Bài: Nguyệt Anh
Ảnh: Phạm Ngọc Thành
Trung thu đang đến rất gần, tôi chợt nhớ đến hình ảnh của những giỏ thiên nga bằng bông – món quà vẫn được mẹ mua cho lúc bé. Nghĩ là làm, tôi tìm đến phố Hàng Lược (Hoàn Kiếm – Hà Nội) hỏi thăm, không ai là không biết bà Vũ Thị Thanh Tâm – người duy nhất còn đam mê với những giỏ thiên nga bông truyền thống.
Tìm đến số nhà 79 Hàng Lược, đi dọc con ngõ nhỏ là đến được nhà bà Tâm. Thời gian này không khí trong nhà bà nhộn nhịp, khẩn trương và náo nhiệt hơn bao giờ hết. Bởi đây là thời gian cả nhà được “sống” lại với nghề cũ, được tìm về những kỷ niệm của thời xa xưa. Phố Hàng Lược, Hàng Mã xưa cũng có nhiều nhà làm thiên nga bằng bông, nhưng sau này cứ mai một dần. Với bà Tâm và gia đình, mỗi mùa trung thu, làm thiên nga bằng bông không chỉ để thỏa niềm đam mê mà còn là ước muốn để cho mâm cỗ trông trăng của các em nhỏ thêm đẹp và đủ đầy các sản phẩm thủ công truyền thống.
Trong trí nhớ của bà Tâm, ngày xưa trẻ em không có nhiều sự lựa chọn đồ chơi mỗi dịp trung thu, đứa trẻ nào được bố mẹ mua cho đèn ông sao, tàu thủy sắt, trống bỏi hay giỏ thiên nga bằng bông là đã sung sướng, đem đi khoe lũ bạn khắp xóm… Trung thu về cũng là dịp để bà Tâm ôn lại kỷ niệm lúc bé. Khoảng 10 tuổi, vốn khéo tay nên mấy chị em bà rủ nhau làm giỏ thiên nga bằng bông. Với ý định ban đầu làm cho vui, xong thấy giỏ thiên nga của chị em bà làm đẹp, các chủ hàng trên phố Hàng Mã, Hàng Lược tìm tới đặt mua – nghề đến với bà cũng từ lúc đó.
Nhìn những giỏ thiên nga bằng bông đơn giản, mỏng manh nhưng để làm ra nó đòi hỏi người nghệ nhân phải cần mẫn và tỉ mỉ tới từng chi tiết. Để cho ra đời những giỏ thiên nga bằng bông vào đúng dịp Trung thu, bà Tâm và gia đình phải mất đến hai tháng chuẩn bị. Bởi thế, mỗi mùa trung thu, gia đình bà Tâm chỉ ước tính làm khoảng 100 giỏ.
Công đoạn đầu tiên cũng là khó nhất là tạo hình thiên nga từ bìa, sau đó nhồi bông vào bên trong cho cứng. Tiếp đến là công đoạn làm thân thiên nga bằng dây thép rồi phủ bông lên các chi tiết. Việc phủ bông vô cùng quan trọng, nếu làm không khéo, vết bông sẽ sần sùi, rất xấu. Cuối cùng là công đoạn tạo hình sao cho chiếc cánh thiên nga phải có dáng cong, mềm mại, trông như đang bay…. Bí quyết giúp thiên nga bông thêm mượt và đẹp chính là dùng nước cơm vuốt lên.
Tất cả các công đoạn để hoàn thành giỏ thiên nga bằng bông đều phải làm thủ công, đòi hỏi sự dẻo dai và chính xác, người nóng tính không phù hợp với nghề này. Chính bởi thế, đây cũng là lý do không còn mấy người mặn mà với nghề cũ, công sức bỏ ra rất nhiều nhưng lợi nhuận đem lại không đáng bao nhiêu.
Rất “may” cho bà Tâm là cô con dâu và cháu gái cũng đam mê và theo nghề truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, mọi người trong nhà cũng có nỗi niềm riêng, vì gọi là nghề, nhưng một năm lại chỉ làm duy nhất một vụ vào những ngày cận rằm tháng Tám. Khách hàng mua thiên nga bông chủ yếu là những người lớn tuổi và những người hoài cổ. Với họ, mua thiên nga bông cũng là cách để nhớ lại thời thơ ấu đầy khó khăn nhưng tràn đầy niềm vui và háo hức mỗi dịp trung thu về. Trẻ con và thanh niên giờ không phải ai cũng mặn mà với đồ chơi truyền thống, vì thế, ngoài những giỏ thiên nga bằng bông, bà Tâm và gia đình còn làm thêm những giỏ gấu bằng bông, búp bê bằng bông – âu cũng là cách để “bắt kịp” với thời đại.
Với bà Tâm, dù là người duy nhất còn theo nghề cũ nhưng bà không bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình bỏ nghề. Bời ngày nào còn gắn bó với nghề là ngày đó bà còn được thỏa sức sáng tạo với niềm đam mê của mình.
Ngoài đường, tiếng trống của đội múa lân đang giục giã liên hồi, trung thu đến rất gần, chúc bà Tâm có thêm nhiều sức khỏe để hàng năm những giỏ thiên nga bằng bông vẫn sẽ còn xuất hiện trên phố như một cách nhắc nhở mọi người đừng quên những sản phẩm thủ công truyền thống của Hà Nội xưa.