Bài: Trân Huyền
Đến thăm Hong Kong nhân một chuyến công tác, tôi quyết định sẽ dành thời gian để đi theo “dấu chân Đặng Huy Trứ”, người được cử sang Hong Kong vào năm 1865 để thực thi công vụ do triều Nguyễn giao phó ở khu Hạ Hoàn.
Khu Hạ Hoàn ngày xưa chính là quận Wan Chai ngày nay, nằm ở phía bắc đảo Hong Kong. Khi đến Wan Chai, tôi mới hay đây là nơi sầm uất nhất nhì Hong Kong, được coi là “Trái tim của thành phố”, với hàng trăm tòa nhà chọc trời, nhà hàng, quán bar, trung tâm hội nghị, công viên, khu dã ngoại, và cả một bến cảng, từng là công xưởng đóng tàu lớn nhất Hong Kong thuở trước.
Tôi dành trọn một ngày để tham quan Wan Chai. Đầu tiên là Trung tâm hội nghị triển lãm Hong Kong, tòa kiến trúc hiện đại nằm ngay cạnh bờ biển, khiến tôi liên tưởng tới kiến trúc Nhà hát Opera ở Sydney, Úc. Ngay chính giữa sảnh của Trung tâm hội nghị là bông hoa dương tử kinh, nhìn như một ngọn đuốc sáng. Nơi đây diễn ra triển lãm – hội chợ quanh năm, nổi tiếng nhất là hội chợ sách, hội chợ trang sức và đặc biệt là hội chợ truyện tranh thu hút cộng đồng đam mê “comic book” (truyện tranh) trên toàn châu Á tìm về hàng năm.
Wan Chai còn có một con đường đi dạo lừng danh, gọi là “con đường Di sản” (Heritage trail), được khánh thành vào năm 2009. Để đi bộ hết khu phố phải mất đến hai giờ đồng hồ, nhưng tôi đã dành nhiều thời gian hơn thế để khám phá hết các khu kiến trúc và văn hóa tại đây. Khu kiến trúc có những điểm dừng nổi tiếng như tòa nhà “Blue House” (chung cư nhà Xanh) – một trong những công trình kiến trúc cổ còn lại ở Hong Kong, chợ trời Wan Chai và phố trên cao Nam Koo. Còn cung đường văn hóa thì có các kiến trúc cổ của cả thời quân chủ và thời thuộc địa, xen lẫn với các kiến trúc hiện đại với các điểm nhấn là đền Pak Tai, đền Hung Sing và bưu cục Wan Chai. Trong số đó, Pak Tai là ngôi đền lớn nhất trên đảo Hong Kong, được xây dựng từ năm 1863, thờ thần Pak Tai để bảo vệ Hong Kong khỏi ảnh hưởng của thiên tai và bão lũ.
Ngày thứ hai, tôi tham quan bến cảng Victoria, địa danh mà bất cứ du khách nào cũng sẽ ghé thăm khi đến Hong Kong. Bến cảng này do nhà hàng hải Trịnh Hòa phát hiện vào năm 1425 trong một chuyến hải hành của ông. Tên cũ của cảng này là Hong Kong, nhưng sau cuộc Chiến tranh Nha phiến lần 2 (1856 – 1860), người Anh chiếm cứ nơi này và đổi tên thành cảng Victoria, dùng làm nơi trú ẩn của hạm đội Anh trong hai cuộc Chiến tranh Nha phiến lần 2 và lần 3.
Ngày nay, cảng Victoria là khu vực giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây ở xứ Cảng Thơm. Tôi tới đây để trải nghiệm không khí sôi động của một cảng thị tấp nập; để ngắm những tòa nhà chọc trời ken dày quanh vịnh Kowloon hay những chiếc phà chở khách xen lẫn những chiếc du thuyền năm sao ngược xuôi trên vịnh biển nhộn nhịp này, để rảo bước trên “Đại lộ danh vọng của phương Đông”, nơi in dấu vân tay và khắc ghi tên tuổi của những ngôi sao giải trí hàng đầu Hong Kong và Trung Hoa đại lục, chụp ảnh chung với bức tượng đồng Lý Tiểu Long; và đi dạo trên con đường ven biển Tsim Sha Tsui để chứng kiến một Hong Kong khác thư thả hơn, trước khi xuống bến phà Star Ferry bắt một chuyến phà đi dạo một vòng trên vịnh.
Trời càng về tối, cảng Victoria lại càng trở nên lộng lẫy hơn bởi ánh đèn đủ màu sắc từ các tòa nhà chọc trời. Theo kinh nghiệm được chia sẻ, “nếu chỉ lưu lại một đêm ở Hong Kong, bạn nên thưởng thức màn biểu diễn ‘Vũ điệu ánh sáng’ vào lúc 8g mỗi tối ở cảng Victoria”. Vì thế, sau khi thăm thú các di sản và thắng tích ở xung quanh bán đảo Kowloon, tôi trở lại bến phà Star Ferry, tìm một tiệm café gần đó chờ tới giờ biểu diễn. Vừa thưởng thức bánh tart, loại bánh có lớp vỏ giòn tan bao bọc phần nhân làm bằng trứng béo ngậy thơm ngon, nhâm nhi trà sữa Hong Kong, có biệt danh là “trà sữa uyên ương”, vừa được mãn nhãn với bản giao hưởng ánh sáng kéo dài 15 phút được thực hiện bằng hệ thống đèn chiếu laser và spotlight chớp nháy của tất cả các tòa nhà cao tầng bao quanh vịnh Victoria là một kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi lần này.
Ngồi trên bến cảng Victoria, đón làn gió mát từ ngoài vịnh thổi vào, ngắm nhìn những tòa nhà in bóng xuống mặt nước, Hong Kong với tôi như không bao giờ ngủ. Và tôi cũng có một đêm như thế ở xứ Cảng Thơm, dạo bước trên những con phố, ghé qua các khu chợ đêm trước khi ra phi trường Chek Lap Kok, kết thúc chuyến thăm Hong Kong với chút tiếc nuối bởi còn nhiều điều chưa khám phá ở cảng biển xinh đẹp này.