Trong ngôi miếu cổ của làng ấy có pho tượng Linh Lang Đại vương có thể đứng lên ngồi xuống. Cách ngôi miếu cổ khoảng một cây số ấy có một giếng bán nguyệt khi thả quả bưởi xuống thì quả bưởi sẽ trôi ra ngoài sông Hóa. Cứ như là cổ tích, cứ như là truyền thuyết giữa chốn làng quê hơn 700 năm nay đã và đang giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của cha ông mình.
Làng tạc tượng Bảo Hà nằm ở địa phận xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Chuyện xưa truyền lại rằng – ông tổ làng nghề Nguyễn Công Huệ Vào thế kỷ thứ XV, khi còn nhỏ đã có biệt tài làm các con giống ngộ nghĩnh bằng các vật dụng có sẵn trong vườn nhà. Những gốc tre gai góc, những gốc mít xù xì đục đẽo thành hình long, ly, quy, phượng. Những củ chuối, gốc sắn cái sơ mướp, gáo dừa… được uốn tỉa thành ông Bụt, ông phỗng… Giặc Minh xâm chiếm nước ta, bắt dân ta, những người tài giỏi nước ta sang làm khổ sai, trong đó có Nguyễn Công Huệ. 10 năm nơi xứ người, ông học nghề, rèn tay nghề trở về làng xưa, truyền lại cho dân làng 4 nghề học được – điêu khắc gỗ, sơn mài, dệt vải và châm cứu bằng lá ngải. Những đời sau nối tiếp có các nghệ nhân như Tô Phú Vượng, Tô Phú Luật, Hoàng Đình Ức… được phong tặng những danh hiệu cao quý làm rạng ngời làng nghề Bảo Hà. Con cháu Bảo Hà tự hào về ông cha mình, về làng quê mình đã truyền nhau phát triển nghề truyền thống. Từ đây, lại nối tiếp những nghệ nhân điêu khắc, nghệ nhân sơn mài để đến nay làng nghề Bảo Hà được ghi danh là “Làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ – sơn mài”.
Tinh hoa của làng nghề đây – đôi tượng phỗng, còn có tên gọi là tùy được đặt nơi miếu thờ. Phỗng chính là người được tạc bằng gỗ, đẽo bằng đá, nặn bằng đất đặt ở đền, chùa, miếu mạo được coi là người đứng hầu nơi thờ tự. Phỗng còn để bày chơi trong các gia đình vì có dáng to béo, lạc quan, nhìn vui mắt. Đôi phỗng ở đền Bảo Hà được làm từ chất liệu gỗ sau đó được phủ lớp sơn mài, một số chi tiết được sơn son thếp vàng và tô vẽ. Ông phỗng được đặt ở tiền tế trước lối vào hậu cung. Mỗi phỗng cao hơn 1m đặt trên bệ trong tư thế quỳ trên chân. Phỗng là người tượng được cách điệu nên tóc búi tóc xoắn ốc hai bên như hai sừng ngắn, mặt lồi, trán ngắn, mũi sư tử, miệng cười, má gồ. Phỗng là người tượng nên cởi trần để lộ ngực xệ, bụng lớn tròn rõ rốn và mặc váy ngắn. Tay phỗng mập, hai bàn tay cầm chắc bát đựng đồ lễ dâng lên thánh. Hai ông phỗng này tượng trưng cho 2 người hầu thân cận và trung thành của thành hoàng làng. Bước vào miếu gặp hai ông phỗng là vui lắm vì các đường nét đẽo gọt nhấn vào sự ngộ nghĩnh. Khoảng cách từ đỉnh đầu tới cằm gọi là diện sẽ phải bằng ½ khoảng cách từ vai này sang vai kia hoặc xương đùi bằng 1/4 chiều cao. Hình dáng của 2 ông phỗng được bóp nhỏ xuống một chút để thể hiện tư thế thu mình kính cẩn trước Thánh. Bên cạnh đó các đường nét và khối điêu khắc căng nhấn mạnh sự ngộ nghĩnh. Hai ông có 2 nụ cười khác nhau. Một ông cười mở miệng thoải mái nụ cười thoát ra, còn ông kia ngậm miệng cười nén vào trong cổ gân lên. “ Đó là một ông sợ một ông không sợ, hai nụ cười thể hiện tính âm dương…” như lời nghệ nhân Hoàng Văn Sầm thế hệ thứ 8 ở làng vẫn theo nghề tạc tượng.
Những pho tượng gỗ làng Bảo Hà không chỉ tinh xảo đường nét chạm, khắc mà như hai ông phỗng xưa ấy rất có hồn, người thợ làng đã thổi hồn vào thành quả lao động của mình. Gỗ có nhiều loại nhưng tượng gỗ làng Bảo Hà thường dùng là gỗ mít – mềm, dẻo này, chống được mối mọt, không chịu nhiều tác động của nước, lại dễ kiếm và không đắt như các loài gỗ quý khác. Cứ từng phần của tượng được cắt gọt rồi ghép lại thành bức tượng hoàn chỉnh. Bao việc tuần tự – nào sơn nhiều lớp nhé, nào thếp bạc, nào lọng son, nào vẽ mày râu, mắt mũi… rồi sơn áo sơn quần mà khi hoàn chỉnh nhìn tượng giống ảnh được đặt hàng mà sống động có thần thái riêng. Không qua loa khi chạm khắc, không nóng vội về thời gian phải mất chừng 10 ngày để đục đẽo tượng và khoảng 5 ngày để sơn vẽ hoàn thiện bức tượng truyền thần. Tượng gỗ Bảo Hà tạo ra được màu “sơn son thếp vàng” bền vững qua năm tháng không bị bào mòn.
Chính từ nghề chạm khắc tượng mà các cụ tổ còn phát triển thêm một nghề mới cho làng đó là biển diễn quân rối cạn. Làm quân rối rồi thành lập phường rối. Đến Bảo Hà, bạn có thể thưởng thức rối nước của phường rối nước Minh Tân do nghệ nhân Đào Minh Tuân thành lập.
Làng nghề tạc tượng Bảo Hà đã trở thành một trong những điểm đến của chương trình du khảo đồng quê, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Hai ông phỗng nơi miếu làng luôn cười vui đón du khách trong và ngoài nước. Trong hành trang của bạn mang về lẽ nào không mang theo đôi ông phỗng đáng yêu mới được đẽo gọt kia.