Lê Trang
Năm 2019 khép lại với nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Trong số đó, có những con người thầm lặng cùng hành trình ngày càng lan tỏa giá trị xanh tới cộng đồng.
SASA – ĐỘI TÌNH NGUYỆN CỨU HỘ RÙA BIỂN, SAN HÔ, CÁ HEO
Đầu tháng 11/2019, khi những cơn bão dùng dằng ngoài khơi liên tục đe dọa dải đất miền Trung, bỗng phát lên lời kêu gọi của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An về một cá thể rùa biển quý hiếm cần được cứu.
“Thảo”, một cá thể rùa xanh được tìm thấy trong tình trạng đuối sức do va chạm với tàu thuyền. Ngay lập tức, anh Lê Chiến, người sáng lập và điều hành Sasa – Trung tâm cứu hộ sinh vật biển, đã cùng đồng đội tiếp cận, đưa Thảo vào bể nước tự chế với phao bơi của trẻ em và khăn đắp để tránh mất nhiệt.
Nói đến cái duyên với việc cứu hộ các loài sinh vật biển, anh Chiến chia sẻ: “Thực ra SaSa chính là tên của cá thể cá heo mà chúng tôi cứu hộ. Sau 10 năm làm việc với các dữ liệu về đại dương, tôi luôn đau đáu về thực trạng suy thoái môi trường biển.Tôi quyết định bỏ việc để sống với đam mê cứu hộ sinh vật biển của mình”. Vài năm trở lại đây, SaSa đã cứu được hàng chục cá thể rùa biển, cá heo, cá voi mắc cạn.
Không chỉ vậy, trong bối cảnh “90% thảm cỏ biển Sơn Trà đã biến mất” như cảnh báo của Viện Hải dương học Nha Trang, Lê Chiến cùng bạn bè góp tiền mua vật liệu và dành hơn 3 tháng trời cùng nhau xây dựng các giá thể nhân tạo nhằm phục hồi san hô Sơn Trà. Nhắc tới sứ mệnh này, Lê Chiến chỉ cười: “Tôi không dám tưởng tượng cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành được sứ mệnh. Bạn tôi không mấy người biết lặn, chỉ được hướng dẫn vài ngày đã phải làm việc hàng chục giờ mỗi ngày để chuẩn bị và đem các cá thể đến những vùng an toàn, cấy ghép san hô”. Dù những đóng góp của SaSa nhận được nhiều ghi nhận từ cộng đồng và chính quyền, Lê Chiến vẫn chưa có ý định gây quỹ hay huy động tài trợ: “Sức tôi và bạn bè còn lo được, chúng tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện đó”.
Và cùng với nụ cười tự tin ấy, cộng đồng miền Trung hoàn toàn yên tâm, khi bất cứ trường hợp nào cần đến cứu hộ san hô hoặc sinh vật biển, có thể ngay lập tức liên hệ SaSa.
GREENVIET VÀ DUYÊN NỢ VỚI “NỮ HOÀNG LINH TRƯỞNG”
Việt Nam là miền đất hứa cho các quần thể linh trưởng quý hiếm, với những cánh rừng nguyên sinh trải dài, nhiều loại thức ăn bản địa giàu dinh dưỡng. Bán đảo Sơn Trà ở thành phố Đà Nẵng còn may mắn hơn khi là nhà của hơn 200 gia đình Vọoc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loài linh trưởng” với bộ lông 5 màu sặc sỡ gồm cam, đỏ, xám, trắng và đen.
Độc đáo là vậy nhưng mãi đến năm 2012-2013, Chà vá chân nâu mới xuất hiện thường xuyên và rộng rãi thông qua chuỗi chiến dịch truyền thông của những nhà bảo tồn trẻ từ Trung tâm GreenViet. Các hành trình Tôi Yêu Sơn Trà, triển lãm ảnh tại trường, thư viện… ước chừng tiếp cận gần 500.000 người đã góp phần mang hình ảnh Chà vá chân nâu đến gần hơn với người dân Đà Nẵng và tái kết nối các công dân đô thị với tài nguyên thiên nhiên.
Nhờ đó, hình ảnh “Nữ hoàng” được phổ biến trên khắp các tuyến đường của thành phố. Giờ đây, không du khách nào đến thăm Đà Nẵng mà không muốn một lần được tận mắt chiêm ngưỡng các gia đình Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, để tấm tắc khen ngợi thành phố đáng sống, không chỉ cho người, mà còn cho cả các loài động vật.
GIỮ ĐẤT, GIỮ RỪNG, CẢI TẠO MÔI TRƯỜNG
Đó là câu chuyện của chàng trai Võ Văn Tiếng quê ở Đồng Tháp, người đã chọn cho mình sứ mệnh vực lại sức sống cho các hạt gạo của Việt Nam. Chỉ trong bốn năm, Tiếng tập trung thử nghiệm trên mảnh đất của gia đình, nhằm canh tác thuận tự nhiên, không phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, cải tạo chất lượng đất và để cây lúa học cách quen với các tác nhân trên cánh đồng. Những nỗ lực của Tiếng đã được đền đáp với những vụ mùa khỏe khoắn, những hạt gạo Tâm Việt an lành được cộng đồng tin tưởng sử dụng.
Giống như Tiếng, cô nàng Vũ Mỹ Hạnh với dự án An Nhiên Farm nơi góc làng Triêm Tây, một “không gian sống, học tập và làm việc của đội ngũ những người thực hành một hệ thống các giải pháp, hướng tới gây dựng một cơ chế chung sống Hài hòa và Thích nghi lâu dài giữa Tự nhiên và Con người”. Trong 5 năm, An Nhiên đã bước đầu thành công trong việc sử dụng thảm thực vật bản địa làm “kè sinh thái” nhằm giữ đất, hạn chế sạt lở, tạo cảm hứng cho người dân và chính quyền địa phương áp dụng mô hình.
Vẫn còn các cá nhân, tập thể đang từng ngày góp sức bảo vệ thiên nhiên mà không cần được nhắc tên, biết tới trên khắp dải đất hình chữ S. Ấy là điều đáng mừng bởi việc cộng đồng hiểu giá trị của thiên nhiên, tự nguyện bảo vệ thiên nhiên chính là phương pháp tốt nhất để gìn giữ và cải tạo thiên nhiên Việt Nam như lời chia sẻ của anh Trần Hữu Vy, giám đốc GreenViet.