Bài: Hải Piano Nguyễn
Photos: Hải Piano Nguyễn, Dũng Lê
Giữa trập trùng núi non, nổi bật những cung điện đồ sộ và nguy nga màu trắng xây bằng đá và đất nện trên đỉnh đồi, được trang trí sặc sỡ bởi những rèm vải ngũ sắc, dăng kín xung quanh bởi hàng ngàn lá cờ nguyện nhiều màu. Đó chính là các kiến trúc pháo đài – tu viện làm chức năng trung tâm hành chính – tôn giáo của cả vùng, được xây dựng với hình dáng kiến trúc cách điệu từ lều du mục với nhiều tầng kiên cố và cửa sổ khung gỗ nhỏ. Điều đặc biệt là pháo đài luôn kèm 2 chức năng quản lý nhà nước và tu viện, và những giá trị Phật giáo luôn gắn với mọi chi tiết về xây dựng, trang trí và hoạt động của pháo đài, từ quản lý hành chính vùng đến văn hóa xã hội và tâm linh.
Các pháo đài- tu viện lớn của vùng Himalayas được xây từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 16, lớn nhất là cung điện Potala ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng, phát triển tới vùng Ladkah, tập trung các tu viện đồ sộ như Thiksey, Hemis,… Riêng kiến trúc này đến Bhutan thì được phát triển mạnh và tráng lệ, với khoảng 11 pháo đài tu viện lớn được gọi là Dzong, trong đó phải kể đến 2 công trình lớn là Trongsa Dzong và Punakha Dzong. Các công trình này đều được Unesco công nhận, hoặc đang đề cử là di sản thế giới.
Potala – đại cung điện của vùng Himalayas
Potala là cung điện mùa đông của Đạt Lai Lạt Ma , được Songtsän Gampo – vua Tây Tạng xây dựng từ thế kỷ thứ 7 trên đỉnh Red Hill ở độ cao 3.700m. Potala được xây dựng thêm Hồng Cung và Bạch Cung vào thế kỷ 17 bởi các Đạt Lai Lạt Ma . Đặc biệt Hồng Cung đồ sộ này đòi hỏi sự lao động miệt mài của hơn 7.000 công nhân và 1.500 thợ thủ công cùng các nghệ sĩ trong suốt 14 năm. Potala còn mang chức năng là trung tâm hành chính truyền thống của người Tây Tạng, và là công trình đồ sộ và tuyệt tác kiến trúc, biểu tượng rực rỡ nhất của Phật giáo Tây Tạng.
Cung Potala có kết cấu kiến trúc rất lớn với tổng diện tích hơn 130.000 mét vuông, gồm 13 tầng, có hàng ngàn căn phòng khác nhau. Bạch Cung chứa hội trường chính với ngai vàng của đức Đạt Lai Lạt Ma, phòng riêng của ông. Cung điện gồm có 698 bức tranh tường, gần 10.000 cuộn tranh Thangka, nhiều tác phẩm điêu khắc, đồ sứ, ngọc quý, mỹ nghệ bằng vàng và bạc, cũng như lưu giữ một bộ sưu tập lớn Kinh. Phía Tây và cao hơn lên núi Red Palace chứa các bảo tháp chôn cất xá lợi của các Đạt Lai Lạt Ma đã qua đời. Ngoài ra có tu viện riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Thiksey – Tu viện uy nghi nhất vùng Ladakh
Ladakh là một trong những vùng đất cao nhất, lạnh nhất và khô cằn nhất của trái đất, và là nơi chịu ảnh hưởng từ xa xưa bởi Phật giáo Tây Tạng. Nơi đây các tu viện là những công trình quan trọng nhất của cuộc sống người dân. Mỗi làng Phật giáo đều có một tu viện được đặt ở triền núi hoặc trên đỉnh đồi cao.
Tu viện Thiksey là tu viện lớn nhất vùng Trung Ladakh, là quần thể nhiều ngôi nhà làm bằng đá và đất nện xây lên nhiều lớp theo thứ tự bậc thang liên kết với nhau với 12 tầng, gồm 10 đền thờ và một chính điện lớn. Tu viện được xây vào giữa thế kỷ 15 này còn được gọi là Tiểu Potala vì xây theo cấu trúc Potala với nhiều ngôi nhà trắng phủ kín một ngọn đồi cao 3.600m ở làng Thiksey gần thủ phủ Leh của Ladakh. Một trong những điểm nổi bật của tu viện là ngôi đền thờ Phật Di Lặc (Maitreya – Phật Tương Lai). Tượng Phật Di Lặc này được tạc trong vòng 4 năm để kỷ niệm chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vào năm 1970, được tạc từ đất sét, dát vàng và đồng, cao 15m và đặt trong ngôi đền 2 tầng. Đặc biệt là tượng được tạc ngồi trên tòa sen chứ không ở dạng tượng đứng như các nơi.
Trongsa Dzong – pháo đài lớn nhất Bhutan
Dzong ở Bhutan là một phức hợp các tòa nhà kiên cố mà phục vụ như một học viện Phật giáo kiêm cơ quan hành chính địa phương. Hầu hết các pháo đài – tu viện này được xây dựng để thiết lập vị thế chiến lược, tạo ra ảnh hưởng của Phật giáo nói riêng và kiểm soát khu vực hành chính trực thuộc. Dzong được phát triển mạnh vào thế kỷ 17 bởi vị Lạt Ma Zhabdrung Ngawang Namgyel, người thống nhất Bhutan.
Trongsa Dzong là một phức hợp pháo đài tu viện lớn nhất trong tất cả các Dzong của Bhutan, và được xây dựng năm 1771 ở rìa đá hiểm trở nhìn xuống sông Mangde ở miền Trung. Nó bao gồm một mê cung nhiều tầng của sân, lối đi, hành lang và khu phức hợp chứa nhiều như 25 ngôi đền. Trong điện chính có bức bích họa của thần Hộ pháp của bốn phương, tượng Phurba, một bản sao bức tranh tường của ngôi đền Swayambhunath của Nepal và một bản đồ bằng hình ảnh của Lhasa được lưu giữ tại đây.
Punakha Dzong- Hùng tráng và lãng mạn của cố đô
Punakha Dzong là pháo đài – tu viện và cũng là cung điện duy nhất của Bhutan không nằm trên núi cao hay vị trí hiểm yếu. Punakha Dzong được xây dựng năm 1637 trên dải đất hợp lưu của sông Phochu và Mo Chhu. Punakha Dzong có nhiều ý nghĩa lịch sử với Bhutan, là nơi vị Latma Zhabdrung Ngawang Namgyal thống nhất đất nước, bảo vệ nó khỏi cuộc xâm lược từ bên ngoài, tăng cường giáo lý của Phật Pháp, và thành lập các nguyên lý của bản sắc Bhutan. Đây cũng là nơi vị vua đầu tiên của Bhutan lên ngôi vào 1907, và là nơi vua Bhutan hiện tại làm lễ kết hôn, tạo ra sự quan tâm của cả thế giới với Bhutan. Punakha được dùng làm cung điện của hoàng gia trong nhiều thế kỷ cho đến năm 1955 thì dời đô về Thimphu.
Pháo đài Punakha dài 180m, rộng 72m, có 3 tháp lớn và 3 sân lớn, trong đó tháp trung tâm cao 6 tầng và có mái vòm được làm bằng vàng. Một mái tháp khác bằng đồng thau do đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 tặng. Pháo đài đặc biệt có 3 sân trời. Sau khi băng qua cầu gỗ, khách thăm phải leo lên các bậc thang đá trước khi leo qua một cầu thang gỗ rất dốc và một cửa gỗ to nặng để vào sân đầu tiên, nơi đây bên trái bố trí các cơ quan hành pháp, bên phải là trường học của tu sĩ, giữa sân có cây bồ đề khổng lồ và 1 bảo tháp. Sân này cũng là nơi diễn ra các lễ hội mùa xuân.