Bài: Phạm Minh Quân

Trong hội họa, các họa sĩ có vô vàn cách để thể hiện tình yêu qua cây cọ vẽ của mình.

Francesco Hayez, Nụ hôn, 1859

Ái tình có lẽ là đề tài muôn thuở và bất hủ nhất trong nghệ thuật. Bởi tự thân sáng tạo nghệ thuật, vô hình trung đều khởi phát từ một loại tình yêu, đó là tình yêu đối với nghệ thuật. Yêu, cho dù mang đến hạnh phúc thăng hoa (“Hạnh phúc tối thượng trong đời là niềm tin chúng ta được yêu” – đại văn hào Pháp Victor Hugo), hay khắc khoải cùng cực (“Yêu, là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?” – Xuân Diệu), luôn là men say cảm hứng bất tận đối với người nghệ sĩ. Và trong hội họa, các họa sĩ cũng có vô vàn cách khác nhau để thể hiện tình yêu qua cọ vẽ của mình.

Suzuki Harunobu, Đôi tình nhân dưới ô trong tuyết, 1762–1772

Nhắc đến tình yêu, không thể không nhắc tới hôn nhân. Tuy nhiên, khi so sánh với tình yêu, thì dường như đề tài hôn nhân xuất hiện ít hơn trong hội họa. Hôn nhân, theo quan niệm phổ biến, là trái ngọt của tình yêu, sự tự nguyện gắn kết của hai con người để xa lánh khỏi tình trạng cô độc. Song, đối với những người theo chủ nghĩa tình yêu tự do (free love) bắt đầu từ thế kỷ XIX, hôn nhân lại giống như “nấm mồ của tình yêu,” một thứ khế ước ràng buộc đòi hỏi được hai bên tuân thủ. Sự đảo chiều quan niệm này cũng phần nào lý giải tại sao các họa sĩ hiện đại lại ưa thể hiện tình yêu đôi lứa hơn là đặc tả đám cưới.

Rembrandt, Cô dâu Do Thái, 1665–1669

Thoáng nhìn lại lịch sử hội họa thế giới, có một điều lý thú là một trong những bức tranh sớm nhất về đề tài tình yêu đôi lứa lại mô tả… một đám cưới. Đó là kiệt tác sơn dầu Đám cưới Arnolfini vẽ năm 1434 của họa sĩ Phục hưng phương Bắc Jan van Eyck. Trong bức tranh, hạnh phúc viên mãn và lời thề cam kết của cặp đôi được thể hiện qua hành động cầm tay, sau này trở thành một mô-típ phổ biến, như được thấy ở tác phẩm Lùm cây kim ngân (vẽ năm 1609) của danh họa Baroque Peter Paul Rubens tự họa vợ chồng mình, hay Cô dâu Do Thái (vẽ khoảng 1665–1669) của danh họa thời Hoàng kim Hà Lan Rembrandt.

Henri de Toulouse-Lautrec, Nụ hôn trên giường, 1892

Họa sĩ Phục hưng Hà Lan thế kỷ XVI Pieter Bruegel Cha, vốn nổi tiếng với các tác phẩm miêu tả đời sống sinh hoạt của nông dân, lại chọn khắc họa một đám cưới nông thôn châu Âu điển hình, qua hai bức họa Vũ điệu đám cưới (1566) và Đám cưới nông dân (1567). Ở chúng, hiện lên một đám cưới miền thôn dã đầy nét thô mộc, chất phác, nhưng cũng mang đậm tính hội hè miên man.

Bộ tranh Tiến triển của tình yêu của họa sĩ người Pháp theo phong cách Rococo Jean-Honoré Fragonard là một trong những sự mô tả và khơi gợi tình yêu độc đáo nhất trong lịch sử hội họa châu Âu. Như tên gọi, loạt bốn bức tranh hoa tình được vẽ trong giai đoạn 2 năm 1771–1772, mô tả bốn giai đoạn của tình yêu: tương tư (cô gái mơ màng về chàng trai), gặp gỡ (đôi tình nhân trèo qua tường để gặp nhau), hôn ước (cô gái đội tràng hoa lên đầu người yêu) và tận hưởng hạnh phúc (đọc thư tình).

Rene Magritte, Tình nhân, 1928

Khác với lối biểu đạt tình yêu một cách nồng nhiệt của phương Tây, nghệ thuật Nhật Bản lại có một mỹ cảm đặc thù trước nỗi buồn đẹp đẽ của sự cô đơn và tình yêu không có hậu, hay quan niệm yêu tức là cô độc. Sự bi ai trầm mặc đặc trưng này được thể hiện qua bức tranh Phù thế (ukiyo-e) của họa sĩ tranh khắc gỗ Nhật Bản Suzuki Harunobu mang tên Đôi tình nhân dưới ô trong tuyết (vẽ khoảng 1762–1772).

Nụ hôn trong hội họa, còn hơn cả một nụ hôn thông thường. Nụ hôn là biểu tượng vĩnh cửu của tình yêu. Thứ ngôn ngữ tình yêu phổ quát này hiện diện trong mọi trường phái: từ Lãng mạn với Nụ hôn (1859) của Francesco Hayez, Hậu Ấn tượng với Nụ hôn trên giường (1892) của Henri de Toulouse-Lautrec, sang Tượng trưng với Nụ hôn (1897) của Edvard Munch và Nụ hôn (1908) của Gustav Klimt, cho tới Lập thể và Biểu hiện với Sinh nhật (1915) của Marc Chagall và Siêu thực với Tình nhân (1928) của Rene Magritte.

Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyệt ước, 1987

Ở Việt Nam, do phần nhiều ảnh hưởng Nho giáo, nên tình yêu và hôn nhân, vốn gắn liền với con người cá nhân, riêng tư, cũng xuất hiện một cách dè dặt, không chỉ ở hội họa nói riêng mà trong toàn bộ đời sống văn học nghệ thuật trung đại – cận hiện đại nói chung. Có lẽ dễ nhận diện nhất là bức tranh dân gian Đông Hồ Đám cưới chuột, nhưng bản thân nó cũng chỉ là một phản ánh phong tục, và sâu xa hơn là một ẩn dụ đả kích trật tự xã hội phong kiến xưa cũ. Hoặc trực diện hơn, là tái hiện mối tình kinh điển Thúy Kiều – Kim Trọng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, như ở các tác phẩm Kim Vân Kiều (khoảng 1932–1935) của Lê Phổ, Nơi hẹn hò (1969) của Vũ Cao Đàm, hay Nguyệt ước (1987) của Nguyễn Tư Nghiêm.

Giờ đây, đề tài tình yêu được các họa sĩ, đặc biệt là các họa sĩ trẻ, tự do sáng tạo, với đa dạng chất liệu và phương tiện thể hiện khác nhau. Mỗi người lại vẽ lên một câu chuyện tình, nhưng quan trọng hơn, của riêng mình.