Bài: Trình Phố
Ảnh: Tư liệu, DzungArt Nguyen
Hẳn ai cũng biết, trong kho tàng tranh dân gian Hàng Trống có một bộ tranh tứ bình Tố nữ nổi tiếng. Trong tranh xuất hiện hình ảnh đôi guốc mộc, chiếc nón quai thao, áo yếm và tà áo dài tứ thân đượm sắc hồng đào, xanh lá, vàng cam tha thướt. Tà áo ấy đại diện cho trang phục phụ nữ thời xưa, mà người ta cũng không rõ bắt nguồn tự bao giờ.
Hình ảnh về người phụ nữ Hà thành trong trang phục áo dài tứ thân ngày xưa vẫn ẩn hiện trong cô gái tuổi trăng tròn, trong các bà các mẹ nông thôn quẩy gánh hàng rong bán rau bán hoa nơi đầu ô, góc phố. Những gánh đong đưa, những dải áo nhẹ bay trong gió làm dịu mát phố phường.
Đầu thế kỷ 20, thiếu nữ Hà Nội chuộng tà áo dài dáng suông, cổ thấp một phân màu sắc nhã nhặn, tinh tế cùng với những kiểu tóc vén thanh tao rất tự nhiên. Ống quần suông được may với độ dài rộng vừa phải, hòa hợp với áo dài. Thời đó phụ nữ chỉ đi guốc thấp, chẳng trách dáng đi của họ thật nhẹ nhàng tao nhã. Cho tới tận trước năm 1954, người phụ nữ khi ra đường hoặc nhà có khách đều mặc áo dài. Bởi họ tin rằng, áo dài thể hiện nét lịch sự, quý hóa.
Khi văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập về Việt Nam, thời trang của phụ nữ Hà Thành dần thay đổi. Vẫn áo dài thôi nhưng tà đã xẻ cao, ngang eo với những đường cắt lượn ôm sát theo người. Kỹ thuật may áo dài lụa Hà Đông được thay đổi nhằm tôn vẻ đẹp duyên dáng, trang nhã của người phụ nữ. Giày cao gót, kèm chiếc ví đầm khiến bước đi càng thêm uyển chuyển, nhẹ nhàng. Những chiếc áo dài lụa thêu hoa păng xê, thêu hoa cúc nhỏ xinh nơi hai bên cổ áo, điểm lác đác trên tà áo được thêu cầu kỳ dưới bàn tay tài hoa của người thợ phố Hàng Trống. Không quá khó để nhận ra dáng thanh lịch của người phụ nữ Tràng An giữa chốn đông người.
Hà Nội xưa – nhớ về Hà Nội xưa là nhớ đến những người phụ nữ Hà thành trong dáng áo dài kín đáo, thướt tha, trong lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, chuẩn mực. Trong họ là sự hài hòa, từ trang phục cho đến những bước đi dáng đứng. Trang phục của phụ nữ Hà Nội xưa thường là áo dài vạt. Nếu có xẻ tà, cũng là được xẻ một cách khéo léo mềm mại nhưng không để hở làn da bên trong. Màu vải được sử dụng thường có màu sắc nhã nhặn, chất vải kín đáo nhưng đặc biệt mềm mại. Không thiết kế táo bạo hay gợi cảm, không sặc sỡ, màu mè, nhưng tà áo dài của người con gái Hà Nội ngày ấy luôn chứa đựng nét duyên dáng, đẹp dịu dàng, đầy tao nhã và thanh lịch.
Sau một thời gian vắng bóng, mấy năm gần đây áo dài trở về cùng người phụ nữ trong những ngày lễ, tết, cưới hỏi. Áo dài vẫn là áo dài xưa, nhưng ngày một cách điệu, ngày một tinh tế. Vẫn áo dài thướt tha nhưng nhiều sắc màu hơn, may bằng nhiều chất liệu vải. Lụa vốn xưa nay thật khó tìm. Đi loanh quanh nơi làng lụa Vạn Phúc mà chẳng biết chọn sao cho giống áo dài của bà, của mẹ ta ngày xưa ấy. Gọi là lụa thì biết vậy thôi. Mặc áo dài lụa mềm mại nhưng để bảo quản thì thật khó. Lụa thời nay cũng không dễ nhàu như xưa nữa. Chỉ biết áo dài lụa bay bay nhìn yêu kiều lắm. Áo dài phụ nữ Hà thành ban đầu dài, cách gót chân chừng 10 phân. Sau ảnh hưởng bởi áo dài Sài Gòn khiến chúng ngắn lên thêm một đoạn, ngang bắp chân, để rồi lại trở về áo dài xưa thướt tha. Mặc áo dài là đi liền với dáng điệu khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ. Chiếc áo dài làm cho người mập trở nên thon thả, người gầy nhìn thanh thoát. Phụ nữ Hà Nội trở về với áo dài trong những dịp lễ Tết trang trọng. Những lớp người xưa Hà Nội đang dần vắng bóng. Không còn gặp nữa những cô gái mái tóc xõa vai, đạp xe khoan thai trên phố – mái tóc thề dịu dàng chẳng còn bay bay trong gió.
Hà Nội bây giờ nắng nóng nhiều hơn. Trang phục trên phố dù váy ngắn, áo cộc vẫn được che kín nắng gió. Khó gặp rồi những cô gái, những bà, mẹ mặc áo dài khi ra phố. Thi thoảng thôi một bóng áo dài ai đó lướt qua phố chợt làm dịu mát lòng người.
Thế nhưng trong lòng những con người yêu Hà Nội, yêu nét đẹp của thủ đô nghìn năm văn hiến thì hình ảnh dịu dàng của những người phụ nữ Tràng An vẫn được gìn giữ và làm đẹp cho đời.