Đỗ Phấn

Nếu phải bình bầu cho cảnh quan đất Việt thì hẳn là dải đất biên cương phía bắc của Tổ quốc luôn giữ vị trí hàng đầu. Đó là những thắng cảnh du lịch nổi tiếng trải dài từ Đông Bắc sang Tây Bắc. Từ Vịnh Hạ Long, mũi Sa Vĩ kéo sang Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.

Trẻ em Mộc Châu - Sơn La (Sơn dầu, 2021)

Nếu chỉ cưỡi ngựa xem hoa đi cho hết núi non, sông ngòi thì với phương tiện giao thông như ngày nay chỉ cần chừng một tháng là tạm đủ. Thế nhưng, muốn quan sát cảnh vật thiên nhiên cũng như con người ở những vùng đất ấy để có thể đưa chúng vào tác phẩm nghệ thuật thì khoảng thời gian không biết bao nhiêu là đủ. Trong khoảng 30 năm qua, tôi đã dành khá nhiều thời gian đi, về không đếm được số lượt, mới chỉ là để hiểu tàm tạm những vấn đề thuộc về hình ảnh có liên quan chặt chẽ đến công việc sáng tác hội họa. Những mặt khác của các nhà nghiên cứu như phong tục tập quán, canh tác, chăn nuôi của đồng bào các dân tộc thiểu số có lẽ cần một khoảng thời gian lớn hơn thế nhiều. Bằng chứng là cho đến tận bây giờ vẫn có những phát hiện mới được viết thành sách mà chưa bị trùng lặp.

Chợ phiên Cán Cấu - Lào Cai (Sơn dầu, 2022)

Hội họa của tôi đặc biệt chú trọng đến hình ảnh con người. Những sinh hoạt đời thường của con người gắn với cảnh vật thiên nhiên nơi ấy. Trải qua rất nhiều năm ghi chép kí họa và chụp ảnh con người ở vùng núi phía Bắc cho đến cách nay vài năm, tôi mới có đủ tư liệu để sáng tác về mảng đề tài hấp dẫn nhưng khá hóc búa này. Thực ra là mới bước đầu có đủ tự tin. Với những họa sĩ được sinh ra và lớn lên ở những vùng đất ấy thì câu chuyện đơn giản hơn nhiều. Họ đã thuộc nằm lòng ngay từ tấm bé cả đến những chi tiết như cái khuy cài áo, cái khăn đội đầu, cách vấn mớ tóc rất cầu kì duyên dáng của đồng bào miền núi. Nhưng với những họa sĩ như tôi được sinh ra ở thành thị thì tất cả đều là mới mẻ. Nó đòi hỏi một thái độ quan sát và ghi chép kiên trì bền bỉ gấp nhiều lần.

Chợ gia súc Bắc Hà - Lào Cai (Sơn dầu, 2021)

Việc quan sát không chỉ ở trong trạng thái tĩnh của sự vật, con người. Ở trạng thái này, hầu như không phát hiện ra được những đặc điểm vùng miền của cư dân sở tại. Chẳng hạn như cách bước đi của đồng bào miền núi thập thõm không hề giống những bước chân thông thường của cư dân ở đồng bằng. Hoặc như vẻ mặt biểu cảm của họ trong sinh hoạt đời thường cũng rất khác. Đấy là chưa nói đến những đặc điểm nhân chủng của những tộc người khác nhau cũng muôn phần khác biệt.

Chợ gia súc Bắc Hà - Lào Cai (Sơn dầu, 2021)

Vẽ về người dân tộc thiểu số bây giờ cũng đã bắt đầu gặp những khó khăn mới. Đó là trang phục bị biến cải khá nhiều, đến mức những dấu hiệu để cho biết họ là dân tộc nào cũng bắt đầu mờ nhạt, pha trộn. Vài năm trở lại đây, đến cái khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng không còn cầu kì tách bạch đúng như truyền thống nữa. Trong quá trình sáng tác những bức tranh này tôi vẫn thường xuyên phải về lại những vùng đất, những nẻo đường từng diễn ra các hoạt động, sự kiện để thu thập thêm tư liệu.

Chợ chó Bắc Hà - Lào Cai (Sơn dầu, 2021)

Sẽ có một câu hỏi đặt ra ở đây là: “Vì sao lại luôn cần đến tư liệu như thế khi đã cóp nhặt đến hàng 30 năm?”. Câu trả lời cũng thật khó tin. Nó nằm trong tiềm thức. Kí ức muốn sống lại tươi mới không có cách nào tốt hơn là cần có sự so sánh đương thời. Và phần quan trọng nhất là cảm xúc được bồi đắp và nâng lên rất nhiều khi tìm hiểu lại vùng đất cũ.

Phần lớn những bức tranh về đề tài miền núi được tôi thực hiện vài năm nay đều theo cách như vậy. Và, tôi biết đề tài này sẽ còn được lặp lại nhiều lần nữa trong các sáng tác của tôi.