Bài: Nguyệt Anh
Ảnh: Xuân Chính
Từ bao đời nay, cuộc sống của người dân Việt Nam vốn gắn liền với lúa gạo. Không biết đã có bao nhiêu món ăn ngon được bắt nguồn ra từ sản vật này. Ai cũng từng nghe đến bánh cuốn Phủ Lý (Hà Nam), bánh giầy Quán Gánh hay bánh tẻ làng Phú Nhi… Nhưng cháo Se, bánh Hòn (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 45 km) thì không phải ai cũng đã từng thưởng thức.
Hai món cháo Se và bánh Hòn vốn được các cụ trong làng nghĩ ra trong lúc khó khăn, là để chống đói. Lúc đầu, món ăn còn rất đơn sơ, nay đã được hoàn thiện để phù hợp với sở thích của người ăn bây giờ, nhưng về cơ bản vẫn giữ được “linh hồn” của món ăn khi xưa.
Nghe qua tên món ăn đã thấy lạ. Hỏi các cụ cao niên trong làng mới hay, món ăn có tên cháo Se là do quá trình làm. Trước tiên hãy nói đến công đoạn chọn gạo: gạo tẻ sau khi vo và xát được ngâm trong nước từ tám đến mười tiếng rồi đem xay. Đổ nước và bột vào phần gạo đã được nghiền mịn, tiếp tục nhào bột đến khi thấy bột dẻo thì được. Công đoạn tiếp theo và cũng là công đoạn quan trọng nhất, quyết định chất lượng của món ăn. Công đoạn này thường kén các mẹ hoặc các chị làm vì cần sự kiên nhẫn và khéo léo. Đặt bột trong lòng bàn tay vo đều, từ từ nhả bột để bột ướt dần chảy thành từng sợi nhỏ vào nồi cháo đang sôi. Bột xuống đến đâu sẽ chín đến đó, không bị chìm mà nổi trong nồi cháo. Tiếp tục đun nhỏ lửa và khoắng đều tay. Nếu ai là người con làng Hương Canh khi đi xa thì không thể quên hình ảnh các mẹ, các chị ngồi xung quanh nồi cháo, từ từ se bột để làm nên món ăn đậm đà hương vị quê hương.
Nước để nấu cháo cũng đóng vai trò quan trọng của món ăn này. Người làng Hương Canh rất kỹ lưỡng trong việc làm nước dùng: xương lợn sau khi ninh nhừ, vớt hết bọt cho đến khi nước trong là đạt. Phần thịt dính vào xương được lọc riêng cho vào cháo, tạo nên vị béo ngậy, thơm, ngọt. Thịt lợn thái dài như sợi chỉ hoặc chim câu băm nhỏ ướp gia vị, tiêu cùng nước mắm ngon (tùy vào sở thích và thói quen của từng nhà). Tất cả hỗn hợp đó được xào lên trước khi cho vào nồi nước đang sôi.
Chỉ đơn giản là thế mà khi cháo chín, hương thơm của món ăn làm kích thích tất cả các giác quan, vị thơm của gạo, vị béo của xương ninh, vị ngọt mềm của thịt lợn băm nhuyễn xào hành… tất cả hòa quyện vào bát cháo làm cho thực khách khi ăn rồi sẽ nhớ mãi không quên. Cái đặc biệt của món ăn là cháo nhưng không dùng thìa mà lại dùng đũa, khi ăn, gắp từng con se lên, sau đó từ từ húp nước, một cảm giác mát và sảng khoái đến lạ.
Món cháo Se là thế, còn bánh Hòn thì sao? Gạo làm bánh Hòn phải là thứ gạo tẻ ngon, bột mịn đã rây kỹ được vẩy nước cho đủ độ ẩm, đem hấp cho chín đều. Nhào nặn bột đến khi cầm viên bột có thể kéo dài ra không bị đứt là đạt tiêu chuẩn. Từng hòn bột nhỉnh hơn quả ổi Găng được nặn mỏng. Nhân bánh gồm: hành hoa, mỡ lợn, mộc nhĩ, nấm hương, thịt lợn thái chỉ. Dưới bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị, món bánh dần được hoàn thiện: nhân được đặt ở giữa, bột được nặn khum khum hình chiếc chén hạt mít, vuốt kín, xếp vào nồi, đun nhỏ lửa đến khi bánh có mùi thơm, mở vung thấy những hòn bánh ngả sang màu trắng trong, nhìn thấy cả nhân là bánh chín.
Xưa bánh Hòn được các mẹ, các chị đặt vào thúng có lót lá chuối khô để giữ nóng, nay bánh được cho vào các thùng giữ nhiệt để đem ra chợ bán. Ăn bánh Hòn cũng lại là một điều cần phải nhắc tới. Có 2 cách ăn: người ta có thể cầm từng chiếc bánh trên tay chấm cùng nước mắm pha cùng dấm, đường, tỏi, ớt… Nhưng cách ăn được người dân địa phương thích hơn cả là ăn cùng cháo Se, nhúng chiếc bánh vào bát cháo đang nóng hổi, từ từ cắn đôi chiếc bánh và cảm nhận, thật không gì bằng.
Đến Hương Canh, bạn có thể bắt gặp hình ảnh của người dân nơi đây đang thưởng thức cháo Se, bánh Hòn. Hai món ăn này có thể ăn mọi nơi, mọi lúc và buổi nào cũng được. Thậm chí, cháo Se bánh Hòn còn được ăn trong các đám cưới như một cách để giới thiệu đặc sản địa phương.
Vào ngày 9/4 âm lịch hàng năm (ngày giỗ chung của cả làng), người dân làng Hương Canh lại làm mâm cháo Se, bánh Hòn trước là để cúng tổ tiên, sau là cùng nhau thưởng thức để nhớ lại những ngày tháng gian khổ mà đầy ắp kỷ niệm.