Mai Hoa

Bạn là tuýp người thích khám phá những công trình kiến trúc cổ, di tích lịch sử trên thế giới? Khi đến với vương quốc Anh, nơi được mệnh danh là Xứ sở sương mù, một trong những điểm mà bạn không thể bỏ lỡ là Stonehenge – công trình tượng đài cự thạch nằm tại Salisbury. Đền đá này vẫn được xem như một nơi chôn cất, một đền thờ hoặc một đài quan sát từ những ngày đầu tiên mới xây dựng.

Tại vùng đồng bằng Salisbury miền Nam nước Anh, cách London 137km về phía tây nam, có một quần thể bằng đá to lớn đứng sừng sững. Trên một vùng đất hình tròn với đường kính 140m có những cột đá dựng đứng thành 4 vòng tròn đồng tâm dạng cột. Tâm của vòng tròn là một phiến đá bằng phẳng. Mọi người gọi quần thể đá này là “trận đồ đá khổng lồ”, tiếng Anh viết là “Stonehenge”.

Chủ thể của trận đá khổng lồ Stonehenge là một quần thể những cột đá lớn xếp thành một vòng tròn. Mỗi cột đá cao khoảng 4,1m, rộng khoảng 2,1m, dày khoảng 1m và trọng lượng mỗi cột khoảng 25 tấn. Trong đó có 2 cột đá nặng nhất lên tới 50 tấn. Theo các nhà sử học và khảo cổ học, những phiến đá hình thành nên hệ thống cụm đá trung tâm được chuyển tới đây vào khoảng 2.500 năm trước Công Nguyên gồm 2 loại: các khối sa thạch lớn và các phiến đá xanh với kích thước nhỏ hơn. Người xưa sắp xếp những khối sa thạch này thành 2 vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn phía trong trông như hình móng ngựa nhờ có 5 kết cấu đá, mỗi kết cấu gồm 2 tảng đá dựng đứng đỡ một tảng đá nằm ngang. Trong số đó, 3 kết cấu còn nguyên vẹn, một kết cấu bị đổ năm 1797 sau đó được dựng lại năm 1958 và 2 kết cấu đã bị sập một phần. Xung quanh phần móng ngựa là các vòng tròn sa thạch còn lại, phía đỉnh chóp là các thanh ngang như xà nhà. Có khoảng 30 tảng đá trong các vòng trong này, nhưng rất nhiều thanh ngang và cột dựng bị đổ và không để lại chút dấu vết.

Một trong những giả thiết nổi tiếng nhất về Stonehenge là đây là một cuốn lịch cổ khổng lồ được thiết kế để theo dõi thời gian và các sự kiện thiên văn quan trọng. Ngoài ra, từ lâu Stonehenge đã được coi như một nơi chôn cất, một đền thờ hiến tế hay thậm chí là nơi hỏa táng, khi dấu tích của các bộ xương do hỏa táng được tìm thấy tại đây. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây có lẽ là miền đất của người chết.

Giai đoạn xây dựng và phát triển của Stonehenge kéo dài trong ít nhất 1.500 năm. Có những dấu tích của việc xây dựng quy mô lớn ở trong và xung quanh tượng đài cho thấy khả năng giai đoạn này kéo dài tới 6.500 năm. Nhiều nhà học giả tin rằng Stonehenge có thể đã từng là một tượng đài tráng lệ. Điều này cũng không thể được chứng minh bởi phần lớn số đá đã biến mất.

Vì sao người xưa có thể vận chuyển những tảng đá lớn từ những dãy núi cách đó ít nhất phải đến 200km? Rồi bằng cách nào họ có thể cắm chúng trong những hố sâu chừng 1m, đục những lỗ mộng để lắp các rầm đá nằm ngang, và giữ cho các sắp đặt được bền vững, không lún sâu, không nghiêng ngả? Những câu hỏi này đã làm các vị học giả phải đau đầu và đồng thời cũng thu hút du khách tới thăm công trình nổi tiếng này trong hàng thế kỷ.

Năm 1986, Stonehenge đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Kỳ quan này chứa đựng những điều bí mật lớn và những phong tục lâu đời của xứ Bris cổ xưa. Hãy đến khám phá những câu chuyện bí ẩn và hấp dẫn ở Stonehenge để mở mang những chân trời kiến thức mới và chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của trận đồ đá này.