Hương Chiều
Lâu đài Hohenzollern nổi tiếng nước Đức với những giá trị văn hóa, lịch sử vĩnh hằng
Có thể nói Đức là quốc gia có nhiều lâu đài cổ đẹp nhất thế giới. Có những tòa lâu đài đẹp lãng mạn, một số khác lại mang nét cổ kính, thô ráp. Và không thể không kể đến những lâu đài vừa có lịch sử tuyệt vời, vừa có kiến trúc nổi bật như lâu đài Hohenzollern.
Ngự trên đỉnh núi Swabian Alb cao gần 1.000m, những ngọn tháp cao vút của tòa lâu đài ngạo nghễ vạch những nét sắc trên bầu trời, tạo thành bức tranh mà dường như ta chỉ thấy trong những trang sách của một câu chuyện cổ tích.
Xe chạy đưa du khách theo con đường dốc vòng vèo và dừng ở lưng chừng núi để du khách tiếp tục đi bộ. Trong khi tôi vừa leo vừa thở hổn hển thì một đám học sinh má đỏ hây hây chạy vụt qua, hò hét inh ỏi. Chắc chúng đang trong giờ học ngoại khóa về lịch sử. Phía trước, bóng lâu đài ẩn hiện thấp thoáng qua những vòm cây.
Lịch sử của lâu đài Hohenzollern
Được xây lần đầu trong thế kỷ 11 với tên gọi Castro Zolre và bị phá hủy trong một cuộc chiến vào thế kỷ 15, lâu đài là ngôi nhà của triều đại Hohenzollern, dòng họ đã cai trị nước Phổ và Brandenburg thời Trung cổ. Năm 1454, lâu đài được xây dựng lại nhưng sự thay đổi chủ liên tục đã dẫn đến việc nó bị bỏ rơi và biến thành một đống đổ nát. Công trình thời trung cổ duy nhất còn sót lại là nhà nguyện Saint Michael.
Một buổi chiều mùa hè năm 1819, quốc vương Friedrich Wilhelm IV tương lai của nước Phổ, khi ấy là vị hoàng tử 24 tuổi, đã đến thăm những gì còn sót lại của tòa lâu đài. Nhìn những bức tường thành đổ nát, nơi đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nước Phổ, ông ước ao khôi phục ngôi nhà của tổ tiên trở lại lộng lẫy như trước đây.
Năm 1850, nhà vua tiến hành xây dựng lâu đài Hohenzollern lần thứ ba với thiết kế của kiến trúc sư người Phổ nổi tiếng Friedrich Stuller. Stuller đã tạo ra một trong những lâu đài đẹp nhất ở Đức, hoàn thành năm 1867. Có lẽ, lâu đài này là tượng đài được dựng lên để vinh danh triều đại Hohenzollern.
Tòa lâu đài có 140 phòng, thiết kế mái vòm cao sang trọng và những ô cửa sổ kính màu lấp lánh. Ấn tượng nhất là phòng Xanh của hoàng hậu lộng lẫy với trần nhà mạ vàng, sàn khảm gỗ, trên tường treo tranh chân dung của các hoàng hậu Phổ. Hiện nay, lâu đài mở cửa cho khách du lịch, trưng bày nhiều đồ vật từng thuộc về các thành viên của hoàng gia như chiếc váy của nữ hoàng Louise, vương miện của Wilhelm II và lá thư của tổng thống George Washington nước Mỹ gửi nam tước Von Steuben, hậu duệ của gia tộc Hohenzollern.
Truyền thuyết về người đàn bà áo trắng
Truyền thuyết thú vị về bóng người đàn bà áo trắng thấp thoáng trong lâu đài và hù dọa những người không may gặp bà ta có nhiều liên quan đến lâu đài và dòng họ Hohenzollern, Câu chuyện này cũng lan truyền ở nhiều vùng của nước Đức. Người ta cho rằng truyền thuyết này liên quan đến nữ bá tước Kunigunde von Orlamonde, một góa phụ có hai con. Sau khi chồng chết, bà ta yêu và muốn cưới bá tước Albrecht von Hohenzollern. Ngài bá tước tuyên bố sẽ lấy bà ta “nếu không có bốn đôi mắt đứng giữa chúng ta”. Ông ta ý nói đến bố mẹ mình, những người phản đối cuộc hôn nhân này. Bà bá tước lại cho rằng ông ngụ ý chỉ hai đứa con riêng của mình. Để đạt được ước muốn, bà đã ám hại những đứa trẻ.
Thời gian qua đi, bị sự ăn năn hối hận dày vò, bà ta tự giam mình trong tu viện cho đến ngày cuối đời. Sau khi chết, bà ta ám mọi lâu đài thuộc tiểu vương quốc Hohenzollern, đem đến sự xui xẻo cho những ai chẳng may nhìn thấy mình. Bóng ma của bà ta vẫn thấp thoáng qua hàng trăm năm và được gắn với những cái chết đột tử hoặc dịch bệnh của vùng này.
Tôi tựa lưng vào tường thành, nơi lưu giữ một phần lịch sử của nước Đức, phóng tầm mắt ngắm khung cảnh xung quanh. Từ trên cao nhìn xuống, cánh rừng vào mùa chuyển lá như một tấm thảm đầy màu sắc. Xa hơn nữa là những cánh đồng, làng mạc, vườn cây chạy dài tít tắp.
Trời se lạnh. Nắm chặt bàn tay ấm áp kề bên, tôi lặng ngắm những tia nắng cuối ngày le lói rồi tắt dần ở chân trời. Một triều đại đã qua đi nhưng mãi mãi không rơi vào quên lãng. Còn đó những công trình văn hóa mang giá trị vĩnh hằng họ để lại cho đời sau, ghi danh một thời vàng son vang bóng.