Bài : Lê Hồng Lâm
Ảnh: Trịnh Lê Minh, Nguyễn Hoàng Duy
Bagan không gây ấn tượng ngay lập tức bởi sự đồ sộ và kỳ vĩ. Khi đến Bagan lần đầu và đứng ở nơi cao nhất ngôi chùa Shwesandaw Paya, điểm đẹp nhất để ngắm Bagan lúc mặt trời mọc hoặc lặn, tôi đã lặng người khi nhìn thấy hàng ngàn ngôi chùa như nhuộm vàng trong ánh hoàng hôn sắp tắt. Nhà thám hiểm vĩ đại Marco Polo đến Bagan từ cuối thế kỷ 13 và gọi đây là “land of gold” (miền đất vàng) phải chăng vì điều này, chứ không đơn giản chỉ là những ngôi chùa dát vàng ở nhiều nơi trên đất Myanmar?
Không chỉ là nơi có nhiều đền thờ, chùa, tháp và di tích Phật giáo lớn nhất thế giới, Bagan là một thành phố di sản sống, nơi hàng ngàn công trình kiến trúc tôn giáo cả ngàn năm tuổi sống cùng dân cư đương đại và không khí linh thiêng tràn ngập khắp nơi. Kiểu như Jerusalem, Kyoto, Luang Prabang… những thành phố cổ mà cho dù du lịch có phát triển đến mấy cũng không tác động đến đời sống bản địa và sự linh thiêng của nó. Những thành phố (thực ra Bagan là một thị trấn thì đúng hơn, với chỉ 8.000 dân sinh sống) mà mới đặt chân đến tôi đã thấy yêu ngay lập tức.
Khách sạn chúng tôi nằm ở New Bagan, một kiểu “boutique hotel” có hồ bơi giữa khu vườn nhiệt đới xanh um, bàn ăn đặt trong vườn và dịch vụ tuyệt vời. Không còn những ngày nắng hè đổ lửa với nhiệt độ nghe nói lên đến 40, 42 độ C, Bagan cuối thu đúng mùa thời tiết đẹp nhất trong năm, sáng 20 độ, trưa nắng lên cũng chỉ 30 độ. Từ đây thuê xe đạp điện chạy trên những con đường cát hoặc horse cart (xe ngựa) để thăm thú Old Bagan đều có những trải nghiệm thú vị khác nhau. Đi xe đạp kiểu tự phát, thích đâu dừng đó, cũng không quá quan trọng tên hay “lai lịch” của những ngôi đền, chùa.
Tôi thích đi vào trong những ngôi đền, ngắm nhìn những người dân bản địa “trình diễn” và bán những món đồ thủ công truyền thống hay những bức tranh vẽ bằng chất liệu đặc biệt. Hoặc cũng có thể vận chiếc longyi, bôi một ít bột thanaka lên mặt và ngồi chơi đùa với những đứa bé ở đây. Ngày hôm sau chúng tôi thuê một chiếc horse cart, đậu sẵn trước cửa khách sạn. Anh chàng lái xe ngựa tên Kosoe, 25 tuổi và đã có 7 năm làm nghề này, chưa bao giờ đi đâu ra khỏi Bagan. Mỗi ngày anh kiếm được khoảng 25.000 kyats (khoảng 25 USD) nếu có khách, trừ đi tiền thuê xe và ngựa, cũng chỉ còn trên dưới 15.000 kyats, đủ để nuôi vợ và một cậu con trai 3 tuổi. Đi xe ngựa có trải nghiệm thú vị khác đi xe đạp điện, bởi Kosoe kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch, qua mỗi ngôi chùa hoặc đền lớn đều nói tên hay lịch sử của nó. Anh cũng giải thích sự khác nhau giữa Paya (chùa) và Pahto (đền). Paya thì không vào được bên trong bởi nó là một khối bảo tháp (stupa) còn Pahto thì có thể vào bên trong, nơi có đặt những bức tượng Phật.
Marco Polo đã từng mô tả Bagan là “một thành phố mạ vàng sống động với những tiếng chuông ngân nga và những tiếng sột soạt của áo choàng sư sãi”. Bagan chỉ rộng 40 km vuông, nằm trên một vùng bình nguyên xanh ngắt, có những dãy núi thấp bao quanh. Trong gần 300 năm của triều đại Pagan hưng thịnh nhất từ thế kỷ 11 đến 13 và là một trong hai triều đại hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á thời điểm đó, các ông vua đã cho xây dựng hơn 10.000 ngôi đền, chùa lớn, nhỏ khác nhau, tạo thành một quần thể đền, chùa lớn nhất thế giới.
Mặt trời mọc và hoàng hôn là hai thời điểm đẹp nhất để ngắm Bagan khi sắc vàng nhuộm cả thành phố nhờ ánh sáng chiếu vào những bức tường gạch nâu đỏ của những ngôi đền, chùa. Du khách có thể mua những chiếc vé lên khinh khí cầu để ngắm hàng ngàn ngôi đền dưới mặt đất. Nhưng với tôi, leo lên các ngôi chùa, tháp mang lại cảm giác “đáng tin cậy” hơn cả, bởi ta có thể thu hết vào tầm mắt những điều kỳ diệu mà người xưa để lại trên mặt đất.
Vị trí đẹp nhất để ngắm những điều kỳ diệu trên mặt đất này có lẽ là ngôi chùa Shwesandaw Paya, nhìn được bốn phía. Hàng ngàn ngôi đền, chùa Phật giáo nằm xen kẽ giữa những rừng cây xanh ngắt. Hai ngôi đền đẹp nhất nhìn từ đây là Ananda Pahto, ngôi đền lớn nhất và Thatbyinnyu Pahto, ngôi đền cao nhất. Còn để nhìn toàn cảnh Bagan từ trên cao và xa hơn thì xuống bến thuyền, thuê một chiếc thuyền máy băng qua sông Ayeyarwady, đi bộ xuyên qua ngôi làng Tan Kyi rồi leo bộ lên đỉnh ngọn núi Tan Kyi Paya, nơi đặt Stupa bằng vàng khổng lồ ở vị trí cao nhất. Cả đi lẫn về mất khoảng 4 tiếng đi bộ, nhưng từ đỉnh của ngọn núi này nhìn về Bagan không gì đẹp bằng, từ ngôi làng nhỏ ở dưới, rồi đến dòng sông trải dài trước mặt; đến hàng ngàn ngôi đền lẩn khuất trong rừng cây và cuối cùng là dãy núi xa xa mờ ảo khi ánh nắng dần tắt hẳn…
Dù đã đặt chân đến nhiều địa danh trên trái đất, nhưng Bagan vẫn khiến tôi xao xuyến hơn cả, không chỉ vì những điều kỳ diệu có thể thu vào tầm mắt mà còn là những cảm xúc và sự thành kính đọng lại ở trái tim.