Bài: Nam Anh
Ảnh: Thành Thế Vinh
“Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng” vốn là một lẽ tự nhiên trong chu kỳ của cuộc sống. Tuy nhiên, phong tục cưới mỗi nơi sẽ mang những nét riêng, tạo nên bức tranh bản sắc đa dạng và phong phú. Hãy hòa cùng hành trình đến Mường Khương (Lào Cai) của Heritage kỳ này để thưởng thức những nét tươi mới trong đám cưới của người dân tộc Phù Lá.
Cũng giống như người Kinh, trai gái dân tộc Phù Lá đến tuổi trưởng thành được tự do yêu đương, không bị cha mẹ ép hôn. Tuy nhiên, khác với miền xuôi, khi người con gái đã ưng thuận thì người con trai có thể ngủ lại nhà cô gái. Sau đó chàng trai về nhà và xin ý kiến của bố mẹ, nếu đồng ý thì bố mẹ của chàng trai sẽ mời ông mối đến thưa chuyện. Nếu như người miền xuôi có lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi rồi đến lễ cưới thì người Phù Lá lại có những phong tục rất riêng. Đám cưới người Phù Lá diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu là nghi thức nộp lễ vật: theo tục lệ cổ truyền, nhà trai sẽ mang đến nhà gái hơn một trăm cân thịt lợn, một trăm lít rượu, bốn mươi cân gạo, bốn mươi cân đậu tương, bảy bộ quần áo, hai dây chuyền bạc, hai chỉ vàng cùng một số vật dụng khác. Theo truyền thống của người Phù Lá, khi nhà trai mang đồ lễ tới thì phía bên nhà gái sẽ té nước với mong muốn hai vợ chồng hạnh phúc và “mưa thuận gió hòa”. Ngày tiếp theo, đám cưới được tổ chức tại nhà gái: đoàn đón dâu của nhà trai gồm chín người, trong đó có hai ông bà mối, hai người thợ kèn, cùng em trai chú rể và những người bạn của chú rể sẽ dắt ngựa đi đón dâu. Đoàn nhà trai sẽ ngủ lại nhà gái để trao đổi, tâm sự. Ngày cuối, gia đình nhà gái sẽ chuẩn bị một mâm cỗ mời đoàn nhà trai ăn uống rồi làm thủ tục xin dâu. Đến giờ tốt, bà mối sẽ dắt cô dâu ra chào bố mẹ, ông bà cùng toàn thể gia đình hai bên trước khi lên đường về nhà trai. Sau đó anh trai cô dâu sẽ cõng cô dâu lên yên ngựa để em trai chú rể dắt ngựa đón chị dâu mới về nhà.
Với người miền xuôi, xưa là tiếng pháo, nay là pháo giấy sẽ góp vui trong đám cưới thì người Phù Lá lấy tiếng kèn Pí Lè để thổi trong ngày trọng đại của đôi trẻ. Người Phù Lá luôn thổi hai kèn với các bài chỉ sử dụng cho lễ cưới, gồm: bài kèn trên đường đi đón dâu, đến nhà cô dâu và các bài kèn đưa cô dâu ra khỏi cửa và đón dâu về nhà. Với quan niệm lễ cưới được tổ chức để kết duyên cho đôi nam nữ về sống bên nhau, nên tiếng kèn trong lễ cưới cũng phải là tiếng kèn đôi thể hiện sự đồng điệu, lúc rộn ràng, tưng bừng, lúc buồn da diết như diễn biến tâm lý của cô dâu trước khi về nhà chồng. Trên đường sang nhà gái rước dâu và lúc đưa dâu về nhà, đội kèn luôn đi trước để dẫn đầu đoàn rước dâu với ý nghĩa xua đi mọi sự cản trở trên đường để cô dâu về nhà chồng trong sự may mắn, bình an.
Một nghi lễ đặc biệt quan trọng được diễn ra tại nhà trai vào đêm trước ngày đón dâu là lễ trao tơ hồng. Đây có lẽ là nét khác biệt nổi trội trong đám cưới của người Phù Lá so với người Kinh. Nghi lễ này được tổ chức trước sự chứng kiến của tất cả các thành viên trong gia đình và của phù rể. Người đầu tiên trao tơ hồng là mẹ chú rể, sau đó phù rể sẽ trực tiếp đeo dải tơ hồng cho chú rể kèm theo lời chúc. Trong mỗi dải tơ hồng đều có một túi lì xì, phù rể sẽ lấy lần lượt những túi lì xì này đặt lên bàn thờ tổ tiên. Ý nghĩa của phong tục này chính là giáo dục ý thức hôn nhân cho những người trẻ, tạo sợi dây gắn kết hạnh phúc lâu bền trong hôn nhân.
Sau lễ trao tơ hồng, gia đình nhà trai sẽ chuẩn bị mâm rượu chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Mâm tiệc rượu có chú rể và phù rể cùng ngồi với những người bạn, bao gồm tám nam thanh niên. Đó không chỉ thể hiện tình đoàn kết, tình bạn mà còn mang ý nghĩa cùng chúc cho chú rể, cô dâu có cuộc sống hạnh phúc.
Nếu có dịp đến Mường Khương – Lào Cai, hãy thử một lần ghé bản để khám phá, tìm hiểu nghi lễ, phong tục cưới hỏi của người Phù Lá. Hy vọng người dân nơi đây sẽ gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý giá này.