Bài: Trương Quý
Ảnh: Bá Ngọc, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Văn Khởi

Trong số những hội, nhóm văn hóa di sản hình thành gần đây, câu lạc bộ Đình làng Việt gây ấn tượng về sự hoạt động bền bỉ và gần gũi, trên các nền tảng truyền thông số như mạng xã hội lẫn các chương trình điền dã. Như cái tên của câu lạc bộ đã cho thấy, hoạt động của họ gắn với ngôi đình – không gian trung tâm của làng xã được hình thành từ thế kỷ 16 – 17 và trở thành thiết chế văn hóa quan trọng nhất trong cộng đồng cổ truyền.

Những thành viên trẻ trong câu lạc bộ Đình làng Việt thực hiện nghi lễ truyền thống

Chủ nhiệm câu lạc bộ Đình làng Việt là nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình. Ngược dòng thời gian, vào năm 2008, anh Bình có ý tưởng hình thành một không gian nghiên cứu văn hóa đình làng, sưu tập các dữ liệu xung quanh kiến trúc ngôi đình, trong đó có các sinh hoạt, phong tục, lễ hội gắn với đình. Câu lạc bộ Đình làng Việt ra đời, là nơi những anh chị em yêu thích kiến trúc đình làng, trong đó có một số người làm nghiên cứu mỹ thuật, kiến trúc cũng như các cơ quan tu bổ di tích. Điều đầu tiên câu lạc bộ hướng tới là quảng bá các giá trị của di tích để tạo ra mối quan tâm trong cộng đồng và xa hơn là lên tiếng góp ý với các nhà quản lý. Khi tham quan một ngôi đình trong chốc lát, chúng ta khó thấy hết vẻ đẹp của nó, đặc biệt các chi tiết chạm khắc ở trên cao hoặc nơi không đủ ánh sáng. Đình làng Việt hướng cho cộng đồng biết đến những vẻ đẹp đó để từng bước bảo tồn những giá trị nguyên bản. Trước đây, việc giới thiệu đình làng chủ yếu thu hẹp trong một vài nghiên cứu và triển lãm điêu khắc đình làng. Tháng 8 năm 2015, câu lạc bộ tổ chức triển lãm “Đình làng Việt – những điều còn mất”, ngay Tết sau đó, các kênh truyền thông đã nhắc đến đình làng rất nhiều. Cộng đồng bắt đầu chú ý đến giá trị của đình làng bên cạnh chùa hay các di tích khác.

Những thành viên trẻ trong câu lạc bộ Đình làng Việt thực hiện nghi lễ truyền thống

Tiếng ca sắc áo rộn rã sân đình

Khi Đình làng Việt tiến hành tìm về di sản kiến trúc các ngôi đình thì họ nhận thấy, âm nhạc dân gian lại xuất phát hầu hết từ đình làng. Các chuyên gia Trần Đoàn Lâm, NSND Đoàn Thị Thanh Bình đã đóng góp cho việc thực hiện những hoạt động này trong câu lạc bộ. Cuối 2014, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã phục dựng tiết mục hát cửa đình cho giáo phường ca trù ở Hải Phòng. Đình làng chính là nhà hát của nhân dân. Quả thực ở đây hội tụ tất cả các loại hình biểu diễn âm nhạc truyền thống: ca trù, chiếu chèo, quan họ và cả hát bội… Phục hồi lại các hình thức biểu diễn nguyên bản ở sân đình là mục tiêu của câu lạc bộ. Tiếp đó là những nội dung về lễ Tết, bởi lẽ rất nhiều biểu hiện văn hóa người Việt nằm trong dịp Tết và lễ hội. Câu lạc bộ bắt tay vào kế hoạch tái hiện hoạt động truyền thống ngày Tết hoàn chỉnh tại sân đình. Nhưng vấn đề ở đây là muốn đẹp, muốn hấp dẫn thì phải có trang phục. Ban đầu, câu lạc bộ thử nghiệm bằng 30 bộ áo dài từ các nhà thiết kế trang phục cho phim lịch sử trong một buổi tái hiện nghi lễ đình làng. Các mẫu áo này mặc dù chưa đúng lắm nhưng khi mặc lên đem lại ấn tượng tổng thể khá tốt.

