Bài: Nguyễn Vũ Hải
Ảnh: Lê Bích
Trong thế giới quan thần linh của người Chăm, có muôn vàn vị thần mà ngày nay người ta không xác định được chính xác xuất phát từ văn hóa bản địa, đạo Hindu, đạo Hồi hay từ những nước Malaysia, Indonesia sang. Những vị thần này, đứng cùng nhau và đan xen xuất hiện trong các nghi lễ nông nghiệp, vòng đời hay nghi thức dòng tộc. Đời sống vật chất của người Chăm cũng vậy, có những vật dụng không rõ thuộc hệ tín ngưỡng nào. Đôi khi, nó vốn chỉ là một vật dụng bình thường, nằm trong đời sống mà thần linh ngự trị, qua thời gian dần chuyển biến thành một vật dụng thiêng liêng – mà ngay chính chủ nhân của nó, những người Chămpa, cũng không biết hoặc không thể nói rõ ý nghĩa của nó như nào – kanin là một vật dụng như vậy.
Kanin xuất hiện trong các nghi lễ vòng đời và dòng tộc, như các nghi lễ tang ma, đám cưới và các lễ rija. Kanin là tấm vải được vẽ hình như một bức tranh về thế giới quan cổ xưa của người Chăm. Trong tiếng Chăm kanin đọc là k’nin. Khi dịch ra tiếng Việt, mỗi người Chăm gọi nó với một tên khác nhau: tấm màn, tấm trướng, tấm phông…
Theo các nhà nghiên cứu, không thể dịch cụ thể kanin theo tên một vật dụng tương ứng của người Việt, vì ở mỗi thời điểm khác nhau, kanin được sử dụng với một vai trò riêng. Trong đám cưới của người Chăm theo đạo Bà-nivà trong ngày lễ đầy năm cho người đã khuất của người Chăm theo đạo Bà-la-môn, kanin được sử dụng như một tấm phông nền. Tấm phông đặt sau ông thầy acar làm chủ lễ cưới; nhưng lại là tấm phông đặt sau mâm lễ, là điểm nhìn cuối cùng khi các thầy basaid làm lễ đầy năm. Trong các đám tang, kanin có vai trò như tấm rèm ngăn cách không gian. Khi làm nghi thức khâm liệm trong ngày thứ nhất, kanin được đặt ở rìa nhà lễ, ngăn cách hoàn toàn không gian hành lễ làm phép với không gian bên ngoài. Nhưng khi làm lễ cho ăn và các nghi thức sau đó, kaninđược chuyển vào chính giữa. Sau tấm kanin là một thế giới riêng, nơi thân xác và linh hồn người chết cư ngụ; trước tấm kanin, con người hành lễ, người thân khóc than. Mọi nghi thức được tương tác giữa trong và ngoài, tiếng tù và gọi vong vọng từ sau tấm kanin ra, những nhịp trống hối thúc vẳng từ trước kanin vào. Kanin giờ là tấm rèm ngăn cách hai thế giới.
Trong quá khứ, những tấm kanin đẹp từng là một bảo vật mà chỉ có những gia đình giàu có sở hữu. Mang trong mình vai trò xác lập không gian linh thiêng, những tấm kanin cổ vẽ hình ảnh về thế giới quan cổ xưa của người Chăm với cõi trời và cõi người. Hai cõi thế giới xếp từ trên xuống dưới, theo từng tầng lớp đẳng cấp riêng biệt; ởgiữa là ông vua đập – người cai quản nguồn nước – mạch sống của cư dân nông nghiệp. Cõi trời có rồng, chim phượng, chim heng, những vị thần… Ở thế giới con người, một bà bóng dòng tộc đang thực hiện nghi lễ rija prongvới điệu múa trên xích đu để thông linh với trời đất. Các tầng trong cõi người xếp từ tầng lớp quý tộc, người giàu có tới ông thầy vỗ trống paranung, ông thổi kèn saranai, ông đánh trống gi năng…, dưới cùng là tầng lớp bình dân đi dự lễ. Theo anh Châu Văn Huynh, Phó phụ trách phòng Nghiên cứu và sưu tầm của Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận: “Trên kanin, con người, động vật, trăng sao được vẽ như những biểu tượng về cuộc sống, đó là một thế giới thu nhỏ. Mỗi dòng tộc đều chuẩn bị một cái kanin, nếu như dòng tộc này không có người ta phải đi mượn ở nơi khác về. Nó là vật chủ đạo để dâng cúng thần linh. Làm lễ cúng mà không có kanin là day dứt trong tâm tưởng, là không làm tròn nhiệm vụ với cha mẹ”.