Giang Lê
Tôi đến Iran lần đầu trong tiết mùa xuân mát mẻ. Khí trời và vạn vật giao hòa tạo ra một mùa xuân hoa trái xinh tươi khắp mọi ngỏ ngách, nẻo đường, con phố ở Iran. Hầu hết các công trình đến đài, tu viện, đền thơ của Iran đều được sử dụng kỹ thuật ốp lát mosaic, vốn được xem là nguồn gốc khởi điểm của kỹ thuật làm gốm cổ truyền của Iran. Tuy chỉ là những màu sắc cơ bản: xanh, vàng, điểm xuyến thêm những sắc trắng đơn giản, nhưng toàn bộ công trình, đền đài, toát lên vẻ nho nhã, thanh tao làm nổi bật tổng thể các hoa văn, và không thể lẫn với bất kỳ kỹ thuật làm gốm nào trên thế giới. Lần thứ hai, tôi đặt chân tới Iran trong cái lạnh rét buốt của mùa đông, tuyết rơi lất phất trên chặng đường đi từ Tehran tới các làng gốm ở vùng Lalejin. Lần này, tôi đến đất nước hãy còn khép cửa này vì một đam mê lớn hơn, là tìm hiểu kỹ hơn về một nền văn hóa phong phú với bề dày lịch sử nổi tiếng khắp thế giới, vì một niềm đam mê với sắc gốm ở đất nước vốn yêu chuộng thiên nhiên, con người thân thiện mến khách, và vì một lời hứa với những người bạn thân ở Iran về việc giới thiệu sản phẩm độc đáo này ra thế giới bên ngoài.
Nếu như gốm Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều màu sắc sặc sỡ như cô nàng mười tám tuổi đỏng đảnh, gốm Nhật trầm lắng điềm đạm với tông màu trầm buồn như một cụ già lớn tuổi, thì gốm Iran lại mang một màu sắc và phong cách hoàn toàn khác. Nhờ vào sự hưng thịnh về nghệ thuật, khiếu thẩm mỹ độc đáo và lịch sử phát triển gốm sứ thời cổ đại, kèm theo nguyên vật liệu sẵn có ở đất nước giàu tài nguyên khoáng sản này, Iran đã có bề dày phát triển gốm từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Các di chỉ khảo cổ cho thấy gốm Iran xuất hiện nhiều tại những vùng như Chogha Zanbil, Susa. Các nhà khảo cổ phân tích, đánh giá kỹ thuật làm gốm từ thời cổ đại đã đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật phối màu các lớp men sử dụng từ các màu sắc chiết suất từ tự nhiên (bột đá màu, các loại cây cỏ).
Ngày nay, gốm Iran vẫn được duy trì vẻ đẹp nguyên bản từ thời cổ đại. Chất lượng của sản phẩm được duy trì dựa vào việc thừa hưởng các thành tựu rực rỡ từ thời cổ đại, và kinh nghiệm chế tác sản phẩm từ các nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm. Các sản phẩm gốm tại các lò gốm hiện nay vẫn được sản xuất hoàn toàn thủ công, từ việc nặn tạo dáng, tạo mẫu hoa văn, phối màu sắc. Với sự hỗ trợ về công nghệ (các lò nung hiện đại, sạch sẽ hơn, sử dụng gas thay cho than củi), những nghệ nhân làm gốm giảm được một phần nhọc nhằn, và chất lượng sản phẩm làm ra giảm được những rủi ro hư hỏng so với quá trình nung gốm bằng than củi như ngày xưa.
Gốm Iran nổi tiếng nhất ở vùng Lalejin, Hemadan, cách thủ đô Tehran khoảng 5 – 6 tiếng chạy xe. Vùng Lalejin nổi tiếng về gốm nhờ nguồn đất sét tốt, sánh dẻo, độ mịn của sét cao, không lẫn những tạp chất khác. Chất men ở vùng Lalejin nổi tiếng có độ bóng cao. Với việc thừa hưởng một bề dày lịch sử nổi tiếng trong điêu khắc các đền đài, lăng tẩm, cung điện, việc thể hiện các chi tiết một các tinh tế và tỉ mỉ, được chuyển hóa điêu luyện và sành điệu vào các hoa văn gốm một cách nhuần nhuyễn, nhẹ nhàng thanh thoát.
Gốm Iran mang vẻ đẹp tinh xảo, tỉ mỉ, là một tiềm năng kinh tế chưa được khai thác bởi hiện nay sản phẩm hầu hết vẫn chỉ sử dụng trong nước, không phổ biến rộng rãi ở các nước. Hầu hết các lò gốm nung vẫn theo quy trình cũ, tự cung tự cấp và sản xuất chỉ đủ cung ứng trong nước.