Trần Duy Hưng
Như một sự vận động tất yếu của kỷ nguyên 4.0, “làn sóng số” trong ứng dụng công nghệ để số hóa văn hóa nghệ thuật gồm các hiện vật, di sản, tác phẩm và thậm chí cả trải nghiệm văn hóa, đã mở ra những khả năng cho sự kết nối và giao lưu văn hóa với thế giới.
Cuối năm qua, trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) 2020, triển lãm “Không mây, không mưa” được đại học RMIT tổ chức đồng thời trên mạng internet và tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), xoay quanh các câu chuyện đa chiều về căn tính và văn hóa. Với phiên bản số của triển lãm, khán giả yêu nghệ thuật ở bất cứ đâu cũng có thể dễ dàng tiếp cận với các tác phẩm về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Chỉ cần vài cú nhấp chuột để “bước vào” một không gian 3D ấn tượng, di chuyển giữa “avatar” (hình thái điện tử) của các bức tranh, video và tác phẩm điêu khắc, trên nền âm nhạc viết riêng cho không gian ảo. “Không mây,không mưa” đã quảng bá nghệ thuật Việt Nam ra quốc tế bằng việc tiếp tục ứng dụng công nghệ tân tiến (như 3D-scan) để tiến tới số hóa hơn 70 tác phẩm đang sở hữu, và tạo ra những giá trị riêng cho trải nghiệm nghệ thuật trực tuyến.
Các cơ quan văn hóa nhà nước cũng đang có những thử nghiệm hiệu quả với công nghệ. Trước ảnh hưởng vượt mọi dự đoán của dịch Covid-19, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tập trung vào truyền thông số để duy trì hiện diện với công chúng: họ đẩy mạnh tương tác trên mạng xã hội, cải thiện tích hợp giữa trang web chính thức và ứng dụng điện thoại thông minh, cũng như thực hiện và chia sẻ trực tuyến các phim ngắn về hoạt động của mình. Nhiều hiện vật được số hóa, và 3 triển lãm dự kiến trong năm cũng được chuyển thành trưng bày trực tuyến, với những tín hiệu đáng khích lệ về lượng truy cập và đón nhận của khán giả trong và ngoài nước. Từng bước một, bảo tàng cũng kết hợp với các đơn vị tư nhân để tạo ra sản phẩm thương mại từ khối hiện vật đang lưu giữ, hướng đến thị trường thế giới.
Cùng hướng đến nguồn thu từ dữ liệu số, viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) đang xây dựng một cổng truy cập cho khối lượng đồ sộ phim, hình ảnh và nghiên cứu của viện về hơn 800 loại hình di sản văn hoá phi vật thể. Đây là một dự án dài hơi với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức quốc tế, hứa hẹn giúp công chúng và giới nghiên cứu văn hóa Việt Nam và quốc tế tiếp cận dễ dàng hơn với những di sản quý, vốn có nguy cơ mai một nếu những tư liệu VICAS đang lưu trữ không được số hóa kịp thời.
Trong mảng điện ảnh, viện Phim Việt Nam (đơn vị lưu trữ phim lớn nhất cả nước) cũng có những kế hoạch về số hóa và quảng bá tư liệu. Các dự án viện triển khai trong hai năm gần đây cùng Hội đồng Anh hay trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Tài năng điện ảnh TPD đều tạo tiếng vang nhất định, giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam ít được biết đến, trình chiếu ở bản số hóa 2K với chất lượng âm thanh hình ảnh sắc nét. Nhà làm phim người Anh – Esther Johnson đang thực hiện một phim tài liệu về cuộc sống thường ngày và văn hóa Việt Nam, trong đó cô sử dụng tư liệu phim số của Viện Phim Việt Nam về giao thông ở nhiều vùng miền đất nước qua nhiều thập kỷ. Phim dự kiến ra mắt năm 2021 tại một số liên hoan nghệ thuật quốc tế.
Ở địa hạt âm nhạc, những dự án quốc tế như Saigon Supersound (Đức) hay Sublime Frequencies (Mỹ) đã dày công sưu tầm, số hóa đĩa than, băng cassette pop và rock Việt Nam thập niên 1960-1970. Từ những file số hóa này, một số tuyển tập được phát hành rộng rãi, giúp di sản nhạc Việt được tiếp cận và hiểu rõ hơn. Không chỉ nhằm mục đích bảo tồn, các đĩa nhạc này truyền cảm hứng cho nghệ sĩ thời nay tương tác và đương đại hóa những âm thanh xưa như nhóm nhạc Saigon Soul Revival (TP. Hồ Chí Minh), được chú ý trong nước và tại châu Âu năm vừa qua với album đầu tay.
Ngoài các tư liệu hay hiện vật, các trải nghiệm và căn tính cũng có thể được số hóa. Trung tâm Âm nhạc và nghệ thuật thử nghiệm Đom Đóm đang thực hiện một “lưu trú trực tuyến” năm tuần với nghệ sĩ Nhật Bản Kioto Aoki. Dù dịch Covid-19 khiến cô không thể đến Hà Nội tham gia lưu trú nghệ thuật theo kế hoạch, Aoki khám phá không gian âm thanh của thành phố qua một chuỗi cuộc gọi video. Từ màn hình máy tính, cô “gặp gỡ”, trò chuyện và làm việc cùng nhiều nghệ sĩ và nghệ nhân âm nhạc địa phương, có dịp cảm nhận quang cảnh quảng trường, công viên, chợ, chùa chiền, nhà máy, các buổi diễn…
Hay như nghệ sĩ trẻ Nhung Nguyễn, đã “vẽ chân dung” bằng âm thanh của quảng trường Ba Đình hay phố Nguyễn Thái Học dưới dạng thức thu tiếng trực tiếp từ đường phố và xử lý qua các phần mềm làm nhạc. “Chân dung” đã được đăng tải và giới thiệu trên những nền tảng trực tuyến như Bandcamp hay Soundcloud. Sáng tác của Nhung Nguyễn đóng góp vào một cảm thức nơi chốn rõ nét về Việt Nam.
Với những hoạt động số hóa trong nhộn nhịp thời gian gần đây, chúng ta có thể hy vọng về sự khởi sắc và nhiều cơ hội mới cho văn hóa nghệ thuật Việt Nam.