Yên Chi

Đối với người Á Đông, lăng mộ không phải là tượng trưng cho cái chết, trái lại, đó là biểu tượng của một cuộc sống khác, cuộc sống vĩnh hằng. Vì vậy, lăng mộ chính là “ngôi nhà của thế giới bên kia”. Điều đó dường như được thể hiện rõ nhất ở cố đô Huế.

Hiếm có đô thị nào như Huế, một đô thị ngay từ khi hình thành đã được quy hoạch cân bằng bao gồm cả nửa phần Dương cơ (Kinh thành-đô thị dành cho người sống) nằm ở phía đông và Âm phần (vùng lăng tẩm dành cho người đã khuất) nằm ở phía tây, và dòng sông Hương xinh đẹp chính là trục kết nối giữa hai phần Âm –Dương này. Cũng vì vậy, trong suốt gần 150 năm triều Nguyễn lấy Huế làm kinh đô của đất nước, sông Hương được mệnh danh là “Con đường hoàng gia”, là “Con đường của sự trở về”, vì tất cả các vị hoàng đế triều Nguyễn sau khi băng hà, đều được đưa bằng thuyền, ngược dòng sông Hương lên chôn cất ở lăng tẩm của họ.

Huế ngày nay vẫn còn bảo tồn được 7 khu lăng mộ lớn của các vị hoàng đế, hoàng hậu triều Nguyễn cùng hàng chục lăng mộ của các chúa Nguyễn và các phi, hàng trăm mộ táng có quy mô của thân vương, quan lại…hầu hết đều phân bố ở vùng rừng núi phía tây và tây nam thành phố. Tất cả các lăng mộ ấy đều được người Huế trang trọng gọi là “Lăng”, một mỹ tự đặc biệt mà lẽ ra ngày xưa chỉ dành cho bậc hoàng đế, hoàng hậu. Dĩ nhiên, trong số đó, lăng tẩm của các vị hoàng đế có vị trí nổi bật bởi quy mô to lớn và những giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, triết học…

Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng) được xây dựng từ năm 1814-1820, là khu lăng tẩm đầu tiên của vương triều Nguyễn. Khu lăng có tổng diện tích quy hoạch lên đến 2.875ha này nằm ở thượng nguồn sông Hương, cách thành phố Huế khoảng 16km. Lăng chính của vua Gia Long và hoàng hậu nằm tựa lưng vào núi, lấy ngọn Đại Thiên Thọ sơn làm tiền án, hướng mặt về nam. Xung quanh lăng có đến 42 ngọn núi lớn nhỏ chầu về, địa thế vô cùng hùng vĩ, khoáng đạt. Trong khu vực này còn có 6 ngôi lăng tẩm khác của gia đình nhà vua, bao gồm lăng chúa Nguyễn tiền triều, lăng thái hậu, lăng hoàng hậu, công chúa. Có lẽ vua Gia Long đã quy hoạch toàn bộ khu vực này trở thành nghĩa trang chung của dòng họ Nguyễn nhưng các vua Nguyễn về sau đã không thực hiện theo ý nguyện này?

Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng) được xây dựng từ năm 1840-1843, nằm ở vùng núi Hiếu Sơn, gần nơi giao nhau của hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch, tạo nên đoạn chính của sông Hương. Lăng gối đầu vào núi Kim Phụng, ngọn núi cao 475m, chủ sơn của vùng Huế, tổng diện tích quy hoạch của lăng cũng rộng tới gần 500ha, trong đó phần nội lăng khoảng 15ha. Các công trình kiến trúc của lăng Minh Mạng được bố trí thẳng hàng hoặc đăng đối hai bên trục thần đạo, dài hơn 700m với nhiều thay đổi về cao độ để tạo ra những khoảng không gian đột biến. Đây là khu lăng nổi tiếng với vẻ đẹp cân chỉnh và thâm nghiêm.

Lăng Thiệu Trị (Xương Lăng), được xây dựng năm 1847-1848 ở vùng núi Thuận Đạo, lưng dựa vào vùng núi Thiên An, mặt hướng về sông Hương, cận kề lại có nhiều khu lăng mộ hoàng gia khác như lăng Hiếu Đông (của thân mẫu vua Thiệu Trị), lăng Cơ Thánh (của thân sinh vua Gia Long) và điện Hòn Chén ở phía bờ sông đối diện. Lăng không có la thành, hai trục Lăng và Tẩm được bố trí song song với nhau, tổng diện tích quy hoạch hơn 400ha.

Khác với 3 khu lăng đầu triều, lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) ban đầu là một hành cung của nhà vua, được xây dựng từ năm 1864-1867, sau khi vua băng hà năm 1883 mới trở thành lăng mộ. Khu lăng này nằm ở vùng núi Dương Xuân, cận kề cũng có nhiều khu lăng mộ khác, bao gồm cả lăng Đồng Khánh (Tư Lăng), lăng Kiên Thái Vương (thân sinh của 3 vị vua: Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi), lăng thái hậu Thánh Cung, thái hậu Từ Cung…với tổng diện tích hơn 220ha. Riêng trong vòng thành nội của Khiêm Lăng, ngoài lăng vua Tự Đức còn có lăng mộ và điện thờ của vua Kiến Phúc (Bồi Lăng), lăng mộ của hoàng hậu Lệ Thiên (Khiêm Thọ Lăng). Đây là khu lăng nổi tiếng bởi vẻ đẹp lãng mạn, giàu chất thơ.

Lăng vua Dục Đức (An Lăng) được xây dựng cuối thế kỷ XIX với vị trí chọn lựa ngẫu nhiên, quy mô không lớn và ít đặc sắc về kiến trúc, nhưng đây là khu lăng nằm ngay trong thành phố, sau lại an táng thêm hai vị hoàng đế yêu nước là con (vua Thành Thái) và cháu (vua Duy Tân) nên cũng là khu lăng tẩm được nhiều người quan tâm.

Lăng Khải Định (Ứng Lăng), được xây dựng muộn nhất (từ năm 1920-1933) tại vùng núi Châu Ê, diện tích nhỏ nhưng quy mô kiến trúc rất kỳ vỹ. Kiến trúc lăng tích hợp cả nghệ thuật và vật liệu kiến trúc truyền thống Việt Nam với phương Tây giai đoạn đầu thế kỷ XX nên có nhiều nét rất đặc sắc và độc đáo.

Có thể nói lăng tẩm triều Nguyễn ở Huế là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc lăng mộ truyền thống Việt Nam, mỗi khu lăng thật sự là một thành tựu tuyệt vời về kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật trang trí, và còn hàm chứa những giá trị đặc biệt về tư tưởng, triết học. Các khu lăng đều có quy mô rất lớn nhưng mật độ các công trình kiến trúc thường không nhiều, vì đều lấy thiên nhiên làm nền tảng. Dựa vào tự nhiên, lấy các vẻ đẹp tinh túy từ thiên nhiên, nhưng cao hơn tự nhiên, đó là mục tiêu và cũng là ý tưởng nhất quán của các kiến trúc sư tài hoa của triều Nguyễn khi quy hoạch và thiết kế các khu lăng tẩm. Điều độc đáo là phần lớn tác giả của các công trình kiến trúc phi thường này đều lại chính là các vị hoàng đế triều Nguyễn: Vua Gia Long, vua Minh Mạng tự thiết kế lăng tẩm của mình; vua Tự Đức thiết kế lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức; vua Khải Định cũng tự mình quy hoạch và chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng Ứng Lăng. Có lẽ riêng điều đó thôi cũng đủ tạo nên những huyền thoại và sự hấp dẫn đặc biệt của các lăng tẩm triều Nguyễn đối với du khách gần xa.