Bài và ảnh: Trần Tấn Vịnh
Cà răng, nhuộm răng đen là tập tục khá phổ biến ở nhiều tộc người vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Một số dân tộc vùng Tây Bắc không cà răng như người Tây Nguyên nhưng lại có tục nhuộm răng và bịt răng vàng… Ngoài ra chức năng làm đẹp, cà răng, căng tai, nhuộm răng đen còn là nghi lễ đánh dấu gia đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành. Luật tục quy định: điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên, được cộng đồng thừa nhận, được quyền thiết lập quan hệ hôn nhân… là cá nhân đó phải qua nghi lễ cà răng.
Đối với môt số dân tộc ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên như Cơtu, M’nông, X tiêng, Brâu… để có bộ răng hợp theo phong tục truyền thống, họ phải cà cắt răng hoàn chỉnh rồi mới tiến hành nhuộm răng. Người Cơtu thường cưa đến 12 chiếc răng cả hàm trên và hàm dưới. Khi cưa xong, người ta dùng những viên đá lấy ở dưới suối, mài những chân răng cho mòn đến sát lợi. Cưa, cắt răng phải đi liền với việc nhuộm răng để bảo vệ vết thương, chống nhiễm trùng. Người Cơtu thường dùng nhựa một loài cây có tên là axớp/axáp bôi vào chỗ răng vừa bị cưa. Người Tà Ôi chỉ cưa 6 chiếc răng ở hàm trên trước rồi đến 6 chiếc răng của hàm dưới, và chừa lại 16 cái răng để nhai vật cứng. Hai ngày sau khi cưa thì nhuộm răng thành màu đen bằng nước vỏ cây rỏi (alok ndong nnee’h).
Người M’nông ở Tây Nguyên cũng cưa răng giống như người Cơtu, người Tà Ôi. Sau khi cưa răng, người ta chặt cây krai về phơi khô, khi dùng đem đốt một đầu cây cho cháy như đuốc và dùng đuốc krai cọ vào thanh sắt cho ra một ít nhựa màu đen có vị cay. Sau đó dùng nhựa này hòa với tro củi, rồi dùng que nhỏ đầu có quấn bông gòn thấm nhựa krai vào và phết vào răng. Răng vừa cà xong vẫn còn bị thương nên ra một ít máu phải dùng nước muối súc miệng cho sạch và phết thêm nhựa cây vào chân răng. Chất cay xé của nhựa cay krai và tro củi làm cho chân răng xót vô cùng, nhưng chỉ xót và nhức một chút rồi khỏi. Khi phết nhựa krai xong để khoảng 30 phút dùng nước súc miệng. Chất krai đã dính chặt vào răng, răng biến thành một màu đen rất đặc trưng. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ nam nữ thanh niên phải tập phết nhựa cây thường xuyên vào răng, răng không bao giờ bị sâu ăn, làm cho chân răng thêm rắn chắc. Một tháng chỉ phết nhựa krai một lần nhưng bộ răng vẫn giữ được một màu đen. Có người cho rằng khi cà cắt răng xong rồi ăn cơm cảm thấy ngon hơn.
Trong khi các dân tộc ở Tây Nguyên không còn tục cưa và nhuộm răng đen thì một số dân tộc Tây Bắc như Lào, Lự vẫn còn bảo lưu tập tục nhuộm răng. Khi đi nương, xuống chợ hay đi dự lễ hội, các chị em Lào, Lự thường nở nụ cười rất tươi để chào khách lạ. Đó là nụ cười của các phụ nữ nhuộm răng đen. Cộng đồng người Lự ở Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu hầu như còn giữ nguyên tập tục nhuộm răng có từ thời xa xưa này. Khi đến tuổi dậy thì, các cô gái được mẹ sắm cho dụng cụ nhuộm răng gọi là “pẳng tèm khèo”. Nó là một thanh sắt mỏng, là vật bất ly thân của trong suốt cuộc đời của người phụ nữ Lự. Đồng bào dùng cây tỉu – một loại cây có nhựa cay, vị thơm mọc ở rừng sâu để làm nguyên liệu nhuộm răng. Họ thu hái cây này về phơi khô dự trữ trong nhà để dùng dần.
Mỗi khi ăn cơm xong hoặc trước khi đi ngủ, các bà các cô thường ngồi bên bếp lửa để tiến hành nhuộm răng. Họ lấy một đoạn cây tỉu đặt vào bếp lửa đốt thành than hồng rồi bỏ vào một cái lon bằng nhuôm, lấy thanh sắt “pẳng tèm khèo” đậy lại. Khi đó cục than hồng đốt nóng làm tan chảy nhựa cây tỉu dưới đáy lon, khói bốc lên nghi ngút và ám nhựa cây có màu đen vào phía dưới thanh sắt. Họ lấy tay trỏ chấm vào nhựa còn đang nóng đưa qua đưa lại trên khắp hàm răng để nhuộm. Nhựa cây bám chặt vào răng. Nhuộm răng thường được tiến hành vào ban đêm, sau bữa cơm tối. Đồng bào Lự thực hành nhuộm răng như là một “nghi thức” không thể quên trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời là phút thư giản, nghỉ ngơi, làm đẹp của người phục nữ sau ngày lao động mệt nhọc. Nét đặc biệt là trong hàm răng đen tuyền ấy còn điểm xuyết chiếc răng vàng lấp lánh ở hàm trên, ngay ở vị trí chiếc răng khểnh, tạo nên nét đẹp riêng biệt không lẫn với bất cứ tộc người nào.
Sở dĩ đồng bào cà, cắt răng như vậy, theo một số nhà nghiên cứu thì đó là để họ được giống như con trâu. Một số nhà khoa học cho rằng, nhiều cư dân bản địa ở vùng Trường Sơn, Bắc Tây Nguyên từ xưa đã nhận con trâu làm vật tổ trong tín ngưỡng tô tem (totemism) của mình. Khi nghiên cứu về tộc người Bahnar ở Kon Tum, Nguyễn Đổng Chi, các tác giả cuốn Mọi Kon Tum đã nhận xét: “Người Bahnar cà răng, có lẽ là để được giống như thú tổ của mình là con trâu”. Phong tục cưa răng của các tộc người ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên hầu như đã dần được bãi bỏ sau những thập niên 50 của thế kỷ trước. Bởi vì việc cưa, cắt răng sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể, thậm chí gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng con người do phương pháp cà răng, cắt răng bằng dụng cụ thô sơ, thiếu vệ sinh, gây mất nhiều máu. Dấu tích cà răng, nhuộm răng chỉ còn lại thấy hiếm hoi ở những người già.