Thái A
Bước vào căn phòng nhỏ của ông Nguyễn Bá Mưu, khách tham quan sẽ phát hiện được một điều thú vị, đó là sự đa dạng của các loại cỏ cây hoa lá được sử dụng để làm đẹp cho cuộc sống. Bởi khi qua các công đoạn xử lý, kể cả các loại lá cây, rau củ quả bình thường nhất cũng trở thành một phần của tác phẩm nghệ thuật hoa khô. Đã bước qua tuổi 80, ông vẫn miệt mài với nghề làm hoa khô và truyền dậy học trò. Qua bàn tay của ông mà xã hội biết tới hoa khô thuần túy Việt Nam, rất khác với sản phẩm nước ngoài bởi sự đa dạng về chủng loại, độ tươi của màu và nhất là chứa đựng hồn Việt thuần khiết. Trong đề án trình do Bộ Công thương soạn thảo về việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân hiện có tên ông. Ông là nghệ nhân duy nhất tại Việt Nam đã dành gần nửa thế kỷ theo đuổi nghệ thuật chế tác hoa khô.
Câu chuyện khởi đầu từ gần 50 năm trước, khi đó chàng thanh niên Nguyễn Bá Mưu được cơ quan trao nhiệm vụ thu mua hoa để xuất sang Nhật Bản. Với nhiệt huyết và tính cách ham học hỏi, anh đã mày mò tìm cách sấy khô hoa lá và nhuộm màu chỉ nhằm thỏa mãn thú vui của mình. Thời gian càng dài, kinh nghiệm càng được tích lũy, cho tới nay ông đã trở thành bậc thầy của bộ môn nghệ thuật lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Cái khó của việc làm hoa khô không phải ở chuyện tạo màu hay ghép dáng mà ở việc tách hoàn toàn chất dinh dưỡng ra khỏi lá và thân cây. Chỉ sau khi ngâm ủ, sấy theo quy trình phức tạp, chất dinh dưỡng mới được loại bỏ hoàn toàn, từ đó triệt tiêu khả năng lá hoa bị nấm mốc sau này. Tiếp tới là công đoạn nhuộm màu và ghép hoa lá với nhau trong bố cục chung để tạo thành những bình hoa vĩnh viễn không bao giờ phai nhạt.
Qua bàn tay phù thủy của ông, cỏ cây hoa lá được trao tặng một đời sống mới, tô điểm cho không gian của con người. Có những bình hoa được thiết kế theo phong cách châu Âu cổ điển, thích hợp cho các lễ tình nhân, tiệc cưới hoặc sinh nhật. Và cũng có những bình mang dấu ấn của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, đơn giản và tinh tế. Để tạo nên những tác phẩm này, nghệ nhân đã dùng tất cả các loại thực vật hiện hữu tại Việt Nam. Trong đó, hoa thì có phong lan, thiên điểu, cúc, hồng, sử quân tử, cẩm tú cầu… Ngay cả những bông hoa lau, hoa tre… vốn rất dễ bị hư hại cũng được dùng làm nguyên liệu. Khách tham quan thường rất tò mò với bông hoa hình dáng kỳ lạ, như cây rau bắp cải, sau khi sấy khô, tạo dáng bỗng hiện lên với vẻ đẹp lạ lùng. Cứng và thô như quả cây xà cừ cũng được dùng, sau khi ngâm tẩm, tẩy trắng, bóc tách từng cánh nhọn sẽ trở thành một đóa hoa rất đẹp. Nguyên tắc xử lý hoa nói ra thì đơn giản, nhưng khi áp dụng với từng loại cây hoa khác nhau sẽ đòi hỏi cách thức khác nhau. Điều này đòi hỏi tính kiên nhẫn và sự am hiểu về sinh hóa. Trải qua gần nửa thế kỷ làm nghề, nghệ nhân đã truyền nghề cho rất nhiều học trò đến từ mọi miền. Các tác phẩm của ông và học trò tạo ra đã tỏa đi khắp mọi nẻo đường từ xuất hiện ở các triển lãm, hội chợ quốc tế, đến xuất sang nhiều quốc gia.