Thiên An

Ba dòng sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương hợp lưu vào vùng nước lợ mênh mang, rộng khoảng 22.000ha, đấy chính là phá Tam Giang. Từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, là những ngày đẹp nhất để lên kế hoạch lênh đênh đầm phá nổi tiếng bậc nhất xứ Huế này.  

Bình minh trên phá Tam Giang

Là vùng đầm phá rộng lớn nhất Đông Nam Á, phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện là “bầu sữa” mẹ nuôi sống gần 100.000 cư dân quanh vùng theo nghề chài lưới. Từ một vùng hiểm địa gây khiếp sợ với: “Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”, nhưng nay, vùng đất ấy đã mang nhiều đổi thay, được miêu tả rõ nét trong Địa chí Thừa Thiên Huế là “… một trong những số ít lãnh thổ nước ta có cảnh quan thiên nhiên lẫn nhân tạo đa dạng, độc đáo, hấp dẫn và thơ mộng…” 

Dong thuyền lênh đênh trên Phá Tam Giang, sẽ không khó để gặp những người thủy diện, cách gọi khác là dân vạn đò, trong những chuyến xuôi ngược mưu sinh. Họ là những người theo đuôi con cá, bởi theo nghề đánh bắt nên ở đâu có cá thì dong thuyền theo. Người thủy diện có một phần là cư dân tiền trú, bản địa, một phần là lưu dân từ nơi khác đến, với đủ loại thành phần. Ngược dòng lịch sử, trước thời Tự Đức (1829-1883), người thủy diện ở Phá Tam Giang có một bộ phận chưa được xã hội coi trọng và thừa nhận. Cho đến khi có một nhân vật tên là Hoàng Hữu Thường (1837 – 1888) – một người thủy diện, được ăn học, sau thành tài, đỗ tiến sĩ, kinh qua các chức vụ Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Binh, cũng bởi xuất thân là con nhà chài lưới, hiểu đời sống người thủy diện nên ông đã xin triều đình biên chế người thủy diện vào một tổng, gọi là tổng Võng Nhi gồm 13 làng trên mặt nước của vùng phá Tam Giang. Kể từ đó, cộng đồng làng trên mặt nước, được xã hội thừa nhận, đời sống của họ tạo nên bức tranh sinh động vùng đầm phá đến tận ngày nay. 

Cư dân đầm phá sống nhờ vào sản vật thiên nhiên ban tặng

Phiêu du vào vùng đầm phá bây giờ, nên bắt đầu từ một hành trình thật sớm để có thể đón được bình minh, khi quả cầu lửa đỏ rực nơi chân trời ló dạng, cũng là lúc ghe thuyền của cư dân thủy diện tấp nập về bến ở làng Ngư Mỹ Thạnh, Quảng Điền, sau một đêm lênh đênh đánh bắt. Những sản vật thu về được đem bán ở chợ cá nhộn nhịp. Nơi đây vẫn lưu giữ nét nguyên sơ như bao năm qua chẳng hề thay đổi. Tôm, cua, ghẹ, cá bống thệ, cá chép… đều là đặc sản của phá Tam Giang sẽ từ phiên chợ sớm ấy lan tỏa đến cư dân quanh vùng. 

Để việc theo đuôi con cá được êm xuôi, người thủy diện ở làng Ngư Mỹ Thạnh vẫn lưu giữ một tập tục quan trọng, chính là lễ cầu ngư diễn ra hàng năm để khẩn mong thần linh ban cho đời sống an lành, tôm cá bội thu. 

Sứa là một sản vật quen thuộc trên phá Tam Giang

Trên chiếc ghe gia truyền cha để lại, ngư dân Nguyễn Văn Thiên (Phước Lập, Quảng Điền) kể về hành trình đánh bắt trên phá Tam Giang những năm gần đây: “Càng ngày đánh bắt càng khó hơn vì nguồn tôm cá không dồi dào như chục năm về trước”. Công việc mỗi ngày của Thiên bắt đầu từ sáng sớm, khi mặt trời lên tỏ, kéo dài đến chiều muộn, sản vật đánh bắt được có thương lái thu gom. 

Ngoài hình ảnh cư dân thủy diện, phá Tam Giang cũng nổi tiếng với hệ thống nhà chồ, nò sáo, đáy, lưới… được ngư dân từ các vạn nghề tác tạo đan xen trên đầm phá. Vạn nghề sáo có sáo vời, đóng sâu hơn 2m, rồi đến sáo đoản đăng, qua các loại lưới thệ, lưới bạc, lưới dạy… Mỗi vạn nghề, mỗi lối mưu sinh, mỗi cư dân trên đầm phá, góp phần tạo nên nét khác biệt cho phá Tam Giang. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông từng chia sẻ: “Nếu dòng sông và đầm phá thiếu vạn đò, thiếu người thủy diện, tôi có cảm giác thiếu vắng một cái gì đó làm sông bớt phần duyên dáng”. 

Lấy ghe làm nhà, lấy mặt nước làm chốn dung thân, người thủy diện trên phá Tam Giang cũng lưu giữ một cách đánh bắt ấn tượng khác là quăng chài. Ngày trước, vào thập niên những năm 1980, có hẳn một xóm chài của dân vạn đò mang tên Phao Võng, với những tay quăng chài thiện nghệ định hình nên xóm chài chuyên đánh bắt theo các vùng sông nước và đầm phá đất Phú Xuân xưa. Những kỹ thuật quăng chài đẹp mắt, hiệu quả, vẫn được hậu duệ cư dân Phao Võng xưa duy trì, tạo nên hình ảnh ngoạn mục khi quăng chài mưu sinh trên phá Tam Giang. 

Lễ cầu ngư ở làng Ngư Mỹ Thạnh

Bên cạnh việc đánh bắt tôm cá thường ngày, ở thời điểm tháng 04, tháng 05, phá Tam Giang thường được thiên nhiên ưu ái khi ban tặng cho mùa sứa. Từng con sứa to lần lượt theo con nước mắc vào đáy, ngư dân chỉ việc ra đáy thu về, gặp những ngày trúng lớn, ghe thuyền chở không hết, ngư dân phải dỡ sứa ra khỏi lưới, thả về với biển. 

Sống đời lênh đênh, cư dân trên phá Tam Giang vẫn còn đó phong cách thương hồ hào sảng và thân thiện. Gặp khách lạ, ngư dân vui vẻ tặng vài con sứa làm quà lai rai. Việc chế biến con sứa được ngư dân Nguyễn Văn Thiên xử lý ngay trên ghe của mình. Sứa được loại bỏ lớp vỏ ngoài, chừa lại phần cùi trong veo, đanh chắc, đem thái mỏng, ăn sống giòn sần sật, vị ngọt thanh mát. Món ngon ấy chợt gợi về một điểm nhấn trong các món ẩm thực Huế là gỏi sứa, bún sứa, sứa chấm ruốc, chỉ có điều được thưởng thức hương vị sứa tươi từ thiên nhiên cùng vùng cảnh quan ngoạn mục ngay trên phá Tam Giang cùng ngư dân bản địa là một sự khác biệt.