Nguyễn Việt

Hình tượng dê được tìm thấy trên các cổ vật của Việt Nam

Trong thế giới Á Đông chịu ảnh hưởng của cách tính năm theo 12 con giáp như miền Bắc Trung Hoa, Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, Mãn Châu, Triều Tiên, Nhật Bản lại định dạng “Mùi” bằng loài “Dương” sừng quặp, nhiều lông, cung cấp lông, sữa và thịt – mà ở ta quen gọi là cừu. Thực ra thì đó là những phân loài theo địa vực và vĩ độ sinh sống của một loài động vật ăn cỏ Caprinae Aegagrus mà thôi. Phân loài “Dê” có sừng đứng, cong chĩa ra hai bên như thường thấy ở Việt Nam có tên khoa học là Capra aegagrus hircus (LINNAEUS, 1758).

Tượng dê gốm thế kỷ 2 sau Công nguyên trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh

Từ khía cạnh khảo cổ học tiền sử mà nói, thì dê hay đúng hơn là xương cốt, răng, sừng loài dê rừng đã được phát hiện từ hàng chục nghìn năm trước trong các đống rác bếp của những người săn bắt hái lượm ở hang thuộc Văn hóa Hòa Bình. Tuy nhiên, có lẽ phải khá muộn về sau, khoảng 3.500 – 4.000 năm trước, khi những người trồng lúa quảng canh lập làng trên các thềm đồi gò sông cổ ở lưu vực sông Hồng, sông Chu – Mã thì dê nhà mới trở nên phổ biến. Đến giai đoạn phồn thịnh của Văn hóa Sa Huỳnh hoặc đến giai đoạn cuối của Văn hóa Đông Sơn – thời kỳ Giao Chỉ cách nay chừng trên dưới 2.000 năm, đã có những bằng chứng về hình tượng dê/cừu cụ thể, sinh động như những con vật linh thiêng với con người xuất hiện trên các loại đồ trang sức thủy tinh, đá quý cũng như trên những đồ đồng nghi lễ.

Chiếc thạp gốm ba chân ( liễm) của sưu tập CQK (California, USA) và chi tiết những hình cừu nằm trên nắp thạp

Hình tượng mô tả đầu Dê sớm nhất và thuần bản địa có lẽ thuộc về những chiếc khuyên tai hai đầu thú trong Văn hóa Sa Huỳnh. Khuyên tai có hai đầu thú này thường được làm bằng đá nephrite hoặc thủy tinh, có phần thân cổ gắn với nhau và được tạo một móc có khe hở để đeo ở tai những quý tộc Sa Huỳnh sang trọng. Đa phần các nhà nghiên cứu cho rằng chúng gần với hình tượng đầu dê, nhất là khi thấy ở một số ít tiêu bản, nghệ nhân Sa Huỳnh đã cố tình thể hiện cả phần râu cằm rất đặc trưng cho những con Dê đực.Trong nhiều ngôi mộ chum còn  giữ được phần cốt sọ ở Thái Lan và Việt Nam, các nhà khảo cổ phát hiện khuyên tai hai đầu Dê đó ở đúng vị trí xương chỏm hốc tai. Niên đại của những biểu tượng Dê trong Văn hóa Sa Huỳnh được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ở trong khoảng những thế kỷ 3 đến thế kỷ 1 TCN.

Trong Văn hóa Đông Sơn, những tượng cừu đã xuất hiện trên đồ đồng lễ nghi thế kỷ 1 TCN. Cũng khoảng này, cách tính thời gian theo lối Can, Chi với 12 con giáp, trong đó có Mùi – Dê đã được khắc trên gương đồng tìm thấy ở Giao Chỉ. Tượng cừu trên đồ đồng lễ nghi xuất hiện nhiều nhất là trên các nắp đồ đựng bằng đồng ở các gia tộc Giao Chỉ quyền quý. Đáng chú ý nhất là trường hợp một chiếc hộp vuông thân phủ đầy hoa văn khắc vạch hàng trăm hình mô típ đuôi công. Trên nắp hộp là bốn tượng cừu ở bốn góc. Tất cả đều nằm bình thản quay mặt vào phía trong. Đây là chiếc hộp trấn yểm của một shaman quý tộc có thể có liên quan mật thiết đến các thủ lĩnh Lạc Việt trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Tại Bảo tàng Quảng Ninh hiện đang trưng bày một đồ đựng gốm chế phỏng theo dáng một con dê nằm quỳ gối. Đây là con dê rất hiếm hoi trong nghệ thuật cổ đại Việt Nam. Với cặp sừng dựng đứng và nhất là chỏm râu cằm tiêu biểu khiến việc định danh con vật trở nên dễ dàng. Đồ đựng này có lẽ là một bình đựng rượu hoặc một loại nước dùng trong lễ dâng cúng thần linh. Trên lưng con dê là một vành miệng tròn đường kính khoảng 4cm, nhô cao gần 2cm, có một nắp đậy. Miệng dê có lỗ rót. Ở các vị trí như đôi vai, đôi mông và đuôi có gắn vành khuyên tạo thành chỗ móc dây treo. Hiện vật này được cho là khai quật trong các mộ gạch đầu Công nguyên ở vùng Mạo Khê (Quảng Ninh).

Đỉnh cao nhất của nghệ thuật mô tả dê/cừu có lẽ là đôi tượng đá lớn đặt trên phần mộ tương truyền của Nam Giao học tổ Sĩ Nhiếp ở sau đền Nam Giao học tổ làng Tam Á thuộc Thuận Thành (Bắc Ninh). Khối tượng cừu được tạc theo tư thế nằm quỳ gối như các tượng đồng và gốm, sừng cong quặp dạng cừu. Hiện tại ở phần mộ Sĩ Nhiếp chỉ còn một con khá nguyên vẹn đặt trên phần bàn đế bằng đá hình chữ nhật. Bức tượng thứ hai đã bị vận chuyển về chùa Dâu.

Con dê/cừu trong tâm khảm người Việt cổ buổi đầu dựng nước từ hơn 2.000 năm trước biểu trưng cho sự sung túc, ấm no, thanh tao, phóng khoáng. Thịt, sữa, tiết của dê/cừu được dâng cho thánh thần trong mọi thờ cúng quan trọng. Thịt dê từ lâu được coi như món thuốc bổ dưỡng quan trọng của Đông Y. Trong tiến trình của lịch sử Việt Nam, sau này dê/cừu dần dần không còn đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ cung đình và dân gian nữa. Tuy vậy, chúng vẫn luôn là loài vật được người Việt yêu mến.