Áo dài ngũ thân tay chẽn của nam giới

Chính từ đây, Đình làng Việt nhận ra trang phục truyền thống là thứ mà họ có thể dựng lại được. Đến đây lại vướng một điều với làn sóng cách tân, các mẫu áo thịnh hành không đạt tiêu chí trung thành vốn cổ. Dựa trên mẫu áo cổ còn lưu giữ tại Huế, các thành viên câu lạc bộ đã đi tìm những nghệ nhân có thể may được. Điều này khá khó khăn vì mẫu áo dài tại các làng nghề đã bị biến đổi quá nhiều. May mắn rằng, Đình làng Việt gặp được nghệ nhân Đỗ Minh Tám ở làng Trạch Xá (Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội) – làng nghề may áo dài có tiếng, thuyết phục anh Tám tham gia câu lạc bộ và may theo định hướng để làm ra sản phẩm gần với truyền thống. Câu lạc bộ Đình làng Việt cũng kết hợp với nghệ nhân Năm Tuyền ở TP. Hồ Chí Minh, có xưởng đáp ứng được việc may số lượng lớn theo mô hình công nghiệp để thúc đẩy phong trào mặc áo dài ngũ thân. Những sản phẩm này có chất vải hiện đại phù hợp và có những cải tiến trong kỹ thuật may, lựa chọn màu sắc mang tính thẩm mỹ cũng như tiện lợi cho người mặc.

Một góc Không gian Văn hóa Đình làng Việt tại Hà Nội

Lan tỏa tình yêu Việt phục từ không gian văn hóa Đình làng Việt

“Việt phục” là một khái niệm rộng trong tư duy cộng đồng, bởi vì những gì người Việt đã và đang mặc đều có thể gọi là trang phục của người Việt. Câu lạc bộ Đình làng Việt thì nhận định khái niệm này liên quan chủ yếu đến loại áo ngũ thân, đặc biệt áo dài của nữ mà nhiều người đã gọi là “quốc phục”, thứ dễ chỉ ra cụ thể hơn. Trong không gian văn hóa Đình làng Việt – nơi tái hiện nét truyền thống, đập vào mắt tôi chính là những bộ áo dài mang dáng dấp xưa đang trưng bày cũng như chính anh Nguyễn Đức Bình đang phục sức. Tôi đem băn khoăn hỏi anh Bình về việc làm thế nào để những sản phẩm cổ truyền này xuất hiện phù hợp trong không gian hiện đại, cũng như vượt qua ý niệm rằng chỉ phù hợp cho những dịp lễ lạt? Anh Bình chia sẻ rằng những thành viên của Đình làng Việt đã mặc những mẫu trang phục truyền thống trong những không gian đường phố, siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh và không gặp trở ngại gì. Bên cạnh việc thay đôi guốc mộc bằng giày Tây hay ống quần không quá rộng đối với nam giới để phù hợp với điều kiện di chuyển, một số thứ nhất định phải giữ, ví dụ cái khăn đội đầu để tạo ra sự trang trọng. Những sự phục hồi hay cách tân đều phải đi từ quan sát kỹ lưỡng, trước hết dựa trên vấn đề công năng và thẩm mỹ.

Các thành viên câu lạc bộ Đình làng Việt luôn mặc áo dài ngũ thân trong các sinh hoạt cộng đồng

Chính các bạn trẻ thế hệ sinh sau năm 2000 lại đón nhận rất tự nhiên. Ngay tại không gian văn hóa Đình làng Việt, nhiều bạn trẻ đã đến tìm áo dài không chỉ cho bản thân mà cho cả ông hay bố. Có những bạn đang học đại học ở nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn mặc áo dài ngũ thân và giới thiệu trang phục này trong các sự kiện giao lưu văn hóa, nơi mà sinh viên các nước thường mặc đồ truyền thống của dân tộc mình.

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm câu lạc bộ Đình làng Việt đang hướng dẫn nhà văn Trương Quý cách quấn khăn

Cho đến giờ, áo dài thực tế là một loại di sản không có giấy khai sinh. Để ghi danh di sản chung, phải có căn cứ những bộ cổ phục trên cơ sở khoa học và nghiên cứu cẩn trọng. Một may mắn là gần đây câu lạc bộ có được sự đồng hành của TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên – Huế. Cơ quan này cũng đã tiến hành việc mặc áo ngũ thân trong các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, hội, họp…, tín hiệu phản hồi rất tích cực, khi phù hợp với không gian của Cố đô Huế, một thành phố du lịch chứa đựng di sản văn hóa được UNESCO công nhận.