các công trình của thời Tiệp Khắc, dường như là bảo tàng thu nhỏ của một lịch sử biến động trên mảnh đất Đông Âu này.

Trên cung đường mùa thu, sông Danube chính là người bạn đồng hành đem lại cảm xúc không chỉ từ cảnh trí trước mắt mà còn từ sâu thẳm những tầng văn hóa đã miệt mài chở theo.