Bài: Ngô Quang Minh
Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc

Chúng tôi bật khúc “Thơ tình của núi” (An Thuyên) vang vang trên đoạn đổ đèo thay cho lời chào mùa vàng rộn ràng trong hành trình khám phá Yên Bái – Hà Giang những ngày thu óng ả. Hạ tuần tháng 9 khi những địa phương khác đã gặt thì những vùng này mới dần vào chính vụ.

Bà con dân tộc thiểu số đi thăm ruộng

Dân gian có câu “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” nhằm vinh danh 4 thung lũng lúa lớn của vùng Tây Bắc: Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu), và Mường Tấc (Sơn La). Nằm cách Hà Nội vài giờ lái xe, vựa vàng Yên Bái có rất nhiều điểm dừng chân tuyệt mỹ và cần ít nhất 2 ngày để khám phá. Quốc lộ 32 đưa chúng tôi rời thị trấn đi qua Nghĩa Lộ, Tú Lệ trước khi dừng nghỉ ở đỉnh đèo Khau Phạ ngắm biển lúa mênh mông ngoạn mục. Đây cũng là nơi được chọn để khởi động cho chương trình nhảy dù “Bay trên mùa vàng” mỗi dịp lúa chín. Khác với mùa hè thường nhiều sương mù, mùa thu tiết trời trong trẻo hơn, từ điểm cao nhất của “Sừng trời” Khau Phạ có thể nhìn được toàn cảnh thung lũng Cao Phạ, Lìm Mông cùng những sóng lúa bậc thang mềm mại chỗ vàng, chỗ xanh trải dài, lại được núi đồi sừng sững bao bọc nom hệt như bức thổ cẩm đa sắc khổng lồ độc đáo. Tiếp theo cung đường ôm cua tay áo vượt Khau Phạ, rời Văn Chấn sang Mù Cang Chải, ta lại được trải nghiệm không khí nhộn nhịp khác hẳn.

Ruộng lúa "mâm xôi" ở Yên Bái

Nhiều năm gần đây, cao điểm du lịch mùa thu xứ Mù Cang Chải chứng kiến lượng khách đổ về đông như trảy hội vùng cao bởi những Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Kim Nọi với hơn 2.000 ha ruộng bậc thang đẹp đã thành huyền thoại. Cong cong vành móng ngựa trong ánh bình minh chỉ có thể lên tận nơi mục sở thị bằng xe máy; hay tròn trịa xa xa “mâm xôi lớn” – “mâm xôi nhỏ” đượm khói lam chiều; đâu đâu cũng thấy hạt vàng nẩy căng, thấy sức sống của một miền sơn cước được mùa. Từ sự hồ hởi của người Mông đang cần cù gánh lúa trên nương, từ ánh mắt long lanh và bàn tay thoăn thoắt của người Thái đang mải mê thu hoạch vụ mùa, ta cảm nhận một không gian sáng bừng sinh động trong vạt nắng thu đẹp lay động con tim. Và giữa trập trùng lúa trập trùng nương, thi thoảng lại lẻ loi đôi nếp nhà lá đơn sơ khô xám tạo ra nét chấm phá đáng yêu, cảnh tượng hiếm có cả năm chỉ được ngắm một lần.

Các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc có tập quán canh tác trên lưng chừng núi cao từ nhiều đời

Thời tiết Tây Bắc vào mùa này sáng se se lạnh, tới trưa hửng nắng ấm dần, và khi mặt trời tắt bóng thì gió lạnh tràn về; tạo cảm giác dễ chịu thư giãn sau ngày dài “chạy” quanh những thửa ruộng bậc thang để săn khoảnh khắc. Nếu bạn may mắn có thể gặp đúng những ngày khai thác dịch vụ bay trực thăng Mù Cang Chải, một loại hình trải nghiệm rất mới mẻ, khó quên để thưởng ngoạn giang sơn cẩm tú từ những tầm cao. Dưới cánh chim trời, bức tranh thiên – nhân đồng điệu của Tây Bắc hiện ra đẹp vô ngần, độc đáo không nơi nào có được.

Tạm biệt Tây Bắc, chúng tôi lại vượt đèo hướng về Đông Bắc, đến với Hoàng Su Phì (Hà Giang) nơi có những ruộng bậc thang cổ nhất và cao nhất Việt Nam, cũng là điểm địa đầu kết thúc vòng cung ngắm lúa miền núi phía Bắc. Trái với những đoạn đường hiểm trở đầy thử thách mà cánh lái hay truyền tai nhau: “Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê” thì bình lặng và dịu êm sẽ là cảm giác đầu tiên của du khách sau khi đặt chân tới đây. Không có cái náo nức của Mù Cang Chải (Yên Bái) hay rộn ràng sôi động của Sa Pa (Lào Cai), Hoàng Su Phì ghi dấu bởi lững lờ mây trôi ôm trọn dãy Tây Côn Lĩnh và yên ả dưới chân kia là bạt ngàn ruộng bậc thang. Xa xôi nhất như bản Phùng giáp biên nước bạn, hay ngược về bản Luốc, Hồ Thầu, Nậm Ty; nối tiếp nhau ruộng đâu nhà đấy, mùi hương lúa chín cùng hơi thở núi rừng bâng khuâng mời gọi. Trong số 23 xã của Hoàng Su Phì thì Thông Nguyên nức tiếng nhất. Với địa thế quần sơn tụ thủy, nơi hợp lưu của 3 con suối lớn (Phìn Hồ, Nậm Ông, Nậm Khòa) biến nơi đây thành một vùng bình nguyên được phù sa bồi lắng ngay lưng chừng núi. , Nhờ vậy mà lúa vẫn đượm vàng rực rỡ trĩu bông bất chấp địa hình ghập ghềnh quanh co. Hạt gạo Thông Nguyên hay những mâm xôi ngũ sắc cũng nhờ thế mà trở thành sản vật đặc trưng, tề danh cùng trà Shan Tuyết cổ thụ nồng đượm của xứ này.

Mùa vàng ở Yên Bái

Lịch sử của Hoàng Su Phì gắn bó mật thiết với sự hình thành và cư trú của người Dao, Tày, La Chí… trên những triền núi cheo leo; với sự ra đời và phát triển của những mùa nương trên dốc đứng bao thế hệ đã qua. Cộng đồng người Dao đỏ vùng này còn có một tập tục rất thú vị: lễ gọi hồn lúa. Với quan niệm vạn vật hữu linh, với họ, cây lúa cũng có phần xác và phần hồn; mỗi khi thu hoạch ruộng bậc thang và đập phơi, đóng bao tại ruộng sẽ không tránh khỏi nhiều hạt bị rơi vãi. Lễ cúng ra đời để gọi hồn những hạt lúa đó về, ước mong mùa sau sẽ lại bội thu và cũng là cảm tạ thần ruộng, thần sấm, thần nước… đã cho bồ thóc sinh sôi nuôi sống dân bản.

Cũng như dòng sông đã chảy qua đời, nước nguồn cứ xuôi mãi còn dáng hình con sông xưa nay vẫn thế. Rẻo cao trung du và miền núi phía Bắc qua mỗi mùa thu lại thay tấm áo mới, nhưng những xúc cảm trước bức tranh thiên nhiên vẫn mãi vẹn nguyên, để mỗi lần đặt chân tới “lưng chừng núi, lưng chừng đèo” đã thấy “bao thương nhớ trong lòng mình” … Lời ca đã dứt, tâm trí chúng tôi vẫn chưa thôi phiêu du trong điệp trùng mây núi được điểm tô bởi những nụ cười trên nương. Mùa thu đang lướt ngoài cửa sổ không quên dặn dò một lời hẹn tái ngộ sang năm.