Trúc Lâm
Đã hơn 1 năm nay, chợ phiên đồ cổ Vạn Phúc đã trở thành điểm du ngoạn đầy lý thú với nhiều người, là nơi giao lưu của giới chơi đồ cổ. Độc đáo hơn khi chợ họp ngay tại đầu làng Vạn Phúc, ngôi làng cổ nghìn năm tuổi nổi danh với nghề dệt lụa và những sản phẩm lụa, the, sa, đũi… Trước đây, du khách nước ngoài khi tới thăm Vạn Phúc chỉ ghé các cửa hàng chọn mua đồ lụa, thăm xưởng dệt có khung cửi gỗ, xem quy trình nuôi tằm xe sợi thì giờ đây lại có thêm thú dạo xem đồ cổ. Trong khu chợ này, có thể bắt gặp những chiếc lọ, bình gốm sứ có tuổi hàng trăm năm, tìm thấy những chiếc đồng hồ Odo, Westminster có tiếng chuông ngân nga, và vô số vật dụng đã chất chứa trong mình biết bao câu chuyện lịch sử.
Chợ đồ cổ Vạn Phúc họp theo phiên vào các ngày 5, 10, 15, 20 âm lịch hàng tháng, tập hợp về rất nhiều người mua bán đồ cổ, đa phần sinh sống trong khu vực Hà Nội và vài tỉnh lân cận. Trước đây, đã từng có những buổi họp chợ đồ cổ tại khuôn viên Bảo tàng Hà Nội vào các sáng Chủ nhật, song do cách thức tổ chức mà mô hình kéo dài không được lâu. Thay thế vào đó là hình thái chợ phiên theo kiểu làng quê xưa, rất nhộn nhịp bởi người mua kẻ bán quần tụ trên khoảng sân trước làng, hình như ai cũng biết nhau theo đúng lối giao du ở vùng nông thôn Bắc Bộ. Ngoài đồ cổ có giá trị cao, người chơi chợ còn bắt gặp những món kỷ vật thời chiến như mũ, dây lưng, bi-đông nước cũng như các vật dụng thời bao cấp như tem phiếu, sách truyện cũ, đèn dầu. Biết bao câu chuyện cảm động đã diễn ra trong phiên chợ này khi những người lớn tuổi tìm thấy chiếc quạt cổ giống xưa kia họ đã dùng, những người tỉnh xa tìm mua được món đồ hàng chục năm trước đã từng gắn bó với thời trai trẻ.
Để có thể hình thành nên phiên chợ độc đáo này đòi hỏi sự đồng lòng của nhiều người, trong đó có lẽ quan trọng nhất là nỗ lực của anh Bạch Vi Thiện, chủ tịch Câu lạc bộ cổ vật Hà Đông. Xuất phát từ nhu cầu thu hút du lịch và gìn giữ văn hóa cho quê hương, anh đã kêu gọi anh em sưu tập trong vùng chung tay xây dựng một sân chơi chung, hàng kỳ mang đồ tới, vừa mua bán trao đổi, vừa giao lưu văn hóa. Chơi đồ cổ không chỉ là mua đi bán lại, đó là một quá trình học hỏi, từ việc phân định niên đại, chất liệu cho tới những bài học về lịch sử. Tiếp cận một món đồ, người chơi luôn cố tìm hiểu về môi trường văn hóa, điều kiện kinh tế xã hội, bối cảnh lịch sử của thời đó, có như vậy mới thấm và hiểu những giá trị cổ xưa được lưu giữ trong men, cốt, trong từng nét chạm khảm. Vốn là một doanh nhân thành đạt với thương hiệu lốp xe Dân Chủ khá nổi tiếng, Bạch Vi Thiện cũng say mê cổ vật từ xưa. Tích cóp từng món đồ, tìm hiểu từ gốm sứ cho tới đồ gỗ khảm trai, hiện anh có bộ sưu tập khá giá trị. Vừa duy trì công việc của Dân Chủ, vừa đảm đương vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ cổ vật, anh dồn mọi tâm huyết cho sự phát triển chung của vùng quê lụa tươi đẹp này.
Đó cũng là ước vọng của đại đa số người dân trên mảnh đất cổ Vạn Phúc. Đành rằng sự phát triển kinh tế tại đây có thể khiến nhiều nơi phải ghen tỵ, song quá trình đô thị hóa quá nhanh đã biến làng cổ thành phố, nền tảng văn hóa truyền thống bị mai một. Chỉ có thể thông qua các hoạt động văn hóa mới có thể gìn giữ bản sắc tốt đẹp xưa, do đó phiên chợ đồ cổ Vạn Phúc từ ngày khai trương tới nay đã góp phần thu hút du khách tới thăm, tạo môi trường lành mạnh cho những ai ham muốn tìm về nguồn cội văn hóa, qua các món đồ xưa mà cảm nhận được vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Dạo quanh các sạp hàng, ngắm nghía dáng thô mộc của những chiếc bình vôi, cảm nhận chất men của những chiếc bình đời Trần, vẻ đẹp của men đời Lý, rồi nâng niu trên tay các món đồ trang sức bằng mã não, bích ngọc… để hoài niệm về những thời kỳ huy hoàng cũng như biết bao gian khó của đất nước trong quá khứ, thú vui đó đã mê hoặc nhiều người tìm về vào mỗi ngày phiên. Chơi đồ xưa để hiểu biết thêm việc ngày nay, gìn giữ nét đẹp quá khứ để tạo ra cho tương lai những niềm vui mới, đó là món quà tinh thần quý báu mà mỗi tuần khách phương xa tới Vạn Phúc tìm được cho mình.