Bài: Elka Ray
Ảnh: Lucia Baragli, Hitoshi Hayashi, Chris Love

Nhân dịp Tết Nguyên đán, Tạp chí Heritage đã có cuộc gặp gỡ với họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando, người đã có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, chuyên sáng tác trên chất liệu sơn mài tự nhiên của Việt Nam.

Họa sĩ Saeko Ando tại xưởng tranh của mình ở Hội An

Heritage: Xin chào họa sĩ Saeko Ando. Được biết chị đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm. Chị có thể cho biết cơ duyên nào đưa chị đến với tranh sơn mài không?    

Saeko Ando: Năm 1996, một người bạn đưa tôi tới xưởng tranh Hà Nội của họa sĩ tranh sơn mài Trịnh Tuân. Tôi mê mẩn kĩ thuật của anh ấy và xin phép được tìm hiểu. Anh ấy nói: “Được thôi, ngày mai chúng ta bắt đầu nhé!”. Tôi đã không thể tin điều ấy. Ở Nhật, bạn phải xin thầy suốt nhiều tuần liền thì may chăng họ mới thu nhận.

Heritage: Tính đến giờ, chị đã sử dụng chất liệu sơn ta hay sơn tự nhiên lấy từ cây sơn được trồng ở tỉnh Phú Thọ suốt 25 năm? Tranh của chị đã thay đổi như thế nào trong khoảng thời gian đó?

Saeko Ando: Mới đầu, tôi chỉ muốn học các kĩ thuật riêng có ở Việt Nam. Tôi yêu động vật và thường chú trọng vào kĩ thuật khi vẽ chúng. Đến giờ thì tôi lại quan tâm tới chi tiết hơn. Chẳng hạn như khi ngắm con công, tôi bị thu hút bởi chân và mỏ của nó. Tôi muốn dùng sơn ta và các chất liệu khác để tái hiện những hình dáng và màu sắc tuyệt vời đó của tự nhiên. Tôi quan sát vạn vật trong thiên nhiên và cảm nhận năng lượng của chúng. Hiện tại, tôi đã đủ tự tin để biết bước tiếp theo nên làm gì, nhờ đó tôi có thể thoải mái thử nghiệm.

Tác phẩm "Giữa ánh sáng và bóng tối", 2016

Heritage: Vậỵ chất liệu sơn mài có điểm gì đặc biệt?

Saeko Ando: Với đa số các chất liệu như sơn dầu hoặc màu nước, bạn phải vẽ bức tranh toàn cảnh trước rồi mới đi vào chi tiết. Còn sơn mài thì ngược lại. Bạn phải dự tính trước và ghi nhớ từng bước. Vẽ tranh sơn mài giống như trò chơi trí tuệ.  Đó là sự kết hợp giữa khoa học và mỹ thuật. Sơn ta là chất liệu sống chứa các enzyme và phản ứng với nhiệt độ, độ ẩm, các chất liệu khác và tác động của họa sĩ. Nhiều lúc tôi thấy mình giống nhà khoa học đang phát minh ra thứ gì đó thì đúng hơn.

Mặc dù sơn ta được dùng trong sản xuất đồ thủ công hàng trăm năm qua nhưng tranh sơn mài lại là hình thức nghệ thuật hiện đại, mới ra đời từ những năm 1930. So với các chất liệu lâu đời như sơn dầu thì đây không phải “nghệ thuật truyền thống” mà là nghệ thuật cách tân đương đại đang phát triển rất nhanh.

Tác phẩm "Bông tuyết thiên hà", 2016

Heritage: Vậy khi sử dụng chất liệu sơn ta, chị thường gặp những khó khăn gì?

Saeko Ando: Ngày càng có nhiều họa sĩ và các nghệ nhân chuyển sang dùng chất liệu sơn tổng hợp vì dễ kiểm soát hơn. Vì thế, nhu cầu đối với sơn ta cũng giảm đi. Nhiều nông dân ở Phú Thọ đã chặt cây sơn, hoặc do khó khăn về tài chính, họ buộc phải khai thác nhựa sơn từ cây chưa trưởng thành. Rất ít người trẻ theo nghề này vì học vừa lâu, vừa khó lại được trả công rất thấp.

Tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều người biết sơn mài sơn ta của Việt Nam đặc biệt như thế nào và ủng hộ các họa sĩ, nghệ nhân sử dụng sơn ta Việt Nam. Tôi đã khởi xướng một dự án nhỏ có tên là “Hạt mầm sơn mài” (Lacquer Seeds) để dạy nghề cho thanh niên tại xưởng vẽ ở Hội An .

Sơn sống đẹp ngày càng khó kiếm

Heritage: Chị nghĩ sao về dịp Tết Nguyên đán đang tới gần?

Saeko Ando: Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới tất cả. Tôi rất lạc quan và cố gắng coi đây là dịp để chúng ta chiêm nghiệm về cuộc sống và thay đổi theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, mọi người đều đang dần kiệt sức.

Trong tiếng Nhật, ốm đau, bệnh tật gọi là “byo ki” (bệnh khí). Sức khỏe hay tinh thần tốt gọi là “gen ki” (nguyên khí), “khí” nghĩa là “không khí”, “hơi thở”, “tinh thần”. Chúng ta đang rất cần “khí” sạch. Tết Nguyên đán chính là cơ hội tuyệt vời để tất cả thay đổi “khí” của mình.

Tác phẩm "Màu sắc sức sống", 2017

Heritage: Mong muốn của chị trong năm 2021 là gì?

Saeko Ando: Vẽ tranh sơn mài là phương tiện tôi để giải phóng tâm hồn và kết nối với vũ trụ. Đó là lúc tôi cảm thấy tĩnh tâm, vui vẻ và tràn đầy năng lượng nhất. Vì vậy, tôi coi trọng quá trình sáng tạo hơn là tác phẩm đã hoàn thành. Tuy nhiên, đại dịch đã thay đổi tất cả.

Gần đây, tôi nhận được email cảm ơn của người quản lý một bảo tàng nghệ thuật lớn ở London. Bà ấy nói vì làm việc trong môi trường nghệ thuật nên không bao giờ treo tranh ở nhà. Thế nhưng, bà lại bị thôi thúc phải mua bức tranh “Bông tuyết thiên hà” của tôi. Thư bà gửi có đoạn viết: “khả năng truyền cảm của chất liệu sơn tự nhiên đã hàn gắn tâm hồn tôi”.

Tôi nhận ra rằng, có thể dùng sơn mài để truyền tải cảm xúc của mình tới người khác. Tôi thật may mắn được sống giữa thiên nhiên và cảm nhận năng lượng của tự nhiên. Bước sang năm 2021, tôi hi vọng có thể sử dụng chất liệu sơn ta để kết nối mọi tâm hồn, chia sẻ nguồn năng lượng tích cực cùng nhau vượt qua khó khăn.