Haipiano Nguyen
Để đến với Lùng Tám – Hà Giang, xe chúng tôi khó nhọc leo qua những con đèo khúc khuỷu của “cổng trời” Quản Bạ, xuôi xuống thung lũng nhỏ bao bọc bởi những chóp núi cao mây phủ là ngôi làng nhỏ nằm ẩn mình bên sông Miện. Ngôi làng này đã trở thành một hợp tác xã dệt lanh mà những hoa văn nhuộm chàm truyền thống H’Mông được xuất khẩu sang nhiều nước.
Đi loanh quanh trong làng đến một ngôi nhà đang có mùi hương sáp ong nấu ở cửa, chúng tôi xin phép vào thăm thì gặp cô Vàng Thị Mai đang nói chuyện với một cụ già. Cụ đang chấm bút vào sáp ong nóng, kẻ thật khéo những đường thẳng trên vải. Cô Mai kể về công đoạn vẽ sáp ong, trong 41 công đoạn dệt lanh thì đây là công đoạn được xem như làm nên hồn cốt tấm vải lanh với bút vẽ đặc chủng có ngòi là miếng đồng dẹt. Thời gian vẽ thành một chiếc váy in hoa văn đủ sắc thường là cả tháng, thậm chí có khi vài tháng… Và, cụ già này chính là người nắm giữ tinh hoa của làng nghề: nghệ nhân Sùng Thị Cờ, năm ấy cụ đã 94 tuổi với bàn tay gầy guộc nhưng thật khéo léo. Cô Mai nói rằng thật may mắn Lùng Tám không bị thất truyền nghề dệt lanh vì có các nghệ nhân cao tuổi như cụ Sùng Thị Cờ, cụ Giàng Thị Mỉ đã truyền lại những kinh nghiệm quý báu cho dân làng.
Để làm nên một mảnh vải lanh, cây lanh được thu hái sau 3 tháng trồng từ những khu vực cheo leo ven núi. Sau khi ngâm, vỏ cây lanh được tách thành từng sợi nhỏ, mỏng. Đôi tay người phụ nữ H’Mông rất khéo léo để xử lý sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Nguyên liệu này tiếp tục được cuộn chặt lại rồi cho vào cối giã đánh bong hết bột, chỉ còn trơ lại sợi dai, rồi chúng được cuộn lại thành những con sợi lớn. Thêm vài lần luộc với nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, những sợi lanh trắng và mềm hơn. Lúc đó những phụ nữ làng Lùng Tám mới bắt đầu ngồi vào khung dệt.
Một công đoạn khá thú vị sau khi dệt là lăn vải. Tôi rất ấn tượng hình ảnh cô gái H’Mông khỏe mạnh đứng trên phiến đá để lăn miếng vải mới dệt. Cô ấy đặt miếng vải lên khúc gỗ tròn, lấy phiến đá đặt lên trục gỗ rồi đứng trên phiến đá, vịn hai tay vào tường, di chuyển người liên tục làm cục gỗ chuyển động lăn đi lăn lại ép xuống miếng vải lanh… Thao tác ấy có tác dụng làm cho sợi mềm, bóng, các đầu nối sợi mỏng ra và phẳng, không lộ ra các mối nối.
Người Lùng Tám còn sở hữu kỹ thuật thủ công nhuộm chàm khó có nơi nào sánh được. Nhuộm chàm là một phương pháp mất nhiều công sức và cần có tính kiên nhẫn. Để có một màu chàm đen như mong muốn thì mảnh vải phải được nhuộm nhiều lần trong khoảng vài ngày. Vải được ngâm trong dung dịch chàm chừng một giờ đồng hồ, sau đó mới vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp, cứ thế lặp lại tới năm, sáu lần mới đem vải ra phơi. Đợi khi mảnh vải khô rồi lại mang vào ngâm tiếp, khoảng gần chục lần. Việc ngâm cho vải lên nước đen bóng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Khi có nắng mỗi mảnh vải chỉ cần vài ngày là có thể nhuộm xong; còn trời mưa, có khi mất tới hai tháng. Nguyên liệu tạo nên những màu sắc hoa văn trên vải đều lấy từ cỏ cây hoa lá tự nhiên, cùng với khâu xử lý rất kỳ công nên luôn giữ được màu sắc bền, cho cảm giác tươi mới. Đây chính là điều giá trị từ những sản phẩm của làng Lùng Tám. Những hoa văn còn được thêu tay theo những thiết kế mà khách hàng châu Âu tư vấn, giúp thổ cẩm lanh Lùng Tám đẹp hơn, hiện đại hơn.
Trong 3 năm: 2008, 2010 và 2011, cô Vàng Thị Mai đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mời tham dự Hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu. Cũng bắt đầu từ đây, những tấm vải lanh đầu tiên của người H’Mong tại Hà Giang bắt đầu vươn ra thế giới và được tiêu thụ ở nhiều nước như Ý, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ…
Theo quan niệm tâm linh của người H’Mông, họ tin rằng vải lanh chính là chiếc cầu nối giữa con người và thế giới bên kia. Nay ở thời hiện đại, những sợi lanh đã kết nối con người vùng sâu ven sông Miện này với miền xuôi, và xa hơn nữa, với những dân tộc khác nhau ở nhiều châu lục trên thế giới.