Theo Exotic Voyages
Dù Giáng sinh không đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa của phần lớn các quốc gia châu Á, đây vẫn là một ngày lễ đáng chú ý trong năm đối với người dân nơi đây.
Dù không có gà tây, cây thông và trang trí lung linh mừng lễ hội ở mỗi gia đình như ở hầu hết các nước phương Tây, các quốc gia châu Á vẫn tổ chức Giáng sinh như một cách trân trọng văn hóa của một cộng đồng thiểu số. Hãy cùng điểm qua không khí đón mừng lễ Giáng sinh tại một số quốc gia ở bài viết này.
Thái Lan
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng ta sẽ là Thái Lan. Giáng sinh không được tổ chức rộng rãi ở Thái Lan và ngày 25 tháng 12 chỉ là một ngày làm việc bình thường. Mặc dù ý nghĩa tôn giáo của Giáng sinh có thể không được phần đông người Thái biết đến, họ vẫn tổ chức lễ hội vào thời điểm này trong năm vì một lý do khác: tháng 12 có ngày sinh nhật của nhà vua. Ở một số vùng, người dân khoác trang phục ông già Noel lên những chú voi và cho chúng biểu diễn, phát quà tặng tại các trường học địa phương. Ở Bangkok, không khí Giáng sinh hiện diện ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở trung tâm thương mại Bangkok Central World.
Việt Nam
Mọi năm, người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đều háo hức chào đón Giáng sinh. Tại TP. HCM, đêm Giáng sinh, người dân đổ về đường Nguyễn Huệ để thưởng thức các màn trình diễn ánh sáng, chụp ảnh và tận hưởng không khí Giáng sinh cùng bạn bè. Tương tự ở Hà Nội, tất cả các góc của khu phố cổ đều được trang trí và mọi người đổ về các nhà thờ trên khắp thành phố để thưởng thức không khí lễ hội của ngày Chúa Giê-su giáng thế.
Một phần đáng kể dân số Việt Nam là tín đồ đạo Thiên Chúa. Họ sẽ tham dự Thánh lễ lúc nửa đêm tại các nhà thờ địa phương và tổ chức biểu diễn cho cả những người ngoại đạo thưởng thức các bài ca mừng Giáng sinh.
Singapore
Giáng sinh là một lễ kỷ niệm lớn ở Singapore, không chỉ đối với những người theo đạo Thiên chúa mà còn đối với những người trẻ tuổi. Đường phố và các cửa hàng được trang trí bằng hình ảnh Giáng sinh thường thấy: tuyết trắng, quà Giáng sinh, cây thông Noel, và những người đàn ông trong bộ đồ ông già Noel màu đỏ. Các cửa hàng trên Đường Orchard biến mỗi dịp Giáng sinh thành một xứ sở thần tiên với mọi loại quà tặng và không khí Giáng sinh tuyệt vời. Các nhà hàng trên khắp hòn đảo mang đến không khí lễ hội với thực đơn đặc biệt để gây ấn tượng với thực khách. Những người dân đi dự lễ hội có thể tham gia bữa tiệc đếm ngược tại Vịnh Marina với màn trình diễn nhạc sống và pháo hoa quy mô nhất châu Á.
Hong Kong
Hong Kong là điểm đến lý tưởng để đón Giáng sinh cho những du khách đến thăm châu Á. Giáng sinh là một ngày lễ ở Hong Kong và cũng trùng với lễ hội Ta Chiu của Đạo giáo. Thật trùng hợp, hai lễ hội này khá tương đồng. Trong lễ Ta Chiu, người Hong Kong cầu nguyện và thỉnh cầu các thần linh mang tới cho họ phúc lành trong năm tới. Cây thông là vật trang trí hiện diện tại tất cả các tòa nhà công cộng và trung tâm thương mại lớn. Để tạo không khí vui tươi, hầu hết các tòa nhà đối diện cảng Victoria đều được bao phủ trong ánh đèn Giáng sinh. Nếu du khách muốn cảm nhận không khí lễ hội hơn nữa, những trung tâm mua sắm nhộn nhịp chính là địa điểm không thể bỏ lỡ.
Nhật Bản
Không giống các nước láng giềng châu Á khác, Giáng sinh và Tết Dương lịch là các dịp lễ lớn của người Nhật. Tuy nhiên, do đạo Thiên chúa không phổ biến, nên lễ Giáng sinh ở đây chủ yếu được tổ chức dưới hình thức thương mại. Mọi người ăn “bánh Giáng sinh”, một loại bánh xốp với kem đánh bông và một số loại trái cây phủ bên trên. Người Nhật không có ông già Noel, thay vào đó, họ có “Hoteiosho”, một ông già mang một cái bao tải lớn và có một đôi mắt ở sau đầu. Đó là lý do tại sao trẻ em phải cư xử phải phép vì Hoteiosho sẽ luôn quan sát chúng. Trong khi đó, các cặp đôi ở Nhật Bản cũng coi trọng việc ở bên nhau trong ngày Giáng sinh. Quà Giáng sinh thường được trao đổi giữa những người yêu nhau hoặc bạn bè thân thiết. Tháng 12 còn được gọi là thời điểm diễn ra “oseibo” – một truyền thống tặng quà giữa các công ty.
Myanmar
Trở lại với khu vực Đông Nam Á, Myanmar tổ chức lễ Giáng sinh trong cả tháng 12, bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng. Dịp này dần dần phổ biến hơn với tên gọi “Tháng 12 ngọt ngào” dành cho cả giới trẻ và người lớn tuổi. Mặc dù Myanmar là một quốc gia Phật giáo, đạo Thiên Chúa và lễ Giáng sinh vẫn tồn tại như một phần ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Vì vậy, những người ngoại đạo ở đây cũng rất mong chờ những ngày lễ kỷ niệm này. Điều thú vị là nhà thờ ở Myanmar được trang trí với màu vàng ánh kim thay vì các màu đỏ, xanh lá cây và trắng thông thường.
Mỗi quốc gia có cách đón Giáng sinh riêng, dù vậy, Giáng sinh là dịp để bạn bè, gia đình quây quần bên nhau và tận hưởng không khí vui vẻ.