Bài & Ảnh: Phạm Hoài Thanh
Chiến nhẫn của người Chu Ru khá nhiều chi tiết, nhưng lại được đúc nguyên khối bằng một kỹ thuật vô cùng thô sơ, trong một không gian đan xen giữa bí hiểm và thực tại, văn hóa và tâm linh, cộng thêm một chút tài hoa, sáng tạo pha với sắc màu đậm chất nghệ thuật Chăm.
Người Chu Ru theo chế độ mẫu hệ, con gái đi bắt chồng nên đám cưới không thể thiếu những chiếc nhẫn bạc làm quà tặng cho nhà trai. Mỗi đám cưới ít thì vài chục chiếc, nhiều thì hàng trăm. Khi một cô gái ưng một chàng trai thì nàng đặt trước cặp nhẫn cặp nhẫn trống mái srí, sră. Hôn ước của người Chu Ru không thể thiếu cặp tín vật thiêng liêng nhất của tình yêu này.
Hiện tại, chỉ duy nhất gia đình Ya Tuất và Ma Wêl ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn kế tục nghề làm nhẫn bạc này. Theo như Ma Wêl, chỉ có 2 thứ nguyên liệu phải mua là bạc và sáp ong. Cốt nhẫn được tạo bằng sáp. Ma Wêl nhúng những chiếc khuôn gỗ thuôn nhỏ dần từ cỡ tay người lớn đến trẻ em hoặc tròn đều vào ống sáp nóng chảy vài lần cho lớp sáp dày khoảng 1mm. Thả vào chậu nước, chị rút ra cái ống sáp, những ống thuôn nhỏ được chị cắt thành những khoen nhỏ dành cho những chiếc nhẫn trơn có gắn hoa văn. Những ống tròn đều được cắt dọc thành sợi rồi xe thành sợi nhỏ như sợi chỉ.
Trong khi đó, Ya Tuất dùng một con dao nhỏ cắt gọt hình khối sắc cạnh, anh dùng móng và đầu ngón tay để gọt và vuốt các cạnh mềm. Các hoa văn đều được làm bằng tay, những sợi nhỏ do Ma Wêl xe bắt đầu được dùng. Lúc thì quấn thành các vòng nhỏ xíu gắn lên mặt nhẫn, lúc thì xoắn với nhau tạo ra bông lúa, sợi thừng… Những sợi sáp mềm gắn, dễ ghép vào nhau tạo ra cốt của chiếc nhẫn. Trí tưởng tượng bay tới đâu thì chiếc nhẫn sẽ có hình hài tới đó. Có những mẫu chung nhưng chẳng bao giờ có những chiếc nhẫn giống nhau hoàn toàn.
Chiếc nhẫn bằng sáp hình thành, cần phải cắm một chiếc cuống bằng sáp vào, quấn một đoạn lá dứa thành chiếc phễu nhỏ nối với chiếc cuống để sau này là chỗ đổ bạc vào khuôn.
Ya Tuất không giải thích được tại sao phải là phân trâu đực đúng 3 năm tuổi trộn với một loại đất sét mà chỉ có anh mới biết cách tìm thì mới chịu được khi nung đỏ mà không nứt vỡ hay rỗ. Cốt nhẫn đem nhúng vào thứ vật liệu kỳ lạ này phơi qua vài lần cho dày khoảng 1mm rồi phơi cho thật khô là chiếc khuôn hoàn thành.
Theo lời kể của Ya Tuất thì đêm hôm trước khi đúc nhẫn vợ chồng phải “chay tịnh”. Chỉ được đúc vào buổi sáng. Nếu trời mưa có sấm chớp thì khuôn sẽ nứt và nồi nấu bạc sẽ nổ. Không biết là thực hay ngẫu nhiên một chút bí hiểm xảy ra khi Ma Wêl theo lời đề nghị đúc nhẫn vào một buổi chiều cho chúng tôi xem. Lửa đang đỏ đến lúc sắp đổ khuôn được thì bỗng trời nổi sấm, chiếc nồi đất nấu bạc đã nổ trước mắt chúng tôi.
Nấu bạc phải dùng loại than củi của cây kasiu. Chiếc nồi nấu bạc cũng được làm bằng phân trâu trộn đất, khuôn đúc vùi vào lò than nóng đỏ. Ma Wêl nhìn chăm chăm vào đống lửa, qua màu đỏ của khuôn, đô sáng của bạc, chị biết đã đủ độ nóng. Gắp chiếc khuôn ra, dốc ngược cho sáp ong chảy hết, khuôn rỗng hoàn toàn rồi lại để vào giữa đống than. Ma Wel thận trọng gắp nồi bạc sáng long lanh ra từ từ đổ vào phễu. Chị để nguyên vài phút đảm bảo bạc ngấm hết vào từng chi tiết rồi gắp khuôn ra khỏi lò.
Vảy nước vài lần, nhúng khẽ khuôn vào nước vài lần cho khuôn không còn đỏ tươi nữa chị mới thả xuống chậu nước lạnh, gặp nước khuôn sẽ vỡ vụn ra, cặp nhẫn xuất hiện. Ma Wêl dùng một chiếc que sắt cạo nốt những mảnh vỏ khuôn rồi dùng kìm cắt sát cái cuống đưa cặp nhẫn còn nhuốm màu đen, xỉn của than lên ngắm nghía rồi lại tiếp tục đổ những bộ khuôn khác.
Đổ khuôn xong chị xâu những chiếc nhẫn vào sợi dây dứa rồi thả vào chiếc nồi nước bồ kết đun sôi. Khi Ma Wêl kéo lên những chiếc nhẫn sáng hẳn lên. Thêm một lần đánh bằng bàn chải với xà phòng tín vật tình yêu hiện nguyên hình sáng chói.
Ya Tuất chỉ dũa sửa sơ những cạnh sắc chủ yếu ở chỗ cuống đổ khuôn nhưng không dũa hết hẳn. Anh giải thích nếu mất cái vấu đó người Chu Ru không nhận là nhẫn truyền thống. Công đoạn cuối cùng là cho nhẫn vào chiếc ống đựng nhiều bi sắt nhỏ (trước kia là cát sỏi) lắc cho nhẫn bóng lên. Vậy là những chiếc nhẫn bạc đã sẵn sàng gắn kết một lứa đôi hạnh phúc, tình yêu chung thủy.
Dân tộc Chu Ru chỉ có khoảng 15.000 người chủ yếu sống ở cao nguyên Lâm Viên, Huyện Đơn Dương, Tỉnh Lâm Đồng. Chu Ru trong ngôn ngữ Malayo-polynésian có nghĩa là “tìm đất”. Vào khoảng thế kỷ 17 các đế chế người Chăm suy tàn. Những người Chăm vùng duyên hải Nam Trung Bộ phải tìm lên đây sinh sống. Họ mang theo tâm hồn nghệ thuật, sự sáng tạo và những kỹ năng của người Chăm và mang cái tên mới.