Bài: Vân Anh
Ảnh: Internet

Giới thượng lưu có lẽ là chủ đề không bao giờ lỗi mốt của kinh đô điện ảnh thế giới. Tiêu biểu trong đó là The Great Gatsby (Gatsby Vĩ Đại, 2013), hay Babylon vừa ra mắt đầu năm 2023. Mạch nối dài đó cho thấy câu chuyện của người giàu tiếp tục được khai thác.

Phân cảnh lộng lẫy của bữa tiệc trong điện ảnh

NGUỒN CẢM HỨNG BẤT TẬN

Còn nhớ, khi Crazy Rich Asians (Con nhà siêu giàu châu Á) của đạo diễn Jon M. Chu ra mắt vào năm 2018, chẳng ai ngờ một bộ phim điện ảnh lấy bối cảnh châu Á với diện mạo mới này lại thu hút đến vậy. Có thể vì khán giả toàn cầu chưa bao giờ tưởng tượng được cuộc sống của giới thượng lưu phương Đông, cho đến khi nhìn thấy những chiếc Maserati đắt tiền chạy đầy đường, vô số mẫu đồng hồ Rolex vintage sang trọng, du thuyền siêu sang trị giá hàng tỷ đô và cuộc sống “kẻ bưng người rót” của một gia tộc vương giả. Tất cả đều được tái hiện chân thật và sinh động, như thể là cuộc sống của bất cứ ai trong Crazy Rich Asians. Bộ phim là sự cộng hưởng giá trị truyền thống của một gia đình châu Á, với lối sống tiêu thụ xa xỉ, cùng nhiều trang sức đắt tiền. Chỉ từng đó, cũng đủ để thu hút sự chú ý của những nhà phê bình phim khó tính nhất. Bên cạnh những lời tán thưởng cho sự mới mẻ, hài hước của Crazy Rich Asians, số còn lại chỉ xem đây như một bộ phim điện ảnh giải trí đơn thuần, bởi “chẳng đời nào, họ không thể giàu đến vậy!”. Chỉ đến khi Kwan, tác giả của cuốn sách được chuyển thể, thừa nhận các nhân vật đều có nguyên mẫu và cách họ tiêu tiền cũng từ thực tế, thì chủ đề tranh luận này mới dần kết thúc.

Bữa tiệc xa hoa trong Crazy Rich Asians

Crazy Rich Asians có thể khác biệt so với những bộ phim khác của Hollywood khi hội tụ dàn diễn viên hoàn toàn là người châu Á, nhưng cách các nhân vật trong phim tiêu tiền hay tận hưởng cuộc sống, cũng không mấy khác biệt so với nhiều tác phẩm điện ảnh về giới thượng lưu khác. Chúng cùng công thức chung: xe hơi, hàng hiệu, du thuyền trên biển và những bữa tiệc xa hoa. Ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thượng lưu này từ các tác phẩm kinh điển lấy bối cảnh đầu thế kỷ 20, như The Great Gatsby của đạo diễn Baz Luhrmann, hay câu chuyện hiện đại giữa lòng phố Wall trong The Wolf of Wall Street (Sói già phố Wall) của đạo diễn Martin Scorsese. Cả hai nhân vật chính Jordan Belfort và Gatsby (đều do tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai) chia sẻ điểm chung là sự tự tin và cả sự tự do. Họ thể hiện chúng từ vị trí đứng giữa đám đông trong bữa tiệc của mình, chiều chuộng bản thân và thậm chí tiêu xài cho cả người khác, họ thích gì làm nấy, đưa ra những quyết định phù phiếm chỉ trong một tíc tắc.

Kiệt tác điện ảnh Citizen Kane

CHÂN DUNG CHUẨN MỰC CỦA HOLLYWOOD

Giới thượng lưu và điện ảnh thế giới đã đồng hành với nhau kể từ kiệt tác điện ảnh Citizen Kane (Công dân Kane, 1941) của đạo diễn Orson Welles. Và mỗi năm, Hollywood vẫn tiếp tục sản xuất những bộ phim hé lộ cuộc đời và lối sống của 1% dân số thế giới. Bởi lẽ, điện ảnh luôn mang đến những giấc mơ, nó đưa người xem bước vào hành trình khám phá mới, để đại chúng biết cách người giàu ăn uống, làm việc và cả hành xử. Ngay trong những hành vi có vẻ ngớ ngẩn và bồng bột, cũng vô hình trung trở thành chuẩn mực của điện ảnh Hollywood, khi đa phần các nhân vật thượng lưu đều được khắc họa dưới góc nhìn tiêu cực. Như nhân vật Miles Brown trong Glass Onion: A Knives Out Mystery (Kẻ đâm lén), đã mua hẳn một hòn đảo lớn và thuê cả bức tranh kinh điển Mona Lisa để trưng bày trong nhà, song đây lại là nhân vật phản diện.

Nhân vật Jordan Belfort trong The Wolf of Wall Street

Hay Gatsby dù giàu có đến mấy cũng chẳng ai biết được những bữa tiệc hàng đêm chỉ là cách ông quên đi cuộc đời không hạnh phúc của mình. Jordan Belfort khăng khăng “chỉ chọn giàu có” và tận hưởng nó bằng việc ăn chơi hết mình. Dưới ánh đèn Hollywood, giới thượng lưu dường như chẳng bao giờ thấy đủ, họ kiêu ngạo, mất niềm tin, theo đuổi chủ nghĩa tiêu thụ thuần tuý và thích phô trương sự giàu có của mình, nhưng lại kín kẽ và bí ẩn trong đời sống cá nhân.

Điều này có thực sự giống câu nói của nhân vật Alexander Knox trong Batman (phim sản xuất năm 1989 của đạo diễn Tim Burton): “Bạn biết tại sao người giàu lại kỳ quặc vậy không? Bởi họ có thể chi trả cho điều đó”.

LÀN SÓNG MỚI VỀ GIỚI THƯỢNG LƯU

Năm 2022, công chúng chứng kiến sự thành công rực rỡ của những bộ phim mới về giới thượng lưu. Trong khi The White Lotus (Hoa sen trắng) nói về mối quan hệ chồng chéo của những vị khách thượng lưu tại một resort hạng sang, khi hàng loạt án mạng xảy ra, thì Triangle of Sadness (Đáy thượng lưu), bộ phim được đề cử Oscar và giành giải Cành cọ Vàng lại đưa những nhân vật của mình vào không gian nhỏ hẹp của chiếc du thuyền, nơi hứa hẹn chỉ có nắng gió và sự bình yên đáng giá, cho đến khi cơn ác mộng ập đến. Và tất nhiên, không thể kể thiếu tác phẩm hài kinh dị The Menu (Thực đơn bí ẩn) với những vị khách thượng lưu được trải nghiệm từng món ăn, bộc lộ từng góc khuất xấu xa của con người, để rồi dẫn đến cái kết hỗn loạn và chết chóc.

Những vị khách trong Triangle of Sadness

Cả ba bộ phim này được ví von như làn sóng phim mới, khi nhìn giới thượng lưu và chủ nghĩa tư bản ở góc độ khác, trào phúng hơn, hiện sinh hơn, xung đột cao trào hơn và căn tính con người được bộc lộ từ chính những tình huống chỉ có điện ảnh mới có thể tạo ra.

Khi bối cảnh thế giới hiện đại đến cùng với những khoảng cách cực điểm của giàu nghèo, điện ảnh cũng không thể nằm ngoài xu hướng nhận định xã hội. Và thế giới xa hoa sẽ mãi là nguồn sáng tạo vô tận cho nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng, cho người nghệ sĩ thỏa sức biểu đạt góc nhìn của họ và soi tỏ tầng lớp đầy kín đáo này trước đại chúng.