Hương Chiều
Dân gian đã từng đúc kết “đỏng đảnh như thời tiết”! Ở Nga, vừa hôm qua còn ẩm ướt, gió lạnh làm người ta bỗng vô tình phải khép vội tà áo khoác thì hôm nay trời bỗng trong xanh, không khí nhẹ tênh, chim hót véo von. Cây cối đang mùa thay lá vội vàng khoe sắc trong nắng ấm. Khoảng thời gian này chính là mùa hè rớt mà các thi sỹ Nga vẫn ca ngợi trong những áng thơ lãng mạn hay mùa thu vàng của các họa sỹ, là nguồn cảm hứng cho những bài ca buồn và ở đâu đó là thời điểm chớm nở hoặc kết thúc của một mối tình.
Nước Nga vào những ngày cuối tháng 9, trước khi chuẩn bị hứng lấy những cơn mưa lạnh buốt sẽ xuất hiện một khoảng thời gian mà đất trời đẹp lai láng, ngất ngây. Một mùa hè rớt lại vụt sáng giữa lòng thu, chợt bùng lên rồi chợt tắt, vừa ngắn ngủi, vừa hiếm hoi và để lại rất nhiều dư vị như một mối tình thoáng qua để ta thương yêu đến nao lòng. Chẳng ai biết chính xác khoảng thời gian này sẽ đến vào lúc nào. Tùy vào thời tiết, mùa hè rớt có thể kéo dài từ vài ngày đến hai tuần trong tháng 9. Cũng tương tự như “rét nàng Bân” ở Việt Nam, mùa hè rớt chỉ hiện tượng thời tiết biến đổi không bình thường trong mùa thu.
Tiếng Nga có một từ riêng dành cho mùa hè muộn này: бабье лето. Nhà thơ Bằng Việt có lẽ là người đầu tiên gọi tên “Mùa hè rớt” khi dịch bài thơ bất hủ của Olga Berggoltz. Từ rớt ở đây thật đắt và hợp với ngữ cảnh. Đó là một chút hơi ấm cuối cùng của mùa hè mà thiên nhiên ban tặng cho nước Nga trước khi bước vào mùa đông dài và khắc nghiệt. Những tia nắng hè vàng óng như tiếc nuối, nấn ná sưởi ấm lần cuối cho cỏ cây hoa lá, làm cảnh vật bừng sáng. Thậm chí trong thời gian này, có những loài hoa chỉ nở một lần trong năm sẽ nở thêm lần nữa.
Mà đâu chỉ một mình nước Nga có mùa hè rớt. Ở Mỹ nó có tên là “Mùa hè thổ dân”, ở Ý và Pháp họ gọi là “Mùa hè Thánh Martin” hay “Mùa hè dân Tzigane” ở Bulgaria… Nhưng có lẽ, chỉ ở nước Nga, cái “Hè rớt” này được người ta mong đợi đến vậy bởi khí hậu khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá thường kéo dài 5 – 6 tháng, thời gian nắng ấm chỉ vỏn vẹn khoảng 60 ngày. Bởi vậy, người ta càng thêm nâng niu chút nắng hè rớt vào giữa thu ấy. Ngườingười đổ về công viên, những cánh rừng, vườn bách thảo… để tận hưởng những ngày ấm áp. Người ta chạy bộ, dạo chơi, đạp xe hay nghe nhạc, đọc sách trên những chiếc ghế gỗ dưới bóng cây. Đây đó, đám trẻ con chí chóe trên những thảm lá vàng. Chẳng thể quên được khoảnh khắc khi dừng bước nghỉ chân trên chiếc ghế dài nằm cô đơn ven con đường nhỏ hay nhẹ bước trên thảm lá xào xạc, xung quanh là cả một màu vàng ngút mắt. Không khí tĩnh lặng đến mức nghe thấy tiếng lá khẽ rơi. Một giọt nắng cuối hè rớt qua kẽ lá, đậu xuống mái tóc thiếu nữ, làm đôi mắt xanh biếc như thẳm sâu hơn.
Đây cũng là thời điểm tuyệt vời cho các du khách chiêm ngưỡng cảnh sắc thu vàng của nước Nga cùng với các công trình kiến trúc nổi tiếng. Có thể đến thăm những thành phố lớn như Moskva, Saint Petersburg hay những thị trấn nhỏ, cổ kính vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc truyền thống. Đó là Suzdal xinh xắn với diện tích vẻn vẹn 9km2 nhưng lưu giữ hơn 200 công trình kiến trúc được bảo tồn từ thế kỷ 13-19, Tutaev – thành phố bảo tàng ngoài trời và là “hạt ngọc trai trên sông Volga”, Nizhny Novgorod với những ngôi nhà bằng đá của thương gia thời xưa hay rảo bước lang thang qua những hè phố vào buổi sáng còn đẫm sương đêm của thị trấn Kostroma, ngắm nhìn những ô cửa sổ đang im lìm ngái ngủ, ngây ngất bởi sự bình yên của thị trấn nhỏ. Ai đó có thể lang thang vào các khu chợ tràn ngập những sản vật địa phương, tận mắt nhìn ngắm các loại dâu, nấm, rau củ quả của mùa thu….