Bài: GS. Trịnh Sinh
Ảnh: Bá Ngọc, Jet Huynh, Le Bich, Tonkin
Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt chảy qua những miệt vườn trù phú.
Đồng bằng sông Cửu Long mang tên gọi thơ mộng là mảnh đất của 9 con rồng, nơi mà 9 dòng sông quấn quýt nhau đổ về biển tạo nên một vùng châu thổ màu mỡ phù sa, một “vựa lúa” lớn nhất nước. Đan vào 9 dòng sông này là chằng chịt kênh rạch tạo ra một hệ thống “đường nước” độc đáo kết nối các làng xóm, cánh đồng và vườn cây trĩu quả. Chính vì vậy mà vùng đất này được dân gian quen gọi là “miệt vườn”.
Từ đầu Công Nguyên đến thế kỷ 5 – 6, trên đất miệt vườn đã từng có vương quốc Phù Nam được thành lập trên nền tảng của nền văn minh Óc Eo (lấy tên địa điểm Óc Eo ở xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Sách Lương Thư còn chép lại: “Vùng đất này thấp mà bằng phẳng, có con sông lớn chảy ra biển mà sau đó được đặt tên là sông Cửu Long”. Vào thế kỷ 13, Châu Đạt Quan còn ghi lại chuyến đi thuyền ngược vào đoạn sông Tiền Giang, bấy giờ dân cư còn thưa thớt, cảnh vật hoang sơ: “Vào nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng bỏ hoang, không một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ cây đầy dẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tụ họp trong vùng này”.
Cho đến thời Nguyễn, chính sách di dân, khai hoang, lập ấp ở vùng miệt vườn phát triển. Nhu cầu kinh tế, giao thương đòi hỏi phải có nhiều “con đường nước” liên vùng bên cạnh nhu cầu điều hòa nước phục vụ trồng trọt và củng cố biên giới. Những kênh rạch chi chít vốn đã nhiều nhưng chưa đáp ứng nổi. Vì thế, triều đình đã tổ chức đào kênh. Vùng miệt vườn trù phú một phần là nhờ các con kênh đào.
Triều Nguyễn cử một viên tướng phụ trách đào kênh tên là Nguyễn Văn Thoại, còn được gọi là Thoại Ngọc Hầu. Ông đã chỉ huy đào con kênh vào năm 1818 dài hơn 30km nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với rạch Giá Khê (Rạch Giá). Hoàng đế Gia Long khi ấy đã ban thưởng cho ông bằng cách lấy tên ông đặt cho kênh (Thoại Hà), tên núi là Thoại Sơn (mà dân dã gọi là núi Sập). Xã Thoại Giang ngày nay vẫn nằm bên bờ con kênh ông đào năm xưa.
Nói đến sự nghiệp đào kênh của Thoại Ngọc Hầu, không thể không nói đến vợ ông, bà Châu Thị Vĩnh Tế. Bà là người miệt vườn, có công đốc thúc dân binh đào kênh ở vùng sông Hậu, An Giang. Bà được Hoàng đế Minh Mạng đã đặt lại tên núi sông theo tên bà như kênh Vĩnh Tế, núi Vĩnh Tế. Khi bà qua đời, tên bà lại được khắc vào Cao Đỉnh với dòng chữ “Vĩnh Tế Hà” (sông Vĩnh Tế). Đây là chiếc đỉnh lấy miếu hiệu của Hoàng đế đầu triều là Gia Long, to nhất và đẹp nhất trong số 9 cái đỉnh đồng.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi đôi dòng về con kênh Vĩnh Tế: “Sông đào dài 105 dặm rưỡi, tiếp với sông cũ đến cửa biển Hà Tiên, cộng 205 dặm rưỡi. Từ đấy đường sông mới thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”.
Về mặt kinh tế, kênh Vĩnh Tế đã đưa nước ngọt từ sông Tiền Giang để góp phần “thau chua, rửa mặn” vùng đồng bằng Thất Sơn, vùng Tứ giác Long Xuyên và góp phần ổn định đất đai vùng biên, giao thương quốc tế. Những con kênh đào kết nối với sông rạch tự nhiên đã tạo nên nhiều đô thị mới như Châu Đốc, Hà Tiên và giúp một vùng miệt vườn trù phú như câu ca dao:
“Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh”
Ngày nay, du lịch miệt vườn nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long. Về đây, không du khách nào quên được các “chợ nổi” độc đáo. Theo thống kê, số lượng chợ nổi ở Tiền Giang là 160, Bến Tre là 175, Đồng Tháp là 203, Trà Vinh là 110… Chợ nổi còn cung cấp cây trái và nhiều loài tôm, cá, sò, ốc ngon nổi tiếng chỉ có ở vùng nước lợ miệt vườn.
Đất miệt vườn luôn luôn được bồi đắp phù sa màu mỡ thích hợp với trồng lúa và trồng cây như sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, thanh long… xuất khẩu đi muôn nơi. Đây còn là nơi nhiều sông rạch nên có một dạng cầu đặc biệt: “cầu khỉ” được ghép lại từ vài cây gỗ tròn, thế mà nối được bao cuộc tình duyên thơ mộng.
Nhờ thiên nhiên ưu đãi, sông rạch nhiều mà người miệt vườn “dùng sức ít mà được lợi nhiều. Đất đai rộng, thức ăn nhiều” như sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại. Vì thế mà cuộc sống người dân có phần phóng khoáng, thích đàn hát. Họ ưa hát Cải lương và Đờn ca tài tử – một bộ môn nghệ thuật mà UNESCO đã công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại).
Những bài viết liên quan: