Ngô Minh
Chuyển dịch doanh thu di động từ dịch vụ thoại và sms sang data cho thấy một thị trường cạnh tranh khốc liệt nhưng vô cùng rộng lớn và linh hoạt.
Chị H. Thu (Đống Đa, Hà Nội) vẫn nhớ những ngày còn dùng 3G trên chiếc IPhone 3GS “thời thượng”. Với chị, “tiền điện thoại di động” khi đó đúng nghĩa là cước nghe gọi, nhắn tin. Lúc đó, dịch vụ data còn là một khái niệm rất sơ khai ở Việt Nam.
10 năm qua đi, khái niệm sơ khai ngày nào giờ đang tác động tới sự thay đổi “nồi cơm của ngành viễn thông di động” – cách báo chí hay dùng để gọi doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn sms.
Hơn cả một xu hướng
Cho tới cuối năm 2019, doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn sms vẫn chiếm tới 76,6%, trong khi dịch vụ data chỉ chiếm khoảng 23,4% doanh thu, theo thông tin của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, người dùng có thể thấy khác.
“Những gì thoại có thể làm; data có thể làm và làm tốt hơn, ví dụ như gọi điện thoại có hình. Những gì wifi có thể làm, data có thể làm và làm tốt hơn với đường truyền nhanh, ổn định hơn,” Trần Ngọc Sơn, giám đốc 1 khách sạn hơn 60 phòng ở Hà Nội, nhận xét. Là người làm trong ngành dịch vụ, có nhu cầu liên lạc cao, ông Sơn đã thấy hóa đơn điện thoại di động rơi từ mức khoảng 1.000.000VNĐ/tháng cho 2 số di động 10 năm trước xuống còn dưới 300.000 VNĐ/tháng. “Gần nửa trong số đó giờ dành cho dịch vụ data,” ông nói và cho biết thêm rằng hiện chỉ dùng dịch vụ thoại để trao đổi với những người lớn tuổi hoặc khi cần đảm bảo chất lượng thoại liên tục.
Theo số liệu từ Cục Viễn thông, số thuê bao di động có sử dụng dịch vụ data đã tăng thêm 8 triệu số trong 12 tháng gần đây, từ 56,5 triệu vào tháng 2/2019 lên 64,5 triệu vào tháng 2/2020. Theo đó, lượng thuê bao có phát sinh cước data đã tăng từ 43,6% lên 51,33% tổng số thuê bao trong 12 tháng gần nhất. Đáng chú ý, vào tháng 1/2019, lần đầu tiên kể từ khi các nhà mạng cung ứng dịch vụ 3G, số lượng thuê bao có phát sinh cước data đã vượt lượng thuê bao chỉ sử dụng thoại, tin nhắn. Theo đó, lượng thuê bao dùng data đạt 64,6 triệu thuê bao, trong khi lượng chỉ sử dụng thoại, tin nhắn là 60,8 triệu, giảm gần 3 triệu thuê bao so với thời điểm tháng 12/2019. Trong năm 2019, Việt Nam ghi nhận lưu lượng dịch vụ data đã có mức độ tăng trưởng gần 3 lần, bên cạnh doanh thu tăng trưởng 18,6%.
Dịch vụ data có quá nhiều ưu điểm vượt trội so với dịch vụ thoại và sms truyền thống: gửi tin nhắn qua OTT không bị giới hạn ký tự, có thể gửi kèm hình ảnh, video hoặc file dữ liệu, thực hiện cuộc gọi có hình. Quan trọng là … tất cả hoàn toàn miễn phí!
Thị trường khốc liệt nhưng vô hạn
Với doanh thu từ data chỉ mới chiếm 23,4% doanh thu di động và thấp hơn nhiều mức trung bình thế giới là hơn 43%, dư địa phát triển thị trường data còn rất lớn. Nơi đây trở thành “chiến địa” mới của các nhà mạng. Các nhà mạng đang đẩy mạnh cạnh tranh về độ phủ sóng, tốc độ truy cập và đặc biệt là giá cước. Việc 4G ra mắt với giá cước rẻ hơn cả công nghệ trước đó là 3G đã giúp Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có giá cước data rẻ nhất trên thế giới. Theo thống kê từ Cable.co.uk dựa trên giá cước 1 GB data tại 230 quốc gia và vùng lãnh thổ cuối năm 2018, giá cước 4G tại Việt Nam rẻ thứ 20 trên thế giới, ở mức 1,31USD/Gb dữ liệu.
Trong thực tế, mức giá này còn có thể thấp hơn. Có nhà mạng hiện đang bán ra sim data sử dụng 1 năm với dung lượng 5Gb/tháng ở mức chỉ 399.000VNĐ. Các cửa hàng bán điện thoại thông minh thậm chí còn chào bán ưu đãi loại sim này với mức chỉ 299.000VNĐ. Bên cạnh đó, việc nhân đôi, nhân ba dung lượng cho những gói sẵn có của các nhà mạng đã khiến cho mức giá thực tế có khi chỉ còn khoảng 9.000 – 10.000VNĐ/Gb. Cuộc chiến giá data giờ khốc liệt chẳng kém cuộc chiến giá dịch vụ thoại cách đây 10 năm.
Không chỉ cạnh tranh về giá, các nhà mạng cũng đang rất linh hoạt với dịch vụ data để tạo thói quen tiêu dùng mới cho khách hàng. Đó có thể là các gói cước “combo”, bao gồm cả nghe gọi, nhắn tin và dung lượng data, các gói dịch vụ data theo tháng, theo tuần…
Về độ phủ, Viettel, MobiFone hay Vinaphone lần lượt khẳng định độ phủ 4G đạt 99% lãnh thổ Việt Nam. Riêng Viettel, nhà mạng này đã thi công và lắp đặt 80.000 trạm phát sóng BTS 4G kể từ khi chính thức triển khai dịch vụ này tại Việt Nam vào nửa cuối năm 2015.
Các nhà quan sát cho rằng, trong ngắn hạn xu hướng chuyển dịch sang dịch vụ data có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu của viễn thông di động khi doanh thu các dịch vụ truyền thống giảm xuống mà doanh thu từ data không bù đắp được nhưng về lâu dài, xu hướng này sẽ có tác động tích cực bởi số dịch vụ, ứng dụng trên nền internet, sử dụng các kết nối không dây, trong đó có dịch vụ data, gần như là vô hạn.