Lê Hoàng

Làng Nôm – chốn quê mộc mạc với cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình và hệ thống đình, đền chùa hàng trăm năm tuổi. Người làng Nôm thuộc vào lớp những người hoài cổ khi luôn cố gắng lưu giữ kiến trúc ngôi làng mộc mạc, thấm đẫm hồn quê. Người ta còn biết đến làng Nôm bởi một cây cầu đá chín nhịp bắc qua sông Nguyệt Đức.

Cây cầu đá đầu làng Nôm

Chữ NÔM theo từ điển có nghĩa là (cách nói, cách diễn đạt) đơn giản , mộc mạc, dễ hiểu. Làng Nôm mang đúng cái hồn của chữ ấy, mộc mạc yên bình giữa cái nôi vùng văn hóa cổ Kinh Bắc.

Từ làng Nôm đến Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương đều trong khoảng xấp xỉ 30km. Có lẽ cũng bởi sự ảnh hưởng của những chốn đô hội ấy, mà người làng Nôm theo nghề công thương từ rất sớm, nào là buôn bán dọc theo sông Nguyệt Đức, hay đúc đồng làm sản phẩm gia dụng, cho đến nghề đồng nát… Bươn trải bốn phương trời, họ vẫn coi làng, là chốn an toàn để trở về sau mỗi chuyến làm ăn xa. Cuộc sống hiện đại khiến cho nhiều ngôi làng không còn giữ được những kết cấu cơ bản của làng quê Bắc Bộ nhưng làng Nôm còn khá nguyên vẹn cổng làng, cây đa, giếng nước, ao làng và hệ thống đình, đền, chùa với tuổi đời hàng trăm năm.

Làng Nôm có điểm nhấn là 3 hồ nước lớn chạy dọc theo chiều dài của làng, xung quanh hồ là các nhà thờ họ. Đi một vòng quanh hồ, ta có thể biết hết các dòng họ đã ăn đời ở kiếp trong làng qua những ngôi từ đường. Nhà thờ họ ở đây đều có kiến trúc truyền thống và có quy mô gần bằng nhau. Cái riêng là cách tô điểm trang trí bằng nhiều nét hoa văn đắp nổi rất phong phú, đa dạng. “Quảng trường” của làng Nôm ở cuối con đường ven hồ. Đó là khoảng sân rộng trước ngôi đình cổ, với mái ngói rêu phong thấp thoáng dưới tán đa cổ thụ, một nét đẹp kinh điển mà hư ảo. Đình thờ thánh Tam Giang là một vị tướng huyền thoại, được coi là “Hộ quốc Phúc thần”.  Đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Chùa Nôm là nơi lưu giữ những di sản quý báu

Người làng Nôm thuộc vào lớp những người hoài cổ. Do chủ yếu làm giao thương nên cũng thuộc loại khấm khá, thế nhưng không có những ngôi nhà cao tầng giữa làng, thay vào đó là một không gian êm đềm hòa quyện với thiên nhiên. Đó là cách mà người làng gìn giữ hồn quê. Làm ăn được, người làng đầu tư cho con cháu ăn học kinh doanh thành đạt. Những ngôi nhà cổ còn lưu giữ đến hiện nay đều là nhà của các ông khóa, ông lý giàu có xưa kia. Đình, chùa xây được đều nhờ có con em vinh quy bái tổ, gom góp tiền của xây cất mà thành. Chuyện kể rằng, khi cải tạo lại đường làng, người dân đồng lòng lát gạch chứ không đổ bê tông, dù cho kinh phí đội lên nhiều. Những con đường gạch xếp nghiêng kể về tục cưới cheo có từ bao đời. Trai gái trong làng mỗi khi cưới hỏi phải nộp cho làng 200 viên gạch để lát đường. Cứ vậy, những con đường làng lát gạch trở thành kỷ niệm, dấu ấn của bao đôi trai gái.

Người ta còn biết đến làng Nôm bởi một cây cầu đá chín nhịp bắc qua sông Nguyệt Đức. Nếu như trước đây, ở Bắc Bộ, những cây cầu  bằng đá xanh như thế làng nào cũng có, vậy mà nay chỉ còn đôi ba chiếc nguyên vẹn, trong đó có cầu đá làng Nôm. Bên kia cầu đá là chùa Nôm, tên chữ là Linh Thông Cổ tự. Tam quan bề thế hài hòa bên gốc cây gạo cổ thụ trăm tuổi là lối vào vùng đất Phật được mô phỏng dưới trần gian. Ngôi chùa cổ với cách bài trí điển hình của những ngôi chùa Bắc Bộ với tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hành lang các vị tổ. Đây cũng là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá mà trong đó phải kể đến 122 pho tượng đất nung kỳ bí. Trải qua bao biến cố của lịch sử cũng như thiên tai, những pho tượng này vẫn trường tồn với thời gian. Chùa còn dành một không gian rộng lớn cho dự án bảo tồn những cây nhãn cổ, một sản vật đặc sắc nhất của vùng Hưng Yên.

Một góc xưa cũ trong làng Nôm

Hàng năm, vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, dân làng mở hội. Đây là dịp dân làng báo ơn công đức với thành hoàng làng, để lưu giữ nét sinh hoạt truyền thống, vừa là dịp để con cháu xa gần trở về quê hương, báo hiếu công ơn ông bà, cha mẹ… Đây cũng là cơ hội để những người con làng Nôm khoe khéo với bạn bè, du khách về món tài sản vô giá của mình – di tích làng cổ thấm đẫm hồn quê vùng Bắc Bộ.