Nếu chúng ta bắt đầu một hành trình ngược về quá khứ bằng các ký ức của di sản thì nên bắt đầu từ Huế, kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, đó cũng là kinh đô của một giai đoạn lịch sử hùng tráng và bi thương nhất, kinh đô của triều đại hùng mạnh hàng đầu trong khu vực, nhưng sau đó lại thất bại, bất lực trước nòng súng đại bác phương Tây.
Dù trải qua bao biến động của thiên nhiên và lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được diện mạo khá hoàn hảo các thiết chế của một đô thị- kinh đô thời cận đại với thành quách, cung điện, công sở, phủ đệ, đền miếu, đàn tế, chùa quán, lăng tẩm… Năm 1993, Huế trở thành di sản thế giới đầu tiên của Việt nam được Unesco công nhận, và cho đến nay, cố đô Huế vẫn là địa phương có nhiều di sản văn hóa mang tầm vóc thế giới nhất: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), nhã nhạc cung đình (2003), mộc bản triều nguyễn (2009), Châu bản triều nguyễn (2014)…
Huế với tư cách một trung tâm văn hóa chính trị của Đàng Trong được manh nha hình thành giữa thế kỷ XVI khi chúa Nguyễn Hoàng vào nam dựng nghiệp; từ năm 1636 chính thức trở thành thủ phủ Đàng Trong, rồi thành kinh đô của triều Tây Sơn, triều nguyễn, cho đến tận giữa thế kỷ XX. Trong suốt mấy thế kỷ đó vùng đất này trở thành nơi tích hợp, bồi tụ của vô số các giá trị văn hóa phong phú từ các vùng miền trong nước, và từ các làn sóng văn minh giao thoa trong khu vực. Chính vì vậy, đây thực sự là vùng đất của di sản, là thành phố của bảo tàng. Ngày nay, có lẽ chỉ ở Huế người ta mới có thể nhìn thấy, cảm nhận, chạm vào, thậm chí sống cùng quá khứ ở mọi lúc, mọi nơi. Cuộc sống ở đây luôn thật chậm rãi nhưng không hề đơn điệu mà tràn đầy màu sắc và các giá trị tinh thần phong phú. Đó là các giá trị văn hóa truyền thống Việt đậm đà được lưu giữ trân trọng qua bao đời. Chúng hiển hiện trong sắc màu cổ kính của mái ngói lưu ly vàng, bức tường rêu phong của cung điện, lăng tẩm vua chúa, trong vô số những ngôi chùa xinh xắn ở khắp thành phố đến miền thôn quê, trong các khu nhà vườn-phủ đệ xưa đến các biệt thự, trang trại mới được xây dựng chưa lâu, và cả trong cuộc sống hàng ngày bình dị nhưng thanh thoát, trang nhã của người dân cố đô.
Đến Huế du lịch, du khách có quá nhiều sự lựa chọn để thưởng thức và trải nghiệm: các di sản văn hóa cung đình và dân gian phong phú, vùng đầm phá mênh mông, những bãi biển xinh đẹp, miền núi rừng huyền bí, những đặc sản phong phú, những món ăn tuyệt vời. Có lẽ đó chính là lí do khiến những năm gần đây, lượng khách đến Huế ngày càng không ngừng tăng lên.
Rời Huế, ngược về phía Bắc khoảng 400km là một cố đô khác của Việt nam: Thành nhà Hồ – kinh đô độc đáo của một trong những triều đại ngắn ngủi nhưng chói sáng trong lịch sử dân tộc, triều Hồ (1400-1407). Thành nhà Hồ (hay Tây Đô, Tây Giai, Thành an Tôn… ) là một trong những kỳ tích về kiến trúc của dân tộc, nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Tòa thành đồ sộ có thành ngoài đắp đất, chu vi hàng chục cây số; thành trong xây bằng đá khối nguyên tảng (mỗi tảng từ 10- 15 tấn, có viên đến 26 tấn), chu vi gần 3,5 cây số (870,5 x 883,5m) mà chỉ xây dựng trong vài tháng cuối năm 1397. Đây là kinh đô của 3 năm cuối triều Trần (1225-1400) và 7 năm tồn tại của triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm dâu bể, các công trình kiến trúc bằng gỗ như điện đài, lầu các đều không còn, nhưng tòa thành thì vẫn sừng sững hiên ngang như thách thức với thời gian. Thành nhà Hồ là tòa thành xây bằng đá duy nhất ở Đông nam Á và cũng rất hiếm có trên thế giới. Tháng 6 năm 2011, di tích này được Unesco ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, nhưng trước đó ngót 50 năm, nó đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia (1962).
Đến thăm Thành nhà Hồ, du khách thường kết hợp thăm đàn tế nam Giao (đàn tế trời của nhà Hồ) và nhiều di tích ít nhiều có liên quan đến các triều đại Trần – Hồ nằm ở vùng lân cận như đền thờ nàng Bình Khương (thờ phu nhân của tướng Trần Công sỹ, chỉ huy việc xây dựng mặt đông Thành nhà Hồ), đền Tam Tổng (thờ danh tướng Trần Khát Chân), hồ mỹ Đàm (tương truyền là một đoạn sông đào để nối thông từ tòa thành ra sông mã), Hang nàng (nơi giam cầm vua Trần Thiếu Đế và hai nàng hầu), núi an Tôn (công trường khai thác đá để xây thành)… nhưng nếu có thời gian rộng rãi bạn nên ghé thăm các thôn xóm quanh khu vực này, bởi cuộc sống người dân ở đây còn chất phác, dung dị. những ngôi nhà cổ, những ngôi chùa cổ nằm xen lẫn đây đó cũng phủ đầy bởi các truyền thuyết hư ảo, hấp dẫn lạ thường. Trước hoặc sau khi thăm Thành nhà Hồ, bạn cũng có thể đến thăm nhiều di sản nổi tiếng khác của xứ Thanh như phủ thờ chúa Trịnh, đền thờ tổ của triều nguyễn, khu Lam Kinh của triều Lê…
Tiếp tục ngược về phía Bắc non 100km là Tràng An, kinh đô của những vương triều độc lập đầu tiên của Việt Nam sau hơn nghìn năm Bắc thuộc – triều Đinh (968-980), triều Tiền Lê (980- 1009) và triều Lý (1009-1400). Vẫn còn đó những dấu ấn hào hùng thuở ban đầu lập quốc, nhưng hơn thế, Tràng An còn hội tụ những giá trị phong phú, độc đáo của thiên nhiên Việt nam, là di sản văn hóa-thiên nhiên hỗn hợp đầu tiên của nước ta được Unesco công nhận (2014).
Năm 968, sau khi dẹp loạn nạn cát cứ trong nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xưng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, xây dựng Hoa Lư thành kinh đô của đất nước thống nhất. Tuy thời gian tồn tại chỉ hơn 40 năm, nhưng Hoa Lư là trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa của đất nước độc lập, thống nhất, gắn liền với những chiến công hiển hách trong việc “đánh Tống, bình Chiêm”, khẳng định và nâng cao vị thế của dân tộc Việt. năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô về Thăng Long, Hoa Lư trở thành cố đô, nhưng suốt từ đó trở về sau, các triều đại Lý, Trần, Lê, nguyễn đều quan tâm tu bổ các di tích đền thờ, miếu mạo cũ như một sự tri ân đối với tiền nhân.
Ngày nay cố đô Hoa Lư là một phần quan trọng trong quần thể di tích, danh thắng Tràng An.