Tiến sĩ Lê Thị Tuyết
Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện; là trí tuệ, là sự giác ngộ và tinh thần bất nhiễm, vượt lên trên trần tục, giải thoát khỏi ô trọc, phiền não. Trong tâm thức dân gian, sen được ví với những con người có vẻ đẹp cao quý, thâm trầm nhưng đầy bản lĩnh, sống nơi bụi trần nhưng không bị ràng buộc, cám dỗ của lợi, danh…
Cũng có lẽ vì vậy, sen là loài hoa được đưa vào mỹ thuật từ rất sớm, đọng lại đậm đặc trong nghệ thuật tạo hình và trang trí truyền thống. Hoa sen được thể hiện một cách đa dạng, cách điệu phong phú và mang hơi thở/dấu ấn của thời đại. Theo dòng chảy của thời gian, chúng ta có thể nhận diện hình tượng hoa sen qua các thời kỳ lịch sử, trong trang trí kiến trúc Phật giáo, trên từng loại hình cổ vật, trong đó có hệ thống tượng Phật, đồ thờ tự và đồ gia dụng.
Một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo đầu tiên mang hình ảnh của hoa sen là ngôi chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội), xây dựng từ thời Lý. Tương truyền vào một đêm xuân năm Kỷ sửu (1049) vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen, dẫn vua lên đài. Khi tỉnh dậy, vua kể lại với triều thần, Thiền sư Thiền Tuệ khuyên vua nên xây chùa, dựng trụ đá giữa hồ, xây đài hoa sen thờ tượng Phật Quan Âm, đúng như hình ảnh đã thấy trong mơ. Chùa được dựng bằng gỗ, hình vuông, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, trên một trụ đá có đường kính 1,2m. Nhìn từ xa chùa có hình dáng như một bông sen mọc lên từ hồ nước, chiếc trụ là cọng sen, dưới hồ là đầm sen. Vào thế kỷ 17, chùa Bút Tháp, Bắc Ninh dựng Tòa Tích Thiện Am (có nghĩa chứa điều lành), còn được gọi là Cửu phẩm liên hoa bằng gỗ 9 tầng, thể hiện 9 kiếp tu của đức Phật Thích Ca. Đây cũng là 9 phẩm sen vàng mà một hành giả sẽ đạt được trong quá trình tu tập, giải thoát khỏi luân hồi, sinh tử, lên cõi niết bàn. Một ngôi chùa khác cũng mang dáng dấp kiến trúc tựa hoa sen là chùa Kim Liên (Bông sen vàng), được xây dựng năm 1792 tại Hà Nội. Xung quanh chùa là hồ, chẳng khác gì đóa sen nở trên mặt nước lung linh…
Hoa sen trong nghệ thuật tạo hình Phật giáo thường được gắn với hình ảnh đức Phật đứng thuyết pháp hoặc tọa thiền trên tòa sen. Tòa sen, nơi đức Phật ngồi hoặc đứng, biểu hiện cõi chân như, sự yên lặng tuyệt đối, cõi không sinh, không diệt. Và những đường gân lá sen thường được hiểu như 84 vạn pháp môn chảy chung về một nguồn, đó là cuống sen và cũng chính là nguồn giải thoát, là nhất chính đạo đi về một hướng để chuyển hóa, giác ngộ chúng sinh. Tư tưởng triết học nhân sinh của Phật giáo đã được thể hiện một cách sâu sắc bởi hình tượng hoa sen bình dị, dân dã khoe sắc hồng phủ khắp ao làng mùa hạ.
Thể hiện ý nghĩa của sự thanh khiết, hoa sen đã có mặt trong hầu hết các sản phẩm thờ cúng. Người ta bắt gặp ở đây rất nhiều kiểu dáng từ chân đèn, lư hương, đỉnh đốt trầm, mâm bồng, đài thờ, bình hoa… được thiết kế theo những kiểu thức hoa sen, vừa tạo nên yếu tố thẩm mỹ, vừa mang ý nghĩa thanh tịnh, tôn nghiêm.
Họa tiết hoa sen còn phổ biến trên các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày một cách phong phú và đa dạng từ đồ ngự dụng trong cung đình hay bình dân với nhiều loại hình khác nhau. Vào thời Lý, người nghệ nhân xưa thường khắc chìm các lớp cánh sen trên xương gốm cả trong lòng và phía ngoài bát, đĩa sau đó đem phủ men và nung. Còn các loại đồ đựng như bình, ấm, chân đèn, hũ, thống, thạp… thì được trang trí đắp nổi nhiều lớp cánh sen trên nắp, cổ và chân tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, tao nhã, quý phái cho từng món đồ. Sang đến thời Trần, hình tượng hoa sen được thể hiện một cách sinh động, khoáng đạt, thanh thoát với cách nhìn hiện thực hơn. Ở thời Lê, Nguyễn, hình tượng hoa sen lại được bố cục chặt chẽ nhưng vẫn linh hoạt với các hình khối sắc nét tạo nên sự trang nhã, khúc triết trên từng tác phẩm nghệ thuật…
Sưu tập cổ vật khổng lồ đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho thấy sen là một mô típ hoa văn được lựa chọn phổ biến trong trang trí kiến trúc và nghệ thuật tạo hình Phật giáo, trên đồ dùng sinh hoạt từ đồ ngự dụng nơi cung đình hay chốn dân gian nơi thôn dã… Đây là biểu hiện rõ nét khát vọng vươn lên, vượt ra khỏi cõi ta bà của nhiều tầng lớp, từ người xuất gia tu hành, các vua chúa trong mỗi vương triều cho đến những người bình dân trong xã hội Việt Nam xưa mà Vua Trần Nhân Tông là một biểu tượng cho khát vọng đó.