Ngô Quý Đức

Có một chất liệu hội họa rất Việt Nam, mang đậm tinh hoa và bản sắc dân tộc. Có một ngôi làng vẫn bền bỉ phát triển vi chất liệu ấy… Cùng ghé thăm làng nghề sơn mài hơn 200 tuổi với nhiu câu chuyện đời, chuyện nghề tại Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Một tác phẩm sơn mài qua nhiều công đoạn từ làm cốt gốm đến làm vóc, làm sơn

Phong vị làng nghề

Chúng tôi về Hạ Thái vào một ngày nắng nhẹ, gió thanh. Từ đầu làng, tiếng giấy ráp rột roạt, mùi sơn quyện quanh không khí. Đặc trưng của Hạ Thái là sự lặng lẽ của sức lao động bền bỉ, tính nối kết giữa những người làm nghề. Ở Hạ Thái, để tạo ra một tác phẩm sơn mài phải qua nhiều công đoạn từ làm cốt gốm, gỗ, hay giấy ép… đến làm vóc, làm sơn. Người cũ giúp người mới khi bắt đầu bước vào nghề, người nghệ nhân và họa sỹ hỗ trợ lẫn nhau.

Cái hồn, cái thần của sơn mài chính là sự ấp ủ của thời gian, của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, đặc biệt là của hàng chục lớp “sơn rồi mài, mài rồi sơn”. Mỗi lần “mài” là từng lớp loang ẩn hiện, thách thức sự hiểu sâu kĩ thuật của nghệ nhân, họa sĩ. Tinh túy không ngờ nhất, một mảng màu tuyệt vời nhất, đôi khi đến bất chợt ở một lớp loang màu nào ấy, khiến ta sững sờ.

Nghệ nhân Vũ Huy Mến gắn bó với nghề đã hơn 50 năm

Con người của Hạ Thái

Nghệ nhân Vũ Huy Mến là người đầu tiên chúng tôi ghé thăm. Hơn 50 năm, chú Mến sống với sơn mài từ ngày còn khó khăn của việc thiếu nguyên liệu thời bao cấp. Căn nhà cũ cũng chính là xưởng sản xuất của gia đình. Từ trong nhà cho đến ngoài sân, các sản phẩm sơn mài được xếp la liệt, cái gần hoàn thiện, cái đang ủ, cái chờ khô.

Với chú Mến, sơn mài là bản sắc, là tinh hoa mà các cụ để lại. Cái tinh của sơn mài không phải chỉ ngày một ngày hai là có được. “Bây giờ nhiều nhà dùng nhiều loại sơn mới chứ ít dùng sơn ta như xưa. Còn với tôi thì sơn ta vẫn là hơn cả, nó thuộc vào người mình, vào mắt mình rồi”.

Tranh phong cảnh làng quê với chất liệu sơn ta truyền thống

Tôn trọng màu sắc truyền thống, tranh của chú Mến mang sự trầm mặc của thời gian nhưng không kém phần ấn tượng thị giác. Người nghệ nhân gắn đời mình với sơn ta làm những bức tranh phong cảnh làng quê Việt là để gìn giữ bảo tồn cho nghề truyền thống.

Khi trò chuyện với chúng tôi, tay chú Mến vẫn lấm lem màu sơn, vẫn đi kiểm tra từng bức tranh đã đến độ nào…

Dũng Dị – họa sỹ phá cách

Dũng Dị là cái tên thân quen được bạn bè gọi từ lúc họa sĩ Trần Công Dũng còn đi học. Anh thuộc lứa họa sĩ thế hệ mới của làng Hạ Thái, đã gắn mình với nghề hơn chục năm. Bước chân vào xưởng, thứ đầu tiên đập vào mắt là… những chiếc gạt tàn hình động vật ngộ nghĩnh với đường nét sơn mài rất nghịch, rất Dũng Dị bày la liệt trên bàn. Trên tường, bộ tranh decor (trang trí) với đường nét nhìn thoáng qua tưởng nguệch ngoạc nhưng rất thu hút, tạo tổng thể ấn tượng.

“Ngày xưa, bọn tôi sống chết với nghề, có i nghề để kiếm sống. Rồi quen dần, không có nghề thì buồn lắm. Nếu không cho tôi vào xưởng một ngày thôi, bức bối lắm.”- họa sĩ chia sẻ.

Yêu nghề nhưng phá cách, bên cạnh chất liệu truyền thống, họa sĩ Dũng Dị học thêm nhiều thứ mới. Không sử dụng quá nhiều vỏ trứng, vàng bạc, anh dùng bột màu và chơi những khoảng âm dương cho tác phẩm của mình. Không phủ bóng quá nhiều, anh để sản phẩm thô mộc cho nó một diện mạo mới. Nét riêng anh tự hào nhất là màu sắc mới như xanh ngọc bích cùng kỹ thuật làm sơn rạn.

Gạt tàn hình động vật với đường nét sơn mài rất nghịch

Anh Dũng được biết đến như một “người bày trò” của Hạ Thái. Sen cắm từ phiên bản truyền thống khá to và khó dùng, anh làm cho nó nhỏ lại, màu sắc hơn, phù hợp với nhiều không gian hơn. Khi được hỏi cảm nghĩ về việc mọi người xung quanh “làm theo mình”, anh bày tỏ một sự…vui, coi đó là đóng góp cho nghề: “Mà hết trò này mình bày trò khác, có sao đâu”.

Trang Trọc – họa sĩ vui vẻ, hòa nhã và cân bằng

Xuất thân từ hải quân, anh Tô Ngọc Trang hay thường được gọi là Trang Trọc theo học ngành sơn mài của đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Quen với tự do của biển, xưởng của anh thoáng đãng, nắng tràn vào nhà, bánh lái tàu và tranh về cá được treo ở nơi cao nhất, không gian thật vui tươi.

 

“Nghệ thuật là dòng kí ức vọng lại. Các bác nghệ nhân xưa họ hay vẽ làng quê, vì là kí ức của họ. Lúc ở trên phố, anh thấy bí bách quá, nên anh vẽ… cá. Giờ về Hạ Thái, đi lang thang trong làng, anh vẽ lại trải nghiệm, vẽ đời sống của chính mình. Tranh tự sáng tác vẫn là thích nhất, là mình nhất.” – họa sĩ tâm đắc.

Họa sĩ Tô Ngọc Trang với phong cách phóng khoáng của người lính hải quân

Duy trì sự sáng tạo, họa sĩ Trang kết hợp với các nghệ nhân tạo ra tác phẩm mới có tính ứng dụng cao hơn. “Các bác đôi khi vẫn cứ quen gắn vỏ trứng đều tăm tắp, nên anh phải cùng sẻ chia, trao đổi, thử nghiệm một vài cách khác để tạo ra hình hài mới cho sản phẩm.” Ngoài làm họa sĩ, anh Trang mở lớp dạy học cho đủ mọi lứa tuổi. “Anh làm người đồng hành thì đúng hơn. Học trò là học trò nhưng anh cũng học (từ) trò. Anh học sự hồn nhiên, con mắt lạc quan từ mọi người.”

Trưa đến, anh mời chúng tôi ở lại ăn cơm, rồi bê bức tranh dang dở ra làm… bàn ăn. Anh cười vui vẻ: “Đây, cái hay là, cuộc đời chúng nó phải thế. Khi chưa hoàn thiện, chúng nó cứ được lăn lộn làm bất cứ thứ gì gắn với cuộc sống hàng ngày. Mà tính ra tranh của anh, cũng chỉ treo tường làm nền cho cây của chị nhà thôi ấy mà…”.

Những bức tranh đã "lăn lộn" với cuộc sống hàng ngày của họa sĩ Trang

Sức sống nghề sơn mài?

Những lớp loang của sơn mài là lớp loang của thời kì, của cuộc đời làm nghề. Sơn mài Hạ Thái cũng vậy, luôn sâu thẳm mà bền vững. Sự sâu thẳm ẩn trong các lớp sơn và trong tuổi nghề của người nghệ nhân, người họa sĩ. Sự bền vững trong chất liệu, trong thời gian sử dụng của sản phẩm và trong cái tâm của người làm nghề.

Khi được hỏi về tương lai của sơn mài, các nhân vật mà chúng tôi tìm đến đều chia sẻ về việc thế hệ mới không còn nhiều hứng thú với sơn mài, vì có quá nhiều con đường hiện đại khác đang mời gọi. Dù vậy, những con người ít ỏi còn làm nghề như họ vẫn vui vẻ, lạc quan, cống hiến, tận tình giúp đỡ các lớp kế cận giữ gìn và phát huy nghề sơn